Một lần, ngồi nói chuyện với phóng viên, nghệ sĩ Minh Nhí kể: "Tôi có rất nhiều học trò đang làm những công việc khác và rất thành đạt như phó giám đốc ngân hàng, kỹ sư, thầy giáo, doanh nhân...
Ngoài đời, Minh Quang là doanh nhân thành đạt, tiền kiếm nhiều như nước nhưng lại ôm mộng làm ca sĩ, diễn viên giữa thời buổi showbiz vô cùng rối ren.
Tôi quý nhất Minh Quang ở điểm, dù bên ngoài có làm sếp lớn thế nào, dưới có hàng trăm nhân viên nhưng vô sân khấu rất lễ phép, cư xử chừng mực từ người lớn đến người nhỏ.
Tôi có những trò cưng vì khả năng diễn xuất tốt, bật lên thành ngôi sao như Việt Hương, Thúy Nga, Quốc Thuận... nhưng bên cạnh đó cũng có những trò ruột vì nhân cách sống, đạo đức và dẫu trầy da tróc vảy với nghệ thuật thì vẫn đam mê tận cùng. Minh Quang là một trong những học trò như thế".
Viết về showbiz đủ lâu để tôi hiểu rằng, trong làng giải trí nhốn nháo hiện nay, hiếm có nghệ sĩ trẻ nào được thế hệ đi trước khen về nhân cách và đạo đức. Tôi tò mò và quyết định gặp chàng diễn viên, ca sĩ chưa được nhiều người biết tên: Minh Quang.
Cuộc trò chuyện không quá dài nhưng với những gì anh chia sẻ đủ giúp tôi hiểu tại sao Minh Quang được nghệ sĩ Minh Nhí cưng đến vậy.
Hồ Minh Quang và danh hài Minh Nhí
Từ con số 0 trở thành ông chủ chuỗi cửa hàng di động sang trọng ở Sài Gòn
Hồ Minh Quang sinh ra và lớn lên tại Châu Đốc, tỉnh An Giang trong một gia đình có ba chị em, cha làm nghề thợ sắt, mẹ ở nhà nội trợ.
Kinh tế cả nhà phụ thuộc vào công việc này của cha nên ngay từ thời tiểu học, Minh Quang đã sớm biết phụ gia đình. Sáng đi học, chiều ở nhà làm cửa hoa cửa sắt.
Tới ngày thi, Minh Quang phải tập trung học bài nên không phụ được nhiều. Tưởng con trai lười biếng trong khi công việc quá bận bịu nên ông thường la mắng. Nỗi buồn tủi ấy, Minh Quang chỉ biết giấu vào lòng vì giải thích cha cũng không hiểu.
Học hết lớp 12, Minh Quang hăng hái nộp hồ sơ thi vào trường Long Xuyên, Cần Thơ với ước mơ sau này mở một tiệm bán thuốc tây ở quê.
Phần vì sợ học dược tốn kém, phần vì sợ con không đỗ, phần vì gia đình đang túng thiếu nên cha không cho Quang thi đại học, bắt ở nhà phụ gia đình.
Quyết định của cha là một cú sốc tinh thần rất lớn đối với cậu bé ham học như Minh Quang. Nhìn các bạn háo hức đi thi đại học rồi khăn gói quả mướp rời miền quê nghèo lên thành phố, không ít lần Quang khóc.
Hầu như ngày nào Minh Quang cũng đi từng nhà, gặp từng người bạn và họ hàng thân thích có uy tín với cha, than thở, năn nỉ nhờ họ tác động nhưng vẫn không thể thay đổi quyết định của ông.
Hồ Minh Quang
Anh kể: "Cha không cho đi học tiếp, mẹ ở giữa thương con nhưng cũng không biết làm sao vì cha là trụ cột kinh tế trong gia đình.
Quang buồn lắm, chỉ muốn đi ra khỏi nhà, học gì, làm gì cũng được vì thời gian đó đi vô đi ra cũng bị la. Ngồi ăn hay làm gì cũng bị la. Cảm giác giống như mình là người vô tích sự, cứ thấy mình là ba khó chịu.
Khi đó mọi người nói với ba cho Quang lên Sài Gòn học sửa chữa điện thoại di dộng. Nghề này trong tương lai sẽ có triển vọng. Thực lòng, đó không phải là nghề mà Quang mê, thậm chí còn không biết khái niệm gì về nó nhưng vẫn quyết định đi.
Bước chân ra khỏi nhà, Quang cũng không có bất cứ một định hướng gì trong đầu nhưng cứ đi đã. Hai mẹ con Quang bắt xe đò lên Sài Gòn, chở theo 3, 4 bao tải quần áo, gối ôm, xe đạp...
Tới bến xe miền Tây phải gọi hai chiếc xích lô để chở. Họ hỏi "sao đem gì mà nhiều dữ vậy"... Nhưng mình mang tâm lý nhà quê, không biết lên Sài Gòn sẽ như thế nào nên cứ mang đi vì sợ không có cái dùng.
Lên tới Sài Gòn mướn nhà trọ xong, Quang mua tấm bản đồ rồi lấy xe đạp chở mẹ đi tìm chỗ học nghề. Lúc đó mẹ mập lắm, Quang thì nhỏ xíu, vừa chở vừa ngừng coi bản đồ vì không biết đường. Đi từ sáng tới chiều mới tìm được chỗ dạy trên đường Ba Tháng Hai.
Nhưng người ta không nhận vì không biết lai lịch mình thế nào, sợ ăn trộm ăn cắp, không biết đâu mà tìm. Vậy là hai mẹ con trở về quê lần nữa, nhờ bạn bè có người quen thân ở Sài Gòn đứng ra bảo lãnh dùm. Cuối cùng cũng được học".
Vậy là tối đi học sửa chữa điện thoại, ban ngày Quang kiếm việc làm thêm: từ bưng bê phục vụ cà phê, bưng bê tráp đám hỏi đám cưới đến bán hoa lề đường... để có tiền phí sinh hoạt.
Hồ Minh Quang (ngồi giữa, hàng đầu) trong ngày ra mắt phim điện ảnh Xóm trọ 3D.
Ra nghề, cha cho vốn mở cửa hàng sửa chữa điện thoại đầu tiên. Nhưng đó chỉ là một tiệm rất nhỏ và sơ sài. Lúc mở, Quang chỉ sắm được duy nhất bộ đồ nghề, mua lại chiếc tủ cũ, bên trong treo tòng teng vài sợi dây đeo đèn chớp, mấy miếng dán điện thoại... vì không có tiền trưng nhiều.
Nhưng may mắn là anh có mẹ hỗ trợ. Bà luôn ở bên cạnh con trai, vừa là quân sư vừa là chỗ dựa tinh thần vững chắc.
Minh Quang bảo "Thành công ngày hôm nay của tôi có phần công lao rất lớn của mẹ. Hồi mở cửa hàng đầu tiên, người Quang nhỏ xíu, sự tin tưởng của khách hàng không có vì họ nghĩ mình con nít. Chính mẹ ngồi đó quán xuyến, chỉ dạy từng chút cho Quang thì khách hàng mới tin tưởng.
Và trời thương cho người ta đem máy tới sửa rất nhiều. Nhưng Quang mới học một năm nên biết ít. Cái gì sửa được thì Quang sửa luôn. Cái nào khó, không sửa được, Quang hẹn khách qua hôm sau rồi cầm đi chỗ khác sửa và lấy chênh lệch".
Từ những ngày đầu như thế, sau hơn chục năm, Hồ Minh Quang giờ là một doanh nhân thành đạt, sở hữu gần chục cửa hàng di động lớn và sang trọng ở Sài Gòn.
Nhưng dù đã là một doanh nhân thành đạt thì với cha, Minh Quang vẫn mãi là một đứa con nhỏ bé, ngày nào. Bằng chứng là mỗi lần lên thành phố thăm con, gặp chuyện bực bội, ông vẫn... mắng con trước mặt hàng trăm nhân viên. Còn anh, hiểu tính cha nên cười "dạ nghe".
Trong "Xóm trọ 3D" điện ảnh, Hồ Minh Quang cũng được NSND Hồng Vân tin tưởng giao một vai nhỏ làm đàn em của Việt Hương.
Cát-xê 200.000 tặng lại 1 triệu
Minh Quang bảo anh mê nghệ thuật từ nhỏ nhưng do hoàn cảnh ở quê nên không có điều kiện theo nghề. Khi có điều kiện, muốn học cũng không biết ở đâu dạy cho đến một ngày anh tình cờ gặp nghệ sĩ Minh Nhí ghé cửa hàng của mình mua ốp lưng Ipad. Mến mộ nghệ sĩ Minh Nhí từ nhỏ nay có duyên gặp, anh mừng quá, tặng chiếc ốp lưng cho "thần tượng"
Anh xin số điện thoại và mạnh dạn tâm sự với nghệ sĩ Minh Nhí về đam mê nghệ thuật của mình. Khi ấy nghệ sĩ Minh Nhí đang dạy tại sân khấu Hồng Vân. Anh gợi ý Minh Quang đi học.
Khi Quang quyết định theo nghệ thuật, gia đình không ai ủng hộ: từ cha mẹ đến vợ con. Điều đó dễ hiểu bởi... họ sợ showbiz có quá nhiều cám dỗ sẽ khiến anh hư! Cuối cùng, sự kiên trì và lòng đam mê nghệ thuật của anh đã khiến mọi người siêu lòng.
Học gần một năm, anh được giao vai đầu tiên vở "Bí ẩn cà phê 3D" trong loạt kịch ăn khách "Xóm trọ 3D" của sân khấu Hồng Vân.
