Theo kế hoạch, sáng nay (27-3), TAND Cấp cao tại TP HCM mở lại phiên tòa phúc thẩm vụ án (cựu Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM), Trần Công Thiện (cựu Tổng Giám đốc Công ty Tân Thuận) bán rẻ đất ở 2 dự án KDC Phước Kiển (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) và KDC Ven Sông (phường Tân Phong, quận 7, TP HCM) cho Công ty Quốc Cường Gia Lai.
Trước đó, phiên xử này đã được mở vào ngày 6-3 với 9/10 bị cáo tham dự, vắng mặt bị cáo Tất Thành Cang .
Các bị cáo trong phiên xử phúc thẩm
Trong phần thủ tục phiên toà, bị cáo Phan Thanh Tân (cựu Phó Chánh văn phòng Thành uỷ TP HCM) đề nghị HĐXX hoãn phiên xử vì 2/3 luật sư bào chữa cho bị cáo vắng mặt. Một luật sư của bị cáo này cũng nộp đơn xin hoãn phiên toà. Luật sư bào chữa cho bị cáo Trần Công Thiện cũng có yêu cầu hoãn phiên toà.
HĐXX nhận định trên cơ sở một số người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt không lý do và yêu cầu hoãn phiên xét xử của bị cáo, HĐXX tuyên hoãn phiên toà.
Phiên xét xử phúc thẩm được mở do có 9/10 bị cáo trong vụ án (trừ bị cáo Tất Thành Cang) đã nộp đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, đề nghị cấp phúc thẩm xem xét lại mức bồi thường thiệt hại.
Bên cạnh đó, VKSND TP HCM cũng kháng nghị phúc thẩm một phần bản án sơ thẩm về phần xác định thời điểm thất thoát tài sản Nhà nước.
Theo kháng nghị, toà sơ thẩm xác định hành vi phạm tội của các bị cáo đã gây thiệt hại thực tế cho Nhà nước (tính tới ngày khởi tố vụ án chưa được khắc phục) là 283 tỉ đồng. Trong khi đó, số tiền mà HĐXX cấp sơ thẩm căn cứ để xác định trách nhiệm hình sự của các bị cáo là 207 tỉ đồng.
VKSND TP HCM cho rằng việc toà sơ thẩm nhận định và quyết định thời điểm xác định tài sản Nhà nước bị thất thoát, lãng phí khi hành vi phạm tội xảy ra là không có căn cứ.
VKSND TP HCM đề nghị TAND cấp cao tại TP HCM xét xử phúc thẩm vụ án theo hướng xác định thời điểm thất thoát tài sản Nhà nước trong vụ án thực tế là số tiền Nhà nước bị thất thoát cho đến khi được ngăn chặn (thời điểm khởi tố vụ án).
Tại bản án sơ thẩm, HĐXX tuyên phạt bị cáo Tất Thành Cang 6 năm tù tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí". 9 đồng phạm còn lại bị tuyên phạt mức án từ 3-13 năm tù.
Về dân sự, HĐXX bác đề nghị nhận lại hơn 16,9 tỉ đồng tiền lãi từ việc chuyển nhượng dự án mà Công ty Quốc Cường Gia Lai đang gửi tại Cơ quan chức năng, trả số tiền này cho Công ty Tân Thuận. Buộc 10 bị cáo trong vụ án liên đới bồi thường cho Công ty Quốc Cường Gia Lai số tiền này (theo tỉ lệ: bị cáo Thiện 50%, bị cáo Cang và Thông 10%, mỗi bị cáo còn lại 6%).
HĐXX buộc 9 bị cáo (trừ Tất Thành Cang) liên đới bồi thường cho Công ty Tân Thuận hơn 283 tỉ đồng; đối với dự án KDC Ven Sông, HĐXX giao UBND TP HCM giải quyết theo quy định của pháp luật.
Cùng trong sáng 27-3, TAND Cấp cao tại TP HCM sẽ đưa ra xét xử phúc thẩm Nguyễn Thái Luyện (cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty) cùng 22 đồng phạm trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản và rửa tiền xảy ra tại Công ty Alibaba .
Chủ toạ phiên xét xử là thẩm phán Võ Văn Khoa.
Phiên xét xử phúc thẩm được mở do có kháng cáo từ 16/23 bị cáo, 97 bị hại và 2 cá nhân tổ chức là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Trong đó, Nguyễn Thái Luyện, Võ Thị Thanh Mai (vợ Luyện) cùng Nguyễn Thái Lực và Nguyễn Thái Lĩnh (2 em trai của Luyện) đều có đơn kháng cáo.
Bị cáo Nguyễn Thái Luyện cho rằng bản thân không phạm tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", không chiếm đoạt tiền của khách hàng. Đây cũng là nội dung mà bị cáo Luyện đã nói kể từ lúc bị tạm giam đến khi đưa ra xét xử.
Bị cáo Võ Thị Thanh Mai kháng cáo kêu oan cả 2 tội danh "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Rửa tiền".
Tại bản án sơ thẩm, HĐXX nhận định: Chỉ trong thời gian rất ngắn, từ đầu năm 2018 đến tháng 9-2019, thông qua việc tự lập, vẽ các dự án bất động sản và ký kết hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nền dự án, Nguyễn Thái Luyện đã chiếm đoạt số tiền 2.446 tỉ đồng của 4.548 bị hại trên khắp cả nước.
HĐXX buộc bị cáo Luyện và bị cáo Võ Thị Thanh Mai (vợ Luyện) liên đới bồi thường toàn bộ thiệt hại cho các bị hại.
Mức án chi tiết của các bị cáo tại bản án sơ thẩm:
Đồ hoạ: ANH THANH