Khoảng 10 nghìn đại biểu tham dự
Theo Văn phòng Chính phủ, khoảng 2.000 đại biểu trực tiếp tham dự Hội nghị, gấp 4 lần năm 2016, trong đó khối DN tư nhân khoảng 1.500 đại biểu, cùng khoảng 200 đại biểu từ khối DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), một số sứ quán và các định chế tài chính lớn, 100 đại biểu từ các DN Nhà nước và DN đã cổ phần hóa, cùng đại diện các cơ quan nhà nước, các cơ quan báo chí…
Tại mỗi điểm cầu trực tuyến của 63 tỉnh, TP có số lượng từ 50 - 100 người. Dự kiến, tổng cộng khoảng gần 10.000 đại biểu dự Hội nghị.
Dự kiến tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ báo cáo sơ kết tình hình thực hiện Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) sẽ báo cáo tổng hợp đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp về việc thực hiện Nghị quyết này.
Các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp hiến kế, kiến nghị; các Bộ, ngành, địa phương trao đổi, thảo luận với doanh nghiệp để giải quyết các vướng mắc, kiến nghị.
Thủ tướng Chính phủ sẽ kết luận và ngay sau Hội nghị. Cùng ngày, Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ sẽ họp với các Bộ, ngành, cơ quan để xem xét, xử lý kiến nghị của DN.
Sau 1 năm số DN đăng ký thành lập đạt kỷ lục
Theo VCCI, sau 1 năm thực hiện Nghị quyết 35, số DN đăng ký thành lập mới đạt mức kỷ lục với 110,1 nghìn DN với tổng vốn đăng ký là 891,1 nghìn tỷ đồng, tăng 16,2% về số DN và tăng 48,1% về số vốn đăng ký so với năm 2015.
Số DN quay trở lại hoạt động tăng 24,1%.
Về đầu tư nước ngoài, tính đến 31/12/2016 cả nước có 2.613 dự án mới được cấp GCNĐKĐT với tổng vốn đăng ký là 15,81 tỷ USD, tăng 23,3% về số dự án và bằng 96,8% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015.
“Các con số nêu trên minh chứng cho niềm tin của DN trong và ngoài nước vào môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đang được cải thiện rõ rệt”, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết.
Kết quả khảo sát nhanh của VCCI, cho thấy có 75% DN đánh giá tác động của 5 nhóm nhiệm vụ giải pháp được đưa ra trong nghị quyết là “tương đối tích cực”, “tích cực” và “rất tích cực”, chỉ có 25% DN cho biết chưa nhận thấy tác động của các nhóm giải pháp này.
Các DN, nhà đầu tư đã ban đầu được hưởng lợi từ việc ban hành và thực hiện Nghị quyết.
VCCI cũng thông tin, những rụt rè, cân nhắc khi đơn giản hoá, bãi bỏ thủ tục hành chính của chính các bộ ngành đã giảm bớt rất nhiều.
Một số bộ, ngành đã khởi động nhiều chương trình lớn, quan trọng với DN. Đa số các tỉnh, TP đã thực sự vào cuộc tích cực, hưởng ứng cùng Chính phủ.
Nhũng nhiễu, phiền hà vẫn diễn ra
VCCI cũng cho biết, công tác cải cách thủ tục hành chính vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của DN, nhà đầu tư; tình hình gây phiền hà, những nhiễu còn diễn ra, gây bức xúc cho doanh nghiệp.
“Tình trạng DN than phiền về việc các thủ tục hành chính chậm trễ, gây khó khăn, phiền hà cho DN vẫn còn nhiều. Nhiều địa phương vẫn chưa thực hiện đúng yêu cầu thanh tra, kiểm tra 1 lần/năm như Nghị quyết 35 đã đề ra. Việc doanh nghiệp một năm phải tiếp 6-7 đoàn thanh tra, kiểm toán, chưa kể các đợt kiểm tra không chính thức”, báo cáo VCCI nêu ra.
Việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin ở mức 3, mức 4 trong giải quyết thủ tục hành chính ở một số lĩnh vực liên quan đến DN còn chậm. Số lượng các thủ tục hành chính được cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4 còn rất ít.
Theo kết quả nghiên cứu của Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI-2016, 66% trong số 11.000 DN được hỏi xác nhận phải trả loại chi phí không chính thức. Nhìn chung, tình hình không có mấy cải thiện qua các năm.
Các Hiệp hội và cộng đồng DN cũng còn ít hoạt động thiết thực để triển khai Nghị quyết 35/NQ-CP, ít phản ánh khó khăn, vướng mắc đối với cơ quan nhà nước.
Nguyên nhân do việc trả lời, giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp chậm, hoặc không trả lời. Mặc khác, một số DN vẫn có thói quen xử lý các khó khăn, vướng mắc theo con đường phi chính thức, dựa vào quan hệ….
Cải thiện môi trường kinh doanh trong mắt các tổ chức quốc tế
Với sự nỗ lực, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP cùng hàng loạt các giải pháp đồng bộ khác, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam thời gian qua đã được cải thiện đáng kể, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới năm 2016, Việt Nam đứng thứ 82/190 quốc gia, tăng 9 bậc về chỉ số môi trường kinh doanh (từ vị trí 91/189 lên 82/190) với 5 chỉ số tăng hạng.
Theo khảo sát của Jetro, Việt Nam tiếp tục là địa điểm đầu tư quan trọng của DN Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam, trên 66% DN có xu hướng "mở rộng hoạt động kinh doanh" tại Việt Nam. Đây là tỉ lệ cao so với các quốc gia khác.
AmCham đánh giá Việt Nam nổi bật với việc cải thiện lớn về môi trường kinh doanh, có 36% DN Mỹ được khảo sát dự định mở rộng kinh doanh tại Việt Nam (so với 48% ở Indonesia, 21% ở Thái Lan, 19% của Malaysia).
Khảo sát của EuroCham Quý IV/2016 cũng cho thấy, các DN châu Âu đánh giá tốt về triển vọng kinh doanh tại Việt Nam….