Trong vở này, nhân vật của Minh Quang chỉ nói đúng một câu thoại nhưng anh vui đến mức 8 rưỡi mở màn thì 5, 6 giờ đã tới sân khấu ngồi chờ vì quá háo hức. Thậm chí, anh còn đầu tư may trang phục cho thật lạ và hài hước. Cứ hôm nào có suất diễn là tối đó anh không ngủ được.
Minh Quang tâm sự: "Hồi nhỏ Quang tích cực tham gia các hoạt động ca hát diễn kịch ở trường lớp, có duyên nên được mọi người thích. Trong nhóm đi đâu chơi phải có Quang mới vui vì mình là tâm điểm gây cười cho các bạn.
Nhưng do hoàn cảnh gia đình ở quê nên tới lúc kinh tế tạm ổn mới nghĩ tới chuyện đi học để thỏa đam mê. Mỗi người có một sở thích. Có người thích nhậu nhẹt, đá banh, chơi game còn tôi là được đứng trên sân khấu.
Công việc áp lực hay cơ cực thế nào không biết, cũng không quan trọng vai lớn hay vai nhỏ chỉ cần được đứng trên sân khấu là Quang mừng hơn được cho vàng, bao nhiêu buồn phiền đều tan biến hết, nhất là những khi khán giả cười vỗ tay".
Minh Quang đến dự buổi ra mắt MV mới của đàn anh Long Nhật.
Là trụ cột gia đình, năm hết Tết đến anh phải về quê nhưng kể từ khi bước chân vào nghệ thuật, vì quá mê diễn nên anh thuyết phục cha mẹ lên Sài Gòn với mình để được đi diễn dịp Tết.
Từ ngày đi diễn hay nhận bất cứ show nào liên quan tới nghệ thuật, bao thơ đựng catse, Minh Quang không đụng tới một đồng mà đem về phòng riêng, xếp chồng lên để... ngắm!
Nhưng điều đặc biệt nhất là mỗi suất diễn anh đều cho những người làm hậu đài mỗi người 100.000 đồng. Trong khi catse mỗi đêm diễn chỉ từ 150.000 đến 300.000 đồng thì tiền Minh Quang cho anh em hậu đài đã lên tới cả triệu.
Thậm chí, để bày tỏ thành ý, Quang còn đi đổi tiền mới để bao thơ và khi đưa thì bằng hai tay chứ không theo kiểu "ban phát" sợ người ta chạnh lòng.
Tôi hỏi tại sao anh làm việc đó và có ai biết chuyện này không? Minh Quang thiệt tình chia sẻ: "Mỗi lần cho anh em hậu đài Quang đều im lặng làm, không muốn nhiều người biết. Lý do Quang làm vậy là vì thấy họ cực khổ giống mình hồi xưa.
Hơn nữa, khán giả chỉ biết tới những diễn viên trên sân khấu còn những người làm công việc âm thầm đằng sau thì không ai biết mặt biết tên. Trong khi đó họ là những người làm nên vở kịch hàng đêm, trong đó có Quang".
Minh Quang bảo anh lớn tuổi, từng trải, hiểu chuyện nên khi đi học hay lúc đi diễn anh đều tôn trọng mọi người, dù có những bạn học, bạn diễn kém anh gần 20 tuổi.
Cũng vì quá yêu nghệ thuật nên anh yêu cả người diễn viên. Chính vì thế, anh luôn sống nhường nhịn hơn mọi người, chịu thiệt một chút về mình, không sân si, không hơn thua. Dẫu đàn em cư xử không phải anh cũng chỉ nhắc nhở chứ không giận hờn.
Ấy vậy mà cũng không ít lần người ta làm anh tủi thân, chạnh lòng. Bởi lẽ, trên thương trường Minh Quang có giỏi thế nào, thành đạt ra sao thì đối với nghệ thuật, Quang chỉ là "anh lính mới".
Lòng tốt đặt không đúng chỗ, đôi khi lại phản tác dụng. Sự trân trọng đặt không đúng người cũng giống như con dao hai lưỡi.
Hồ Minh Quang trong MV ca nhạc hài "Hai lúa lên đời"
Nhưng hỏi anh có hối hận vì theo nghệ thuật thì Minh Quang trả lời chắc như đinh đóng cột là không. Hiện tại anh vẫn tích cực tham gia các vở diễn ở sân khấu kịch Hồng Vân dù không nhiều. Bên cạnh đó, anh làm các MV ca nhạc hài. Đặc biệt MV "Hai lúa lên đời" của anh được khán giả rất yêu thích.
Minh Quang cũng mới hoàn thành vai thứ chính trong phim "Cha ma" cùng ca sĩ Đan Trường. Sắp tới, anh dự định sẽ tham gia tranh tài ở đấu trường gameshow "Tiếu lâm tứ trụ".