Hơn 112.000 tỷ đồng cam kết đầu tư vào một tỉnh miền Trung, dự án lớn nhất tới 50.000 tỷ đồng

Giang Anh |

Sáng nay, tại Trung tâm hội nghị Quốc gia, thủ đô Hà Nội, UBND tỉnh Quảng Bình tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Bình và Xúc tiến đầu tư năm 2023 với chủ đề "Đưa Quảng Bình đến gần nhà đầu tư".

Hơn 112.000 tỷ đồng cam kết đầu tư vào một tỉnh miền Trung, dự án lớn nhất tới 50.000 tỷ đồng - Ảnh 1.

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ đã trao Quyết định số 377/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, ông Trần Thắng cho biết, nằm ở khu vực Bắc Trung Bộ, Quảng Bình là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, nơi đây có vị trí chiến lược quan trọng trên các hành lang phát triển kinh tế và hội tụ nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển nền kinh tế tổng hợp, đa dạng, đặc biệt là phát triển du lịch.

Quảng Bình có hệ thống giao thông đồng bộ gồm Quốc lộ 1A và cao tốc Bắc - Nam đang khẩn trương thi công; đường Hồ Chí Minh 2 nhánh Đông Tây, đường Quốc lộ 12A - con đường ngắn nhất nối Việt Nam với nước bạn Lào, Thái Lan qua cặp cửa khẩu Quốc tế Cha Lo - Nà Phàu, Quốc lộ 9B nối Việt Nam với Lào qua tỉnh Savan Nakhet, Ga đường sắt Đồng Hới; có sân bay Đồng Hới, Cảng biển Hòn La. Cùng với đó, 2 Khu kinh tế và 10 Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh có vị trí địa lý thuận lợi, đáp ứng để phát triển công nghiệp, logistics, năng lượng tái tạo, kinh doanh thương mại dịch vụ.

Theo Quy hoạch tỉnh, mục tiêu là bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, tận dụng những thành tựu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; xây dựng Quảng Bình trở thành nền kinh tế năng động với trọng tâm là ngành dịch vụ và du lịch nổi bật, công nghiệp sạch, năng lượng tái tạo, chế biến, chế tạo, nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái, trách nhiệm, bền vững.

Quy hoạch cũng xác định rõ các định hướng, ưu tiên phát triển gồm: 2 trung tâm động lực tăng trưởng, 3 trung tâm đô thị, 3 hành lang kinh tế, 4 trụ cột phát triển kinh tế và 3 đột phá chiến lược; các lĩnh vực, dự án quan trọng nhằm tạo sự đột phá và sức lan tỏa... mở đường cho việc xây dựng và thực hiện hiệu quả chính sách thu hút các nguồn lực, triển khai các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, phát triển kết cấu hạ tầng, xây dựng đô thị, phân bố dân cư, đất đai, tài nguyên, môi trường…

Đến năm 2030, phấn đấu đưa Quảng Bình trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực miền Trung. Tầm nhìn đến năm 2050, Quảng Bình sẽ là nền kinh tế phát triển năng động của miền Trung và cả nước.

Khoảng 5 tỷ USD cam kết đầu tư vào tỉnh Quảng Bình

Cũng trong khuôn khổ Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh đã trao Biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư cho 29 nhà đầu tư trên 32 dự án và khu vực quan tâm đầu đầu tư với tổng vốn đăng ký 112.165 tỷ đồng (tương đương 5 tỷ USD).

Trong đó, có 3 dự án trong lĩnh vực hạ tầng với tổng vốn 11.668 tỷ đồng; 5 dự án trong lĩnh vực thể thao - du lịch với tổng vốn 3.320 tỷ đồng; 6 dự án trong lĩnh vực công nghiệp - năng lượng - khoảng sản với tổng vốn 64.206 tỷ đồng; 1 dự án trong lĩnh vực nông nghiệp với tổng vốn 401 tỷ đồng; 17 khu vực nhà đầu tư quan tâm đầu tư trong lĩnh vực bất động sản với tổng vốn 32.570 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong số các dự án được trao biên bản ghi nhớ lần này, lớn nhất là dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch II, công suất 1.500 MW, sử dụng khí LNG, với tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới 50.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả dự kiến đầu tư Tuyến đường du lịch kết nối TP. Đồng Hới - di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, quy mô 2.900 tỷ đồng. Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam dự kiến đầu tư xây dựng Nhà ga hành khách T2 và mở rộng sân đỗ máy bay - Càng hàng không Đồng Hới, quy mô vốn dự kiến 1.968 tỷ đồng.

Lĩnh vực công nghiệp, năng lượng, khoáng sản cũng thu hút nhiều nhà đầu tư quan tâm. Trong đó, Tổng công ty Cơ điện xây dựng - CTCP, dự kiến đầu tư 3 dự án, quy mô vốn hơn 10.000 tỷ đồng. Riêng dự án khai thác điện mặt trời trên mặt kênh, hồ thủy lợi đã có vốn dự kiến 9.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, Liên doanh Công ty cổ phần khoáng sản Hoàng Long và Tập đoàn Iwantani - Nhật Bản dự kiến đầu tư Nhà máy Chế biến sâu xỉ Titan Hoàng Long IWATANI tại KCN Cảng biển Hòn La, vốn đầu tư dự kiến 3.546 tỷ đồng.

Còn Công ty TNHH Năng lượng xanh Dohwa dự kiến xây dựng giai đoạn II Nhà máy Điện mặt trời Dohwa Lệ Thủy, 650 tỷ đồng.

Ngoài ra, hàng loạt dự án dự án khu đô thị, bất động sản, với quy mô hàng nghìn tỷ đồng mỗi dự án cũng đã nhận được sự quan tâm đầu tư của các doanh nghiệp.

Chẳng hạn, Công ty cổ phần Tập đoàn C.E.O quan tâm Dự án Khu đô thị tại huyện Quảng Ninh, 250 ha, vốn dự kiến 9.000 tỷ đồng; Liên danh Công ty cổ phần Đầu tư nông nghiệp Sài gòn Thành Đạt và Công ty Licogi 13 muốn thực hiện Dự án Khu đô thị phức hợp du lịch nghỉ dưỡng tại thị xã Ba Đồn, 3.200 tỷ đồng; Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh quan tâm Dự án Khu đô thị tại TP. Đồng Hới, quy mô 45 ha, vốn dự kiến 2.700 tỷ đồng…

Đồng thời tại hội nghị, Sở Du lịch thành phố Hà Nội và Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình cũng trao thoả thuận hợp tác phát triển du lịch giữa 2 địa phương giai đoạn 2023 - 2030; Trung tâm Thông tin xúc tiến Du lịch Quảng Bình và Câu lạc bộ lữ hành UNESCO Hà Nội trao thoả thuận hợp tác giữa 02 đơn vị.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại