Theo CNN, con đường lái xe qua bang Sao Paulo ở Brazil không có gì nổi bật. Những dãy nhà cao tầng nối tiếp nhau dọc theo con đường cao tốc và mãi sau đó chỉ là những ngọn đồi thoai thoải. Đây chắc chắn không phải là khung cảnh mọi người mong muốn trong bối cảnh phải ứng phó với biến đổi khí hậu.
Khu rừng đang được hồi phục lại trong dự án của tổ chức môi trường SOS Mata Atlantica . Ảnh: CNN
Ông Luis Guedes Pinto, Giám đốc điều hành tại SOS Mata Atlantica - một tổ chức phi lợi nhuận chuyên phục hồi các khu rừng ven bờ biển Đại Tây Dương của Brazil, đang tiến hành nhiều dự án tại đây.
Bản thân khu rừng này là nơi sinh sống của hơn 145 triệu người Brazil và - giống như rừng nhiệt đới Amazon, nơi này đã và đang bị tàn phá bởi nạn phá rừng trong vài năm qua. Khoảng 3/4 khu rừng bị xóa sổ để phát triển cơ sở hạ tầng và đô thị cũng như các hoạt động kinh doanh nông nghiệp quá mức cho phép đang diễn ra ở đây.
"Chúng ta cần trồng đi trồng lại nhiều cây hơn và cũng không thể để mất thêm một mẫu đất nào nữa", ông Pinto nói khi đi qua một vườn ươm với hơn 50 loài cây và thực vật được chăm sóc cẩn thận - nơi từng là đồng cỏ trần trụi và khô hạn. "Khu rừng chúng ta trồng lại sẽ không giống với khu rừng chúng ta chặt hạ. Một số khu vực rừng đã mất đi những hàng cây hàng trăm năm tuổi", ông Pinto nói.
Hiện những cây mới trồng chỉ là những cây giống trong quá trình hồi sinh rừng. Chỉ trong 15 năm nữa, những loại cây này sẽ phát triển thành một khu sinh thái thịnh vượng có mực nước ngầm, cây cối, thực vật và động vật khỏe mạnh. Cảnh quan sẽ hoàn toàn khác với vùng đất cỏ ở biên giới, nơi hạn hán đang diễn ra.
Nỗ lực hồi phục sinh thái
Brazil từng được biết đến là một trong những quốc gia đa dạng sinh học quan trọng nhất trên hành tinh. Tuy nhiên, Viện Nghiên cứu Vũ trụ Quốc gia Brazil (INPE) đã công bố một báo cáo vào tháng 7/2022 cho biết gần 4.000km2 rừng Amazon ở Brazil đã bị tàn phá trong 6 tháng đầu năm 2022, lớn gấp 5 lần diện tích thành phố New York (Mỹ) và tăng 10.6% so cùng kỳ năm ngoái.
Quá trình tàn phá rừng nhiệt đới Amazon đã thải ra rất nhiều carbon dioxide - cao hơn mức hấp thụ của Trái Đất và sẽ tiêu cực đến xu hướng nóng lên toàn cầu. Và các nhà khoa học cũng cảnh báo khu rừng nhiệt đới quý giá này ít có khả năng phục hồi sau hạn hán, khai thác gỗ và cháy rừng. Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh COP27 của Liên hợp quốc ngày 16/11 tại Sharm el-Sheikh, Ai Cập, Tổng thống vừa đắc cử Lula Da Silva cho biết Brazil đã nối lại quan hệ với thế giới và nhấn mạnh rằng nếu không có an ninh khí hậu cho thế giới thì sẽ không có sự bảo vệ đối với rừng Amazon.
Ông Lula cũng hứa hẹn sẽ ban hành hình phạt cho những người liên quan đến nạn phá rừng Amazon và thông báo lập thêm một Bộ chủ trì mới hỗ trợ người dân bản địa để mang đến cuộc sống hòa bình và duy trì tính bền vững. Bài phát biểu của ông Lula đã nhận một tràng pháo tay lớn của hội nghị khi mọi người đang mong muốn nghe thêm những góp ý và giải pháp ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu.
Trong một cuộc phỏng vấn với CNN, cựu Bộ trưởng Môi trường Brazil ông Ricardo Salles cho biết sẵn sàng hợp tác với chính quyền sắp tới của Tổng thống Lula để phát triển các mục tiêu khí hậu.
"Trong thời gian làm Bộ trưởng Môi trường, chính sách phát triển môi trường và kinh tế ở Amazon là rất quan trọng đối với sự bền vững lâu dài", ông Salles nói.
"Chúng ta không thể phá rừng để phát triển. Chúng ta phải làm điều đó trong sự hòa hợp với thiên nhiên. Và chính những người dân bản địa đã dạy điều đó", Đại diện cho người dân bản địa ở Brazil bà Txai Suruí nói trên CNN.
Theo bà Surui, chính quyền Tổng thống Lula sẽ cần thực hiện tốt lời hứa hành động nhanh chóng, bất chấp áp lực kinh tế khi hàng triệu người dân ở Amazon đang phụ thuộc vào sự phát triển thương mại của vùng.
Bà Surui nói: "Nếu chính quyền Tổng thống Lula không giải quyết vấn đề này thì không chỉ chúng tôi mà những người dân bản địa cũng sẽ lên tiếng vì môi trường chung. Chúng ta cần hiểu rằng, với tư cách là một quốc gia đóng vai trò quan trọng đối với hành tinh thì mỗi quyết định của Chính phủ Brazil sẽ rất quan trọng đối với người dân nước này cũng như đối với các quốc gia khác trên khắp thế giới".