Hội thao quân sự quốc tế khai mạc vào ngày 29/7 và kéo dài tới ngày 11/8 ở tỉnh Tân Cương của Trung Quốc có sự góp mặt của nhiều đại diện quân sự trên khắp thế giới.
Trước đó, Hội thao quân sự quốc tế được Nga thành lập và Trung Quốc đồng tổ chức. Trong các cuộc diễn tập năm nay, 7 quốc gia trên khắp thế giới sẽ cùng tổ chức sự kiện trong vòng 2 tuần.
Tuy nhiên, phần lớn các sự kiện diễn ra ở Nga và một số được tổ chức ở Trung Quốc và Kazakhstan. Còn Belarus, Iran, Azerbaijan và Armenia, mỗi nước chỉ làm chủ nhà một cuộc thi đấu.
“Đây là dịp để Trung Quốc củng cố vị trí quân sự trên thế giới cũng như giúp tăng doanh thu quốc phòng của Trung Quốc”, CNN dẫn lời ông Nick Marro, nhà phân tích tại Viện Tình báo kinh tế.
Theo truyền thông Trung Quốc, các quốc gia tham dự Hội thao sẽ sử dụng những thiết bị quân sự do Nga hoặc Trung Quốc sản xuất để thi đấu. Đây chính là dịp để các nước thử nghiệm vũ khí trước khi đưa ra quyết định thu mua.
Còn theo Viện nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRS), cùng với Mỹ, Nga, Pháp và Đức, Trung Quốc đang nắm giữ vị trí là một trong những quốc gia đứng đầu về xuất khẩu vũ khí.
Dữ liệu của SIPRS cũng cho thấy, trong giai đoạn từ năm 2008 – 2017, Trung Quốc đã xuất khẩu được số vũ khí trị giá hơn 14 tỷ USD và riêng năm ngoái là 1 tỷ USD.
Danh sách khách hàng lớn nhất của Trung Quốc là Pakistan và Bangladesh. Đây cũng là hai nước tham dự Hội thao quân sự quốc tế được tổ chức ở Tân Cương cùng với Myanmar và Iran.
Trong một bài báo được đăng trên trang tin của quân đội Trung Quốc, chuyên gia quân sự Song Zhongping thừa nhận rằng, Hội thao quân sự quốc tế chính là dịp để “quảng cáo và mở rộng thị trường cho các sản phẩm công nghiệp quân sự của Trung Quốc”.
Trong đó, Pakistan, quốc gia tham dự các bài diễn tập trên không và trên bộ ở Tân Cương, hiện là khách hàng số 1 mua vũ khí Trung Quốc. Cụ thể, 1/3 số vũ khí Trung Quốc xuất khẩu ra nước ngoài vào năm 2017 được chuyển tới Islamabad.
Bản báo cáo từ Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược Trung Quốc cho biết thêm, một số quốc gia khác còn trở thành khách hàng trong lĩnh vực mua vũ khí công nghệ hiện đại nhất của Trung Quốc bao gồm các hệ thống theo dõi tên lửa hạt nhân hay cùng hợp tác phát triển chiến đấu cơ JF-17.
Cụ thể, Venezuela, quốc gia đã mua hàng loạt tên lửa chống hạm C-802 của Trung Quốc trong năm 2017, sẽ tham gia cuộc thi tấn công trên biển diễn ra ở tỉnh Phúc Kiến. Đây là một phần trong nội dung của Hội thao quân sự quốc tế được tổ chức ở Trung Quốc.
Về phần mình, Trung Quốc cũng hy vọng Hội thao quân sự quốc tế là dịp để thu hút sự quan tâm từ một số quốc gia láng giềng để cùng tham gia vào các cuộc tranh tài.
Trong buổi lễ khai mạc tại Nga, lực lượng xe tăng, súng phóng rocket và trực thăng Trung Quốc đã tham gia các bài tập trận bắn đạn thật. Trong các cuộc tranh tài khác tại Nga, oanh tạc cơ H-6K, chiến đấu cơ J-10A cùng tăng chiến đấu chủ lực Type 96B của quân đội Trung Quốc cũng sẽ phô diễn tài năng.
Theo giới chuyên gia, Hội thao quân sự quốc tế không chỉ là cơ hội để Trung Quốc tăng doanh thu bán vũ khí mà còn giúp chính quyền Bắc Kinh giành được thêm sự ủng hộ chính trị.
“Trung Quốc tận dụng hoạt động xuất khẩu vũ khí làm công cụ cho chính sách đối ngoại để từ đó tạo ra sự lệ thuộc chiến lược”, Giáo sư nghiên cứu quân sự tại Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, ông Michael Raska nhận định hồi năm ngoái.
Cũng theo ông Raska, hoạt động bán vũ khí cho các nước châu Á như Myanmar và Bangladesh đã giúp Trung Quốc tăng cường tầm ảnh hưởng trong khu vực và biến các quốc gia này phải lệ thuộc vào khí tài của Bắc Kinh.
Trong khi đó, việc xuất khẩu các mặt hàng vũ khí ra những nước ở xa hơn như Venezuela hay Iran lại là cách giúp Trung Quốc kiềm chế Mỹ.