Quận Thanh Xuân di dời người dân trong "ổ dịch" phường Thanh Xuân Trung đến vùng an toàn. Ảnh: Hoàng Hải
Thông tin từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, trưa 2/9, thành phố vừa ghi nhận thêm 26 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Trong đó, một người tại cộng đồng, 22 trường hợp đã cách ly, 3 ca nhiễm sống ở vùng phong tỏa.
Trong 25 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 trong khu cách ly, vùng phong tỏa, ổ dịch Thanh Xuân Trung (Thanh Xuân) ghi nhận 6 người nhiễm. Từ 23/8 đến nay, ổ dịch này đã có tổng cộng 388 ca nhiễm trên địa bàn.
Ngoài ra, Hà Nội cũng công bố thêm 4 trường hợp có địa chỉ ở ngõ 477 Nguyễn Trãi, phường Thanh Xuân Nam (quận Thanh Xuân) dương tính với SARS-CoV-2. Họ là các thành viên trong gia đình.
Đêm 1/9, xe buýt đến đón người dân đưa đi cách ly tại trước ngõ 328 Nguyễn Trãi. Ảnh: Hoàng Hải
Vào sáng 2/9, Sở Y tế Hà Nội đã công bố ghi nhận 5 ca dương tính SARS-CoV-2. Trong số này có Đ.X.N, nam, sinh năm 2002, địa chỉ tại Ngõ 477 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân Nam.
Ngày 28/8, bệnh nhân có triệu chứng, sốt ho. Ngày 1/9, bệnh nhân khai báo y tế và được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính.
"Giãn cách đã dài ngày, người dân đã mệt mỏi"
Trước câu hỏi của báo Tuổi trẻ về việc sau gần 45 ngày giãn cách xã hội toàn TP Hà Nội, số ca Covid-19 trong cộng đồng cao, liệu việc tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội toàn TP có phải là việc làm tối ưu?
Giáo sư, anh hùng lao động, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí, chủ tịch hội Huyết học truyền máu Việt Nam - nguyên viện trưởng Viện Huyết học truyền máu trung ương phân tích, nếu Hà Nội tiếp tục tăng thêm thời gian giãn cách xã hội thì TP phải trả giá quá lớn, ảnh hưởng đến tất cả mọi mặt của đời sống xã hội.
Ông chia sẻ, thời gian giãn cách 45 ngày người dân cũng đã rất mệt mỏi, nhiều gia đình nguồn lực đã cạn kiệt, nhất là những người lao động, thì việc tiếp tục giãn cách là thử thách lớn với người dân.
"Những gia đình không có tiền tích lũy thì 45 ngày qua tôi cam đoan là thử thách quá lớn đối với họ. Vì vậy lúc này cần tổ chức lại xã hội, trách nhiệm của TP hiện nay không chỉ là chống dịch mà còn phải lo cho người dân việc an sinh xã hội.
Nếu giãn cách xã hội quá lâu mà dịch cứ bùng phát thì tới một ngày nào đó người dân không chịu nổi thì họ cũng sẽ bung ra thôi", GS Nguyễn Anh Trí nói.
Theo ông Trí, để bảo vệ được Hà Nội thì sau ngày 6-9, TP có thể vẫn nên thực hiện giãn cách, nhưng giãn cách khu trú, chỗ nào có F0 thì phải giãn cách, thậm chí là phong tỏa, nhưng phải phong tỏa rất gọn, đúng chỗ có dịch và phải tuyệt đối nghiêm túc, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Chứ không nên tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội toàn TP như đang áp dụng.
GS Nguyễn Anh Trí cho biết, để làm được việc này, nhân dân phải đồng lòng với chính quyền, chung sức cùng chính quyền vượt qua đại dịch.
Tổng hợp