Hỏi khó: Ai cho xây cột cờ Hà Nội?

Lê Tiên Long |

Nằm trong quần thể di tích Hoàng Thành Thăng Long, Cột cờ Hà Nội là địa điểm nhiều người dân thủ đô tới thăm, chụp ảnh lưu niệm trong những ngày Tết.

Cùng với kỳ đài trước Đại Nội, Huế và Cột cờ thành Nam Định, Cột cờ Hà Nội là những công trình kiến trúc cao nhất thời phong kiến còn giữ được cho đến ngày nay.

Người cho xây cột cờ Hà Nội

Cột cờ Hà Nội là kiến trúc tiêu biểu của triều Nguyễn, được khởi công trong những năm đầu sau khi vua Gia Long lên ngôi.

Khi đó, các tỉnh miền Bắc được đặt chung trong một đơn vị hành chính là Bắc Thành, do tướng Nguyễn Văn Thành làm Tổng trấn.

Hỏi khó: Ai cho xây cột cờ Hà Nội? - Ảnh 1.

Hình minh họa

Cai trị Bắc Thành, ngoài việc dẹp trộm cướp, ông đã tổ chức xây dựng một số công trình kiến trúc tiêu biểu của Hà Nội, là Khuê Văn Các trong khu Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Cột cờ Hà Nội và Chợ Đồng Xuân.

Cột cờ bắt đầu dựng năm 1805, nhưng do trình độ và điều kiện thời gian đó, mãi đến năm 1812 mới hoàn thành.

Cột cờ Hà Nội có gì đặc biệt?

Cột cờ được dựng thẳng hàng trên đường "thần đạo" của Hoàng Thành Thăng Long, là đường nối từ cửa Chính Bắc, đi chính giữa Điện Kính Thiên, qua cổng chính của Đoan Môn.

Toàn phần xây từ đế đến trụ này cao 33,4 m gồm 3 tầng: Phần đế cao 12m, cột cao 18,2m, lầu quan sát trên đỉnh cột cao 3,3m. Nếu kể cả trụ treo cờ thì Cột cờ cao trên 40m.

Hỏi khó: Ai cho xây cột cờ Hà Nội? - Ảnh 2.

Hình minh họa

Phần đế Cột cờ cũng gồm 3 tầng, có tiết diện đứng hình thang, mặt bằng hình vuông, nhỏ dần, chồng lên nhau, xung quanh xây ốp gạch. Tầng 1 rộng mỗi chiều 42,5m; cao 3,1m, tầng 2 rộng mỗi chiều 27m; cao 3,7m và tầng 3 mỗi chiều 12,8m; cao 5,1m.

Lòng cột cờ rỗng, có cầu thang xoắn dẫn lên trên đỉnh, với 54 bậc. Cầu thang được chiếu sáng và thông hơi bằng 39 ô cửa sổ hình hoa thị và 6 ô cửa sổ hình rẻ quạt. Những ô cửa này được đặt dọc các cạnh, mỗi cạnh có tới 5 hoặc 6 cửa sổ.

Đỉnh cột cờ được cấu tạo thành một cái lầu hình bát giác, có 8 cửa sổ tương ứng 8 cạnh. Cán cắm cờ làm bằng thép, cao 8 m.

Các chữ Hán trên Cột cờ viết gì?

Trên 3 mặt ở tầng đế cao nhất của cột cờ, có biển chữ nhật đắp nổi những chữ Hán mà hiện nay ít người đọc được. Ở hướng Đông, là chữ Nghênh Húc (tức là đón nắng ban mai), hướng Nam, là chữ Hướng Minh (hướng về ánh sáng), và hướng Tây là chữ Hồi Quang (ánh sáng phản hồi).

Sau khi chiếm được thành Hà Nội lần 2 (1882), từ năm 1894 đến năm 1897, thực dân Pháp đã lợi dụng chiều cao của cột cờ làm đài quan sát, đặt trạm thông tin liên lạc giữa ban chỉ huy với các đơn vị xung quanh bằng cờ và đèn tín hiệu.

Khi người Pháp phá thành Hà Nội cuối thế kỷ 19, họ định phá luôn cột cờ, may mắn là họ không tiến hành việc này, lý do vì họ muốn biến nó thành đài xem đua ngựa ở trường đua dưới chân cột cờ (sau được gọi là sân vận động Cột Cờ, sân nhà của CLB bóng đá Thể Công đến tận năm 2004).

Hỏi khó: Ai cho xây cột cờ Hà Nội? - Ảnh 3.

Hình minh họa

Hiện nay, sân vận động được chuyển thành quảng trường lớn trước cửa Đoan Môn trong khu di tích Hoàng Thành Thăng Long.

Sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, lần đầu tiên lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên trên đỉnh cột cờ. Hình ảnh cột cờ Hà Nội được in trang trọng trên đồng tiền của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong lần phát hành đầu tiên.

Hiện nay, Cột cờ Hà Nội nằm trong khuôn viên Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam. Trước cửa cột cờ, là nơi trưng bày các loại đại bác cổ đã sử dụng qua các thời kỳ ở Việt Nam, cùng các loại đạn pháo, từ bằng đá đến bằng sắt. Cột cờ là địa điểm "check-in" yêu thích của giới trẻ và du khách tham quan Bảo tàng.

Những người thế hệ 8x chắc chắn đều nhớ những câu thơ về Cột cờ của nhà thơ Đinh Xuân Tửu, được đưa vào sách giáo khoa Tiếng Việt, lớp 3:

Ai đã đến Hà Nội

Đi trên đường Điện Biên

Hẳn nhìn thấy vút lên

Cột cờ cao vòi vọi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại