Từ trước đến nay, trên những con phố ở trung tâm Thủ đô Hà Nội, người ta dễ dàng nhìn thấy những dòng xe xích lô chở khách du lịch đi dạo. Rất nhiều khách nước ngoài, người Việt Nam đã chọn phương tiện này để khám phá những nét đẹp cổ xưa và cuộc sống của người dân trên phố cổ.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến khách du lịch giảm, người dân dường như quên đi phương tiện được ví như taxi bây giờ của 30 năm về trước khiến cuộc sống của những người làm nghề đạp xích lô lao đao, khốn khó.
Những ngày Tết, thời tiết ấm áp, nắng nhẹ, người dân rủ nhau lên hồ Gươm vui chơi, chụp ảnh. Giữa những đám đông, tiếng cười nói là những khuôn mặt thất thần của những người đạp xích lô.
Những người đạp xích lô chờ khách ở hồ Gươm ngày giáp Tết
Ngồi đợi cả buổi nhưng chẳng có khách
Theo những người làm nghề này cho biết, trước khi có dịch Covid-19, họ làm việc theo sự điều hành của các công ty lữ hành, du lịch trên địa bàn. Thu nhập mỗi tháng dao động từ 5-8 triệu đồng, tháng cao điểm lên tới 10 triệu đồng. Nhưng do dịch, thu nhập của họ giảm mạnh xuống chỉ còn 1-2,5 triệu đồng/tháng.
Ngồi cả ngày tại hồ Gươm nhưng chưa được một khách nào, ông Nguyễn Văn Nam (70 tuổi, quê ở Nam Định) buồn bã: "Chưa năm nào vắng khách như năm nay".
Ông Nguyễn Văn Nam về quê ăn Tết sớm hơn mọi năm
Gần 20 năm trong nghề, công việc của ông Nam khá bận rộn, hầu như ngày nào cũng chở khách đến 10h đêm. Thế nhưng, đến khi có dịch, hoạt động du lịch đóng băng, bản thân mình ông cũng không nuôi nổi.
"Những ngày đầu xuân là những ngày chúng tôi có thu nhập cao nhất nhưng đó chỉ là trước đây thôi, năm nay chán lắm", ông Nam tâm sự.
Theo ông Nam, mọi năm ông sẽ làm đến sát Tết nhưng năm nay sẽ về quê sớm vài ngày vì có ở lại cũng "không kham nổi". "Cả ngày không có một khách nào thì không đủ sống, ngày Tết bây giờ cũng như ngày thường thôi", ông Nam nói.
Tình trạng chung của những người đạp xích lô năm nay
Cùng quan điểm với ông Nam, Vũ Văn Biển (quê ở Nam Định) cho hay: "Trước khi có dịch, xung quanh hồ Gươm có cả trăm lái xe, hiện tại, chỉ còn vài chục người bám trụ vào nghề này".
Ông Biển nhớ lại, trước đây những ngày Tết, người dân đi chơi đông nhưng rất nhiều người có nhu cầu thuê xích lô nhưng năm nay thì không, ngày Tết mà may mắn thì có 3-4 chuyến, kiếm được vài trăm.
Rất đông người đi chơi quanh hồ Gươm nhưng chẳng ai để ý đến xích lô
"Những ngày Tết năm trước, từ mùng 2 trở đi, người dân kéo về hồ Gươm du xuân đông lắm, họ đi chơi cả gia đình nên rất cần xích lô, chúng tôi vì vậy mà cũng chở khách không kịp. Những ai chạy nhiều thì có ngày kiếm cả tiền triệu", ông Biển kể.
Ông Biển cho rằng, việc khách nước ngoài không tới Hà Nội du lịch cũng là một phần nguyên nhân khiến những người đạp xích lô không có việc. "Bây giờ đúng nghĩa chúng tôi đạp xích lô để rèn luyện sức khoẻ thôi".
Di chuyển cả ngày xung quanh hồ Gươm vẫn chưa bắt được khách, ông Lê Văn Học (76 tuổi, quê ở Hưng Yên) cho biết, ông đạp xích lô từ những năm 1976 đến nay. "Dịch Covid-19 ảnh hưởng nên không có khách, con trai tôi cũng bảo xin cho bố đi làm bảo vệ. Nhưng mà già rồi ai người ta nhận mình nữa, thôi thì cứ bám víu lấy cái nghề này được đồng nào hay đồng đấy".
Ông Học lái xích lô đã hơn 30 năm
"Tôi may mắn hơn những người lái xích lô khác là có khách quen, những ngày Tết, chủ yếu là khách quen đặt xe tôi nhưng cũng không nhiều đâu", ông Học nói.
"Những năm trước Tết đông, tôi chạy hàng chục tua quanh phố cổ, kiếm cả triệu bạc. Đấy là chưa kể tiền lì xì của khách, có khách Tây họ lì xì cả trăm đô cho tôi. Thế nhưng, nhưng năm nay kém lắm, ai cũng buồn bã, ỉu xìu những người khách lạ trả giá, bao nhiêu tôi cũng đi", ông Học chia sẻ.
Ông Học cho biết, dù thời điểm Tết nhưng khách trả bao nhiêu ông cũng lái
Ông Học cũng như những người lái xích lô đều hy vọng dịch sau Tết Nguyên đán, dịch bệnh sẽ qua nhanh để cuộc sống người dân phát triển trở lại. Những người đang mưu sinh, gìn giữ giá trị văn hóa Thủ đô như những người lái xích lô sẽ có cơ hội vượt qua khó khăn.
Tâm sự của những người đạp xích lô ở Hồ Gươm