Hội nghị G7: Trung Quốc phản ứng; Tổng thống Ukraine đến Nhật

Xuân Mai |

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đến Hiroshima - Nhật Bản hôm 20-5 để đàm phán với các lãnh đạo G7 khi cuộc xung đột kéo dài 15 tháng.

Ông Zelensky viết trên Twitter trên chuyến bay do Pháp cung cấp: "Nhật Bản. G7. Các cuộc gặp quan trọng với các đối tác và bạn bè của Ukraine. An ninh và tăng cường hợp tác vì chiến thắng của chúng ta. Hôm nay, hòa bình sẽ trở nên gần hơn".

Quyết định đến Hiroshima của ông Zelensky bắt nguồn từ "mong muốn mạnh mẽ" là được tham gia các cuộc đàm phán với Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và các quốc gia khác, vốn ảnh hưởng đến khả năng phòng thủ của Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.

Hội nghị G7: Trung Quốc phản ứng; Tổng thống Ukraine đến Nhật - Ảnh 1.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đến Hiroshima. Ảnh: AP

Chuyến thăm của ông Zelensky diễn ra chỉ vài giờ sau khi Mỹ đồng ý cho phép huấn luyện phi công Ukraine lái máy bay chiến đấu do Mỹ sản xuất.

Theo hãng tin AP, một quan chức Liên minh châu Âu (EU) cho biết ông Zelensky sẽ tham gia hai phiên họp riêng biệt vào ngày 21-5. Phiên họp đầu tiên sẽ chỉ dành cho các thành viên G7 và sẽ tập trung vào cuộc chiến ở Ukraine. Phiên họp thứ hai sẽ bao gồm thành viên G7 cũng như các quốc gia khác được mời tham gia hội nghị thượng đỉnh và sẽ tập trung vào "hòa bình và sự ổn định".

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan nói rằng Tổng thống Joe Biden và người đồng cấp Ukraine sẽ thảo luận trực tiếp tại hội nghị thượng đỉnh.

Trong diễn biến liên quan, Trung Quốc đã phản ứng trước cơ chế chung mới của G7 nhằm chống lại sự cưỡng ép kinh tế, cáo buộc họ thao túng và can thiệp vào công việc nội bộ của Bắc Kinh.

Cơ chế chung của G7 sẽ ngăn các nước sử dụng tầm ảnh hưởng về kinh tế để gây sức ép lên nước khác, được xem là nhằm đối phó Trung Quốc.

Trong thông báo hôm 19-5, chính phủ Anh cho biết các lãnh đạo G7 kỳ vọng đạt thỏa thuận tạo ra cơ chế mới có tên Nền tảng Hợp tác G7 về Áp bức Kinh tế. Cơ chế này sẽ đối phó với hành vi sử dụng các biện pháp kinh tế mang tính cưỡng ép để can thiệp các vấn đề của nước khác.

Phát ngôn viên của Đại sứ quán Trung Quốc ở Anh cho rằng G7 đã can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc về các vấn đề liên quan đến Đài Loan, Hồng Kông, Tân Cương và Tây Tạng, đồng thời cáo buộc gây căng thẳng ở Hoa Đông và biển Đông trong những năm gần đây.

Theo hãng tin Bloomberg, Trung Quốc kêu gọi Mỹ chấm dứt hành vi "bắt nạt", nhằm ép buộc các đồng minh phá vỡ sự ổn định của chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời kêu gọi G7 từ bỏ "tâm lý Chiến tranh Lạnh".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại