Ông Kim Jong-un thăm TQ
Sáng 8/1, người phát ngôn Ban liên lạc đối ngoại trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc thông báo: "Nhận lời mời của Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc kiêm Chủ tịch nước Tập Cận Bình, Ủy viên trưởng đảng Lao động Triều Tiên kiêm Ủy viên trưởng Quốc vụ viện Triều Tiên Kim Jong-un sẽ tiến hành thăm Trung Quốc từ ngày 7-10/1".
Theo tài liệu công khai, ông Kim Jong-un sinh ngày 8/1.
Báo thanh niên Bắc Kinh cho biết, vào ngày 8/1 của 4 năm trước đây, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc bấy giờ là Hồng Lỗi đã xác nhận, ngày 8/1 là ngày sinh nhật của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, Trung Quốc khi đó đã gửi lời chúc mừng tới Bình Nhưỡng.
Theo báo Trung Quốc, đây là lần đầu tiên ông Kim thực hiện chuyến công du nước ngoài vào đúng dịp sinh nhật.
Kể từ khi lên nắm quyền từ năm 2011 đến nay, ông thường tổ chức sinh nhật khá giản dị khi ngày sinh nhật ông không phải là ngày nghỉ lễ toàn quốc, cũng không tổ chức các hoạt động chúc mừng công khai, Báo thanh niên Bắc Kinh viết.
Chỉ có một lần long trọng duy nhất - ngày 8/1/2014 - ngôi sao bóng rổ Dennis Rodman dẫn đầu các thành viên bóng rổ NBA - đã giải nghệ - tới Bình Nhưỡng tham gia một trận giao hữu với các tuyển thủ Triều Tiên. Rodman còn hát chúc mừng sinh nhật ông Kim ngay tại sân bóng.
Công tác an ninh được Trung Quốc thắt chặt dọc tuyến đường có sự xuất hiện của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Ảnh: AP
Từ đó đến nay, vào ngày sinh nhật, nhà lãnh đạo Triều Tiên thường tiến hành các hoạt động thị sát địa phương. Ví dụ, ngày 8/1/2017, ông đã tới kiểm tra quy trình sản xuất chăn và ký túc xá của công nhân mới được xây dựng tại nhà máy tơ lụa Kim Jong-suk. Kim Jong-suk là tên húy của bà nội nhà lãnh đạo Triều Tiên đương nhiệm.
Theo báo Trung Quốc, việc ông Kim Jong-un lần đầu tiên đón sinh nhật ở nước ngoài - cụ thể là Trung Quốc đã thể hiện tâm ý vô cùng đặc biệt của ông với Bắc Kinh.
Vào thời điểm đặc biệt
Từ tháng 3-6/2018, ông Kim Jong-un đã tiến hành 3 chuyến công du Trung Quốc, lần lượt từ ngày 25-28/3, 7-8/5 và 19-20/6.
Lần đầu tiến, chuyến công du Trung Quốc diễn ra trước thềm hội nghị thượng đỉnh liên Triều (27/4), lần thứ hai diễn ra trước thềm hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim (tháng 6/2018 tại Singaopore) và lần thứ ba diễn ra một tuần sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều.
Đây là lần thứ 4 ông Kim Jong-un tới thăm Trung Quốc, cũng là chuyến công du nước ngoài đầu tiên trong năm nay của ông, xét về thời gian, ngoài khía cạnh trùng sinh nhật ông thì bán đảo Triều Tiên cũng sẽ phát sinh sự kiện lớn, Báo thanh niên Bắc Kinh cho rằng, đó là tín hiệu của hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần 4 và hội nghị Mỹ-Triều lần 2.
Hiện nay, hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều đã có bước phát triển mới nhất khi ngày 6/1 - trước ngày ông Kim sang Trung Quốc, Tổng thống Donald Trump tuyên bố, lãnh đạo hai nước Mỹ-Triều đang thảo luận lựa chọn địa điểm tổ chức thượng đỉnh song phương lần hai. Ông còn tiết lộ, sự kiện này có khả năng diễn ra vào tháng 1 hoặc tháng 2 năm nay.
Ngoài ra, đối với hai nước Trung-Triều, năm 2019 còn mang ý nghĩa đặc biệt: Kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương.
Theo ông Chiêm Đức Bân, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu bán đảo Triều Tiên, Đại học kinh tế ngoại thương, Thượng Hải, việc ông Kim thăm Trung Quốc ngay dịp đầu năm chứng tỏ Bình Nhưỡng rất coi trọng mối quan hệ Trung-Triều.
"Các cuộc đàm phán hiện nay giữa Mỹ và Triều Tiên đang đứng trước những bước đột phá và nguyên thủ Mỹ-Triều có thể tái hội ngộ. Do đó, chuyến thăm Trung Quốc lúc này cho thấy sự liên kết chiến lược của Bắc Kinh và Triều Tiên".
Ông Triệu Thông, chuyên gia về Triều Tiên thuộc Trung tâm Carnegie-Tsinghua ở Bắc Kinh phân tích, chuyến thăm Trung Quốc của ông Kim Jong-un chứng minh, quan hệ của Bình Nhưỡng với Bắc Kinh thân thiết hơn mối quan hệ của Bình Nhưỡng với Washington hoặc Seoul.
Theo ông này, việc phát đi thông điệp này trong bối cảnh hiện nay có thể cho thấy mối quan hệ Mỹ-Triều đang gặp chướng ngại hoặc rắc rối và Bình Nhưỡng không tự tin sẽ đạt được thành công trong đàm phán từ bỏ hạt nhân.
"Triều Tiên thân thiết hơn với Trung Quốc vô hình trung gây áp lực cho Mỹ, cho thấy dù Mỹ không đáp ứng yêu cầu của Bình Nhưỡng và tiếp tục trì hoãn cải thiện quan hệ song phương thì nước này vẫn có Bắc Kinh "chống lưng", không cần thỏa hiệp với Washington", ông Triệu nhận định.
Harry J. Kazianis, Giám đốc Trung tâm các lợi ích quốc gia Mỹ cho rằng, ông Kim Jong-un đang muốn nhắc nhở chính quyền Tổng thốngDonald Trump rằng, ông có nhiều lựa chọn ngoại giao và kinh tế, bên cạnh những đề nghị từ Mỹ và Hàn Quốc.