Hồi kết của xung đột Syria: Nga hoạt động ngoại giao dồn dập và hy vọng của Geneva-8

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Có thể nói tình hình trên chiến trường đã an bài và không thể đảo ngược. Việc đưa các bên trở lại bàn thương lượng có thể sẽ giúp chấm dứt cuộc chiến tranh đẫm máu tại Syria.

Kể từ khi can thiệp quân sự vào Syria tháng 9/2015, chưa bao giờ Nga lại có các hoạt động ngoại giao dồn dập nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng Syria như hiện nay.

Ngày 22/11/2017, theo sáng kiến của Nga, lần đầu tiên một Hội nghị thượng đỉnh ba nước với sự tham gia của Tổng thống Nga Vladimir Putin, Iran Hassan Rouhani và Thổ Nhĩ Kỳ Racep Tayeb Erdogan đã được tổ chức tại thành phố Sochi của Nga.

Trước đó ít hôm, một loạt các hoạt động đã được tiến hành nhằm chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh quan trọng này. Ngoại trưởng ba nước Sergei Lavrov, Javad Zarif và Mevlut Cavusoglu đã họp với nhau tại thành phố Antalya của Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng tham mưu trưởng quân đội ba nước cũng họp với nhau tại Sochi.

Hồi kết của xung đột Syria: Nga hoạt động ngoại giao dồn dập và hy vọng của Geneva-8 - Ảnh 1.

Ngoại trưởng Javad Zarif, Sergei Lavrov và Mevlut Cavusoglu (trái sang). Ảnh: Reuters

Tổng thống Erdogan và Tổng thống Vladimir Putin đã điện đàm riêng rẽ với Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Hội nghị phe đối lập Syria họp tại thủ đô Riyadh của Ả rập Xê-út bàn thành lập một phái đoàn đàm phán chung để đi tới Geneva. Đặc phái viên của Liên hợp quốc về Syria Staffan de Mistura đã đến Moscow gặp Ngoại trưởng Lavrov và đến Riyadh gặp Ngoại trưởng Al-Jubair.

Đặc biệt, trước Hội nghị hai ngày, Tổng thống Bashar Al-Assad đã bất ngờ đến Sochi gặp Tổng thống Putin. Đây là cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa hai ông kể từ năm 2015.

Tại sao Nga lại hoạt động ngoại giao dồn dập và tăng tốc như vậy?

Cuộc chiến tại Syria bước sang năm thứ bảy không những đã tàn phá đất nước và gây thảm họa ghê gớm cho người dân Syria mà còn làm đảo lộn tình hình, đe dọa nghiêm trọng hoà bình, an ninh, ổn định ở khu vực Trung Đông cũng như trên thế giới.

Hơn hai năm qua, với sự giúp đỡ quân sự có hiệu quả của Nga và Iran, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS đã bị đánh bại, quân đội Syria giải phóng hang ổ cuối cùng của chúng tại thành phố Bukamal, làm chủ hoàn toàn đất nước.

Có thể nói tình hình trên chiến trường đã an bài và không thể đảo ngược. Việc đưa các bên trở lại bàn thương lượng có thể sẽ giúp chấm dứt cuộc chiến tranh đẫm máu tại Syria.

Cũng có thể nói, về cơ bản Nga đã hoàn thành sứ mệnh quân sự của mình tại Syria, giúp Syria giải phóng được toàn bộ lãnh thổ khỏi bàn tay IS.

Trong tình hình kinh tế trong nước gặp không ít khó khăn, lại phải đối phó với nhiều sức ép cấm vận của Mỹ và phương Tây, việc duy trì một lực lượng quân sự lớn tại Syria thực sự là một gánh nặng đối với Nga. Nga không muốn kéo dài sự có mặt về quân sự ở đây nữa và mong muốn sớm có một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột để có thể sớm rút quân về nước.

Tình hình này cho thấy đã đến lúc phải giải quyết vấn đề Syria và đây là thời điểm thuận lợi nhất từ trước tới nay để bước vào đàm phán thực sự nhằm đạt được thỏa thuận về tương lai của Syria.

Thượng đỉnh Sochi mở ra giai đoạn mới

Cuộc họp thượng đỉnh Sochi chỉ tạo không khí thuận lợi thúc đẩy các phe phái Syria nối lại các cuộc đàm phán hoà bình Geneva.

Tuyên bố của Hội nghị là những nguyên tắc chung của một giải pháp chính trị cho vấn đề Syria. Phiên đàm phán thứ tám gọi tắt là Geneva-8 dự kiến sẽ được nối lại ngày 28/11/2017 tại Geneva dưới sự chủ trì của Liên hợp quốc sẽ thảo luận các vấn đề của cuộc khủng hoảng trên cơ sở tuyên bố này.

Kết quả Hội nghị thượng đỉnh Sochi mới chỉ là sự mở đầu cho một giai đoạn mới. Các cuộc đàm phán sắp tới tại Geneva sẽ không dễ dàng chút nào. Một trong những lý do chính mà bảy phiên đàm phán trước đây từ tháng 6/2012 đến nay thất bại là do các bên bất đồng về tương lại chính trị của Tổng thống Bashar Al-Assad.

Hồi kết của xung đột Syria: Nga hoạt động ngoại giao dồn dập và hy vọng của Geneva-8 - Ảnh 2.

Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Ảnh: Reuters

Hiện nay, Tổng thống Assad đang ở vào một vị thế mạnh hơn nhiều so với trước đây do đã kiểm soát được toàn bộ đất nước. Hơn nữa Nga, Iran dứt khoát không chấp nhận điều kiện tiên quyết cho việc ra đi của ông Al-Assad và cho rằng số phận của ông phải do người dân Syria quyết định thông qua bầu cử tự do. Đây có lẽ là vấn đề nan giải nhất cho các cuộc đàm phán sắp tới.

Mặt khác, Tổng thống Putin và Tổng thống Trump đã đạt được thỏa thuận về một loạt các vấn đề, đặc biệt là tuyên bố chung bên lề Hội nghị các nhà lãnh đạo APEC tại Đà Nẵng ngày 11/11 vừa qua, nhưng những quan điểm tích cực này lại vấp phải sự phản đối mạnh mẽ bên trong nội bộ nước Mỹ với lý do cho rằng ông Trump đã bị ảnh hưởng của Nga.

Còn Thổ Nhĩ Kỳ thì tìm mọi cách để ngăn cản khả năng thành lập một quốc gia độc lập của người Kurd ở miền Bắc Syria giáp với biên giới phía Nam của họ. Một quốc gia như vậy của người Kurd sẽ đe dọa lợi ích quốc gia của Thổ Nhĩ Kỳ.

Vì lẽ đó, mặc dù các lực lượng dân chủ người Kurd SDF là lực lượng nòng cốt trong chiến dịch giải phóng Raqqa, nhưng việc tham gia của họ vào các cuộc đàm phán sắp tới sẽ là vấn đề tranh cãi không kém phần phức tạp.

Cuối cùng, một trong những thách thức lớn nhất đối với tiến trình chính trị Syria là tình trạng không thống nhất trong nội bộ phe đối lập.

Hiện nay ở Syria có hàng chục tổ chức đối lập, mỗi tổ chức có mục tiêu và lợi ích riêng được một số nước ngoài ủng hộ nên rất khó nhất trí được quan điểm trong đàm phán với chính phủ Syria. Chính do những mâu thuẫn này mà Hội nghị đối thoại dân tộc Syria dự kiến được tổ chức vào ngày 18/11/2017 phải hoãn đến tháng 2 năm tới.

Trong tình hình như vậy, rất khó có thể đạt được một giải pháp đáp ứng được yêu cầu của tất cả các bên. Mới đây, một số lãnh đạo phe đối lập đã từ chức do mâu thuẫn nội bộ, trong đó có Chủ tịch Uỷ ban đàm phán tối cao HNC Riyadh Hijab, người phát ngôn chính thức của Riyadh Na'asan Agha, thành viên đoàn đàm phán Suhair Al-Attassi....

Hy vọng đặt vào vòng thương lượng Geneva-8

Hồi kết của xung đột Syria: Nga hoạt động ngoại giao dồn dập và hy vọng của Geneva-8 - Ảnh 3.

Thắng lợi trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS, kết quả tích cực của Hội nghị thượng đỉnh Sochi và thỏa thuận Putin-Trump tại Đà Nẵng về sự cần thiết giải quyết cuộc khủng hoảng Syria bằng thương lượng hoà bình, hội nghị phe đối lập lần thứ hai họp tại Riyadh đã nhất trí thành lập được một phái đoàn chung gồm 50 người.

Các bên nhất trí nối lại vòng đàm phán Geneva-8 vào ngày 28/11 tới trên cơ sở tuyên bố Sochi, việc Tổng thống Al-Assad tuyên bố sẵn sàng cải cách hiến pháp và tổng tuyển cử tự do....là những dấu hiệu tích cực trước khi bước vào đàm phán nhằm tìm ra một giải pháp công bằng cho vấn đề Syria.

Chúng ta chưa thể tin sẽ có đột phá trong Geneva-8 sắp tới. Một cuộc xung đột kéo dài bảy năm với sự can dự của nhiều nước khu vực cũng như quốc tế không dễ gì giải quyết một sớm một chiều, nhưng có cơ sở để hy vọng vòng đàm phán lần này sẽ đạt được một số tiến bộ.

Tuyên bố chung bảy điểm của Hội nghị thượng đỉnh Sochi:

1) Khẳng định tôn trọng thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Syria.

2) Đóng góp làm cho Hội nghị đối thoại dân tộc Syria sắp tới được tổ chức tại Sochi thành công.

3) Kêu gọi các bên xung đột tôn trọng nguyên tắc toàn vẹn lãnh thổ Syria và tham gia vào Hội nghị đối thoại dân tộc.

4) Giúp người dân Syria tổ chức bầu cử tự do, dân chủ dưới sự giám sát quốc tế, tiến tới dự thảo một bản Hiến pháp mới.

5) Khẳng định tiếp tục hợp tác nhằm vãn hồi hoà bình và ổn định ở Syria trên cơ sở nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an tháng 12/2015.

6) Khẳng định tính hiệu quả của các khu vực giảm căng thẳng đã được hình thành tại Syria theo thỏa thuận Astana.

7) Kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ giảm căng thẳng và bảo đảm ổn định tình hình tại Syria

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại