John McCain được người Mỹ coi là một người ái quốc, một anh hùng của đất nước và là một chính trị gia lão luyện. Khi tham chiến ở Việt Nam ông đã từng bị bắt giam trong 5 năm tại nhà tù Hỏa Lò. Khi làm chính trị ông đã hai lần tham gia tranh cử Tổng thống vào các năm 2000 và 2008 và cả hai lần ông đều là người thua cuộc.
Là một trong những người bị Tổng thống Donald Trump chỉ trích mặc dù đều cùng thuộc đảng Cộng hòa, ông McCain đã phản pháo theo cách của mình.
Là Thượng nghị sĩ ông đã bỏ phiếu phản đối hủy bỏ Đạo luật Obamacare và ông mới đây cũng phản đối việc Tổng thống Mỹ chọn bà Gina Haspel làm Giám đốc CIA vì những vấn đề về nhân quyền khi bà thực hiện nhiều nhiệm vụ tình báo trong quá khứ.
Ngay cả khi lâm trọng bệnh, ông cũng vẫn quyết tâm để lại dấu ấn riêng. Trong cuốn hồi ký The Restless Wave, ông McCain đã tiết lộ nguyên nhân ông giao các tài liệu liên quan đến Trump và Nga cho ông James Comey, khi đó là giám đốc FBI.
Ông viết: “Tôi đã làm những gì mà nghĩa vụ thôi thúc tôi làm. Tôi đã tự mình trút bỏ những gánh nặng đó và tôi sẽ luôn luôn làm vậy nếu có cơ hội. Người nào không thích điều đó thì nên biến đi”. Đó là những lời đanh thép của một người đàn ông có cha và ông là những đô đốc Hải quân.
Trong hồi ký, ông McCain cho rằng Nga và Tổng thống Vladimir Putin đang tiến hành “chiến tranh thông tin” nhằm vào “rường cột của bộ máy dân chủ của chúng ta, đó là những cuộc bầu cử tự do và công bằng”. Ông gọi ông Putin là một “nhân vật hiểm ác”, người mà ông thừa nhận luôn luôn ghét.
Ngay cả những thành viên trong đảng Cộng hòa cũng không thoát khỏi sự chi trích của ông. Ông McCain nhận thấy rằng “một số người trong đảng Cộng hòa đang điều tra cáo buộc Nga can thiệp bầu cử dường như chỉ quan tâm đến những thuyết âm mưu mà họ nghĩ ra thay vì hành động thực sự của một thế lực thù địch ngoại bang để lừa dối nước Mỹ”.
Về vấn đề Trung Đông, ông McCain vẫn cho thấy mình là một chiến binh, một người có tinh thần lãng mạn và là người ủng hộ thay đổi chính quyền. Tuy nhiên, chính điều này đã khiến ông phải thừa nhận rằng cuộc chiến tranh Iraq là một sai lầm lớn và ông “chấp nhận một phần trách nhiệm thuộc về mình”.
Ông McCain nói rằng nếu Mỹ biết Iraq không có vũ khí hủy diệt hàng loạt ông sẽ phản đối cuộc chiến này, song ông khẳng định việc lật đổ Tổng thống Saddam Hussein và thay thế bằng một “chính quyền dân chủ thô sơ” vẫn là một hành động có ý nghĩa.
Cần phải nhớ rằng trước đây Tổng thống George H.W. Bush đã từng phản đối việc lật đổ ông Saddam sau khi kết thúc Chiến dịch Bão cát Sa mạc năm 1991, và điều này đã giúp Mỹ giữ được vị thế trên thế giới.
Trong cuốn hồi ký, ông McCain vẫn bày tỏ quan điểm rằng Mỹ nên can thiệp vào tình hình Trung Đông, cho dù là ở Libya hay Syria, song điều này lại đi ngược với quan điểm của nhiều chuyên gia hiện nay.
Quân đội Mỹ mặc dù được trang bị nhiều vũ khí hiện đại, nhưng lại thiếu kỹ năng ngôn ngữ và văn hóa, vì vậy họ không phải là công cụ để xây dựng hòa bình ở các nước Ả Rập.
Ông McCain sau khi bỏ phiếu phản đối xóa Đạo luật Obamacare vào tháng 7/2017.
Dù vậy, không thể phủ nhận rằng ông McCain luôn đề cao chế độ dân chủ. Ngay từ khi tham gia tranh cử Tổng thống lần đầu vào năm 2000, ông đã bày tỏ sự ủng hộ đối với việc Mỹ “trang bị, huấn luyện và cung cấp vũ khí cho các lực lượng để thiết lập một nhà nước tự do và do người dân bầu nên”. Điều này phần nào đã khiến ông “mất điểm” trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng.
Với ông McCain, Mỹ không chỉ là một mảnh đất có người, mà là hiện thân của những lý tưởng cao đẹp. Trong thời đại mà Tổng thống Trump đang giữ chức, ông là một chính trị gia đảng Cộng hòa của thời Tổng thống Reagan.
Ông từng nói: “Chúng ta là những công dân của một nền cộng hòa được làm nên bởi những lý tưởng chung được rèn đúc trong một thế giới mới để thay thế sự mông muội của thế giới cũ”.
Ông thậm chí nói rằng việc nói được tiếng Anh không quan trọng để trở thành công dân Mỹ, một quan điểm mà có đến 70% số người Mỹ được hỏi không ủng hộ. Không có gì ngạc nhiên khi ông McCain tỏ ra không đồng tình với chính sách nhập cư của Mỹ hiện nay. Ông nhận thấy rằng đảng Cộng hòa đang không phát triển “đúng hướng”.
Ngôn ngữ của cuốn hồi ký của ông trở nên thú vị hơn khi mô tả Thượng viện và nước Mỹ. Ông hồi tưởng về những người đồng nghiệp đã khuất như nghị sĩ Ted Kennedy, Henry Jackson và Fred Thompson, và dành những lời có cánh để ca ngợi Tổng thống George H.W. Bush.
Nói về nước Mỹ, ông luôn có những lời nói đầy tôn kính. Ông McCain nhớ lại thời điểm ông dừng chân tại Selma và cầu Edmund Pettus, bang Alabama (Mỹ). Tại đây vào năm 1965, binh lính và cảnh sát bang đã đánh đập dã man những người biểu tình đòi quyền công dân.
Ông McCain không ngại bày tỏ sự ủng hộ của mình đối với họ, mặc dù ông là con cháu của những chủ đồn điền sở hữu nô lệ trong quá khứ. Với ông McCain, giá trị của nước Mỹ luôn nằm ở những điều tốt đẹp hứa hẹn mang lại cho công dân của mình.
Vì vậy, cuốn hồi ký này là thông điệp chia tay của ông, một sự pha trộn giữa những suy nghĩ cá nhân và lý tưởng chính trị. “Tôi yêu quý cuộc sống của mình, yêu mọi khía cạnh của nó”, ông viết. The Restless Wave là một lời từ biệt xứng đáng với một người hiếm khi chịu đầu hàng.