Trong chuyến thăm hai ngày 7-8/5 tới Trung Quốc, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cùng hội đàm, tản bộ, dự yến tiệc trong bầu không khí vui vẻ, thân mật.
Tuy nhiên, theo The Nikkei (Nhật Bản), dù vui vẻ nhưng biểu hiện của hai nhà lãnh đạo vẫn cho thấy sự khác biệt rõ rệt. Trong khi ông Tập mỉm cười thường xuyên với những cử chỉ thoải mái cùng ánh mắt "trìu mến" dành cho đối phương thì ông Kim lại tỏ ra căng thẳng.
Biểu hiện khác biệt của 2 ông Kim-Tập
Theo quan sát, ông Kim đã hơi cúi nhẹ đầu khi bước vào hội trường, "lạnh lùng" khi bắt tay và luôn chăm chú lắng nghe phát biểu của ông Tập.
Ảnh KCNA
Một số ý kiến cho rằng, nguyên nhân phía sau biểu hiện của nhà lãnh đạo Triều Tiên là sự lo lắng trước áp lực về phi hạt nhân hóa của Mỹ ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều.
Mới đây, Bình Nhưỡng đã lên tiếng cảnh cáo Mỹ đang tiến hành "âm mưu nguy hiểm" nhằm phá hoại thượng đỉnh song phương khi triển khai thiết bị chiến lược ở Hàn Quốc và nêu vấn đề nhân quyền.
"Mỹ đang cố tình khiêu khích Triều Tiên vào đúng thời điểm tình hình trên bán đảo đang hướng tới hoà bình và hoà giải", người phát ngôn Bộ ngoại giao Triều Tiên nói hôm 6/5. "Hành động này không khác gì một âm mưu nguy hiểm nhằm phá hoại bầu không khí đối thoại đã rất khó khăn để đạt được và đưa tình hình trở lại con số 0".
Yomiuri Shimbun (Nhật Bản) nhận định, ông Kim Jong-un thực hiện 2 chuyến công du Trung Quốc trong thời gian ngắn mục đích là để nhận được sự ủng hộ của chính quyền Bắc Kinh trước thềm hội nghị, qua đó có thể hạn chế hành động của Nhà Trắng.
Ông Anthony Ruggiero, cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ đồng quan điểm nhận định, ông Kim Jong-un đang muốn tìm kiếm sự giúp đỡ của Bắc Kinh trong trường hợp hội nghị thượng đỉnh Triều-Mỹ thất bại.
Asahi Shimbun lại cho rằng, Bình Nhưỡng tìm kiếm sự hợp tác của Bắc Kinh để có thể né tránh các đòi hỏi cứng rắn của Washington.
Nikkei đánh giá, cuộc hội đàm này là phương thức cứng rắn giúp Trung Quốc - đóng vai trò là "lá chắn" của Triều Tiên chứng tỏ sự tồn tại và kiểm soát Mỹ trong cục diện bán đảo liên Triều.
Đặc biệt, ngay sau khi hội nghị Trung-Triều kết thúc, ông Tập đã điện đàm cùng Tổng thống Mỹ Donald Trump. Thông qua việc bày tỏ "hy vọng các bên có thể hợp tác, xây dựng niềm tin" trong tiến trình phi hạt nhân hóa, Trung Quốc đã chứng tỏ mình đứng vai trò trung gian trong quan hệ Triều-Mỹ.
"Trung Quốc sẵn sàng tiếp tục phát huy vai trò tích cực trong phi hạt nhân hóa và duy trì hòa bình, an ninh lâu dài trong khu vực", ông Tập nói trong cuộc điện đàm.
Tờ JoongAng Ilbo (Hàn Quốc) nhận định, bối cảnh hội nghị Tập-Kim lần này có nhiều điểm tương đồng với hội nghị Kim-Moon mới diễn ra vào ngày 27/4. Hai lãnh đạo liên Triều đã có cuộc tản bộ riêng trong thời gian khoảng 44 phút và trong cuộc gặp lần này, hai ông Tập-Kim cũng đã có cuộc dạo bộ bên bờ biển với sự tháp tùng của hai phiên dịch viên.
Lựa chọn hình thức tổ chức hội nghị như Bàn Môn Điếm cho thấy Bắc Kinh muốn chứng tỏ sự thân thiết của quan hệ Trung-Triều và sự ngang hàng [gần gũi giữa nhân dân hai nước] với quan hệ Triều-Hàn hiện nay, báo Hàn viết.
Đại Liên là địa điểm tiềm năng
Trong bối cảnh hiện nay, bộ phận giới phân tích cho rằng, trước thềm hội nghị Triều-Mỹ, chuyên cơ của ông Kim không còn là vấn đề nữa mà vấn đề chính là địa điểm nào có thể loại bỏ mối lo ngại về an ninh cho ông Kim cũng như có đủ sức thuyết phục ông Trump và đảo Bổng Chùy, Đại Liên - là lựa chọn "không tồi" đáp ứng cả hai điều kiện này.
Ảnh KCNA
Về địa lý, Đại Liên tiếp giáp Triều Tiên, ông Kim cũng có sự tin tưởng nhất định đối với giới chức Trung Quốc và Bắc Kinh có đủ khả năng để đảm bảo an ninh hội nghị. Ngoài ra, đảo Bổng Chùy là khu nghỉ mát mùa hè của các lãnh đạo Trung Quốc nên có thể đảm bảo về an ninh và không gian riêng tư hội đàm của hai nhà lãnh đạo Triều-Mỹ.
Về phía Tổng thống Trump, lựa chọn này có thể sẽ không gặp trở ngại nào. Bởi sau cuộc gặp với ông Kim, hai ông Trump-Tập đã tiến hành ngay cuộc điện đàm. Quan hệ cá nhân giữa hai nhà lãnh đạo Trung-Mỹ được đánh giá là khá thân thiết, mặc dù hai nước còn tồn tại nhiều bất đồng.
Dù không loại trừ khả năng hai ông Trump-Kim sẽ gặp mặt ở những địa điểm khác nhưng trong bối cảnh hiện nay có thể thấy, Trung Quốc lại chính là địa điểm tiềm năng cho hội nghị Mỹ-Triều.
Đảo Bổng Chùy nằm ở phía Đông Nam, cách thành phố Đại Liên khoảng 5km. Các lãnh đạo cấp cao Trung Quốc như Chu Ân Lai, Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân v.v... đều đã từng đặt chân đến đây.
Và đến nay, hai ông Kim-Tập đều đã dùng bữa và lưu lại nhà khách Bổng Chùy đảo.
Ông Kim Jong-un thực hiện chuyến thăm Trung Quốc lần thứ 2 tại thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh