Velociraptor (tiếng Latin có nghĩa là kẻ cướp tốc độ) là một vũ khí mới có thể được cài đặt trên các xe tăng hoặc xe bọc thép, nhằm vào các tên lửa chống tăng của kẻ thù. "Hệ thống bảo vệ chủ động" này đang được phát triển bởi tập đoàn có trụ sở tại Nam Kinh (Trung Quốc) Herakles Defence Techonology.
Mới đây, nó đã xuất hiện trong triển lãm Hàng không Trung Quốc diễn ra ở Châu Hải vào đầu tháng này. Đáng lưu ý, cách gian trưng bày của Herakles Defence Techonology không xa, QN-506 – mẫu xe thiết giáp "made in China" được coi là đối thủ đáng gờm cho quái thú Teminator của Nga, cũng thu hút sự chú ý nhiều không kém.
Do công ty Wuhan Guide Infrared thiết kết, QN-506 là loại "phương tiện hỗ trợ chiến đấu" có trang bị súng máy, lựu đạn, súng thần công hạng nhẹ, hai loại tên lửa và thậm chí là máy bay không người lái để có thể phát hiện các mục tiêu cả trên không và dưới mặt đất…
Theo tờ South China Morning Post (SCMP), Velociraptor và QN-506 chỉ là hai hệ thống vũ khí mới mà các công ty tư nhân Trung Quốc sản xuất cho lực lượng vũ trang nước này. Đây là một phần trong chiến lược quốc gia của Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm gia tăng hợp tác giữa quân sự và dân sự Trung Quốc.
Sự "giao thoa" trