1. Chỉ riêng địa hạt bóng đá, xuyên suốt lịch sử môn thể thao vua này đã chứng kiến không biết bao nhiêu hiện tượng hai thực thể hòa quyện vào nhau làm một tới mức khó tách rời. Khi nhắc tới thực thế này người ta lập tức nghĩ đến thực thể kia hay thực thể kia là hiện thân của thực thể này. Thực thể này, thực thể kia tức mối quan hệ giữa CLB/ĐTQG với cầu thủ/HLV.
Diego Maradona lang bạt kỳ hồ, vướng vào bao nhiêu tai tiếng, rốt cuộc ông vẫn là thánh sống tại Naples và Argentina. Maradona không chỉ tạo dựng thành công chói lọi nhất lịch sử cho Napoli và đội tuyển Argentina mà còn nét ngang tàng, ngổ ngáo của ông còn hiện thân cho khí chất của người thành Naples hay người dân xứ sở Tango.
Messi, hậu bối của Maradona, dẫu tài năng lẫn ngoại hình đều tương đồng vậy nhưng lại chưa thể thành công tại đội tuyển Argentina dù đã trở thành biểu tượng ở Barcelona, nơi Maradona thất bại.
Hoặc các trường hợp Franz Beckenbauer ở ĐT Đức, Johan Cruyff ở ĐT Hà Lan, Raul Gonzalez ở Real Madrid, Eric Cantona tại Man United, Thierry Henry tại Arsenal, Steven Gerrard tại Liverpool, Lampard tại Chelsea… đều là những trường hợp tiêu biểu cho việc một cầu thủ trở thành biểu tượng của một đội bóng, không chỉ vì đóng góp vĩ đại mà cả sự hiện thân của khí chất của đội bóng ấy.
Real Madrid quy tụ hằng hà sa số siêu sao nhưng không ai phảng phất nét kiêu kỳ khinh bạc đậm chất Hoàng gia như Raul. Man United có hàng tá chân sút ghi nhiều bàn thắng hơn Eric Cantona nhưng không ai toát lên khí phách ngông ngạo của một chú quỷ như huyền thoại người Pháp. Hoặc ở Gerrard, người ta đều thấy sự máu lửa nhưng lỡ làng của Liverpool.
Tương tự là mối liên hệ giữa đội bóng và HLV. Man United và Sir Alex Ferguson đâu thể tách rời. Real từng được biết bao nhà cầm quân tài danh dẫn dắt nhưng rốt cuộc thành công nhất lại là Zidane, một huyền thoại sân cỏ nhưng chưa bao giờ được đánh giá cao trong công tác chuyên môn huấn luyện. Hoặc Pep Guardiola dù có đi đâu, ông vẫn là hiện thân của phong cách Barca. Tương tự là Diego Simeone, người đã tạo nên hồn cốt Atletico Madrid.
Tựu trung, ngoài câu chuyện tài năng, để hai thực thể hòa quyện như vậy cần có một chữ duyên. Sở dĩ phải dùng chữ duyên bởi có hằng hà sa số yếu tố ảnh hưởng. Chẳng hạn như sự thấu hiểu về văn hóa, sự tương đồng về triết lý hoặc vấn đề xuất hiện có đúng thời điểm hay không.
Cổ nhân có câu "Sinh bất phùng thời" là bởi có quá nhiều kẻ có tài nhưng không gặp thời. Bóng đá cũng vậy, cho nên Messi hay Cristiano Ronaldo chưa bao giờ vô địch World Cup còn Ronaldo lại chẳng thể chạm tay vào danh hiệu Champions League.
Hoặc đôi khi chỉ là biến cố bất ngờ nào đó mà dẫn nên duyên. Nếu Atletico Madrid không tiếc tiền mà giải tán đội trẻ thì Raul đâu có gia nhập Real Madrid để rồi người ta gọi anh là Raul Madrid. Hoặc Messi đâu phải lặn lội vạn dặm xa xôi sang Barca nếu các đội bóng trong nước chấp nhận đầu tư một khoản để anh chữa trị bệnh còi xương.
2. Dẫn dắt Đông Tây, suy cho cùng để chứng minh cho một điều, thiên đã định dành HLV Park Hang-seo cho đội tuyển Việt Nam, cho nền bóng đá Việt Nam. Trước khi gặp nhau, cả ông Park lẫn nền bóng đá xứ sở hình chữ S đều chạm đáy về thành tích. Lúc đó ông Park đang dẫn dắt một đội bóng hạng Ba tại Hàn Quốc và để thua liểng xiểng, còn các cấp đội tuyển Việt Nam qua non thập kỷ không cười trên mọi đấu trường.
Thậm chí khi ông Park được bổ nhiệm, dư luận đã dành nhiều hoài nghi thậm chí chỉ trích vì thành tích quá bết bát của "Ngài ngủ gật". Thế nhưng, chỉ trong vòng 2 năm qua, ông Park và bóng đá Việt Nam đã tiến những bước rất dài và nằm ngoài sức tưởng tượng của tất cả mọi người. Đó là cổ tích tại Thường Châu, danh vị đệ tứ anh hào Á Vận hội rồi chức vô địch AFF Cup sau 10 năm chờ đợi.
Có thể nói, nếu không phải ông Park, bóng đá Việt Nam chưa chắc có thể thành công như thế và ngược lại, nếu không đến Việt Nam, ông Park cũng chưa chắc đã tìm thấy chiếc đũa thần phù thủy của bản thân. Đó là một sự hòa hợp mà có thể nói thiên đã định.
Khi còn làm việc tại Hàn Quốc, ông Park bị chê bai vì sử dụng lối chơi bóng ngắn không phù hợp với thể hình cao to của các cầu thủ xứ Kim chi. Thế nhưng, lối chơi ấy lại quá phù hợp với những cầu thủ Việt Nam vốn nhỏ con và khéo léo.
Tất nhiên, ở triều đại HLV trước, việc ban bật đã quá bị lạm dụng dẫn đến sự thiếu hiệu quả trong lối chơi và chính HLV Park Hang-seo là người khai phá tiềm năng của các cầu thủ Việt Nam thông qua đấu pháp chú trọng phòng ngự và tấn công nhanh.
Việc vị chiến lược gia người Hàn Quốc sử dụng sơ đồ 3 hậu vệ cũng là một cuộc cách mạng đối với bóng đá Việt Nam và sơ đồ này cho đến hiện tại, vẫn là thử thách khó hóa giải với hầu hết các đội bóng trong khu vực lẫn châu lục. Lẽ dĩ nhiên, không thể không đề cập tới việc ông Park rất có duyên khi xuất hiện đúng thời điểm bóng đá Việt Nam sản sinh ra một thế hệ đầy tài năng với Quang Hải, Công Phượng, Văn Hậu, Đình Trọng…
Bởi cái duyên như thế, việc ông Park được ký mới hợp đồng là chuyện đương nhiên. Bây giờ, vị chiến lược gia người Hàn Quốc không còn là một "lính đánh thuê" mà là thần tượng của hàng triệu người hâm mộ, hiện thân cho lối chơi tinh quái nhưng quật cường của đoàn quân áo đỏ. Và tất nhiên, cũng chỉ ông Park mới đủ ân uy để dẫn dắt những cầu thủ ưu tú nhất của bóng đá Việt Nam.
Ngược lại, sẽ chẳng có nơi đâu HLV Park Hang Seo được yêu quý và trân trọng như ở xứ sở hình chữ S. Bây giờ, ông không còn làm việc để khẳng định năng lực bản thân mà gánh vác trên vai hy vọng của cả một dân tộc. Thiên định là như thế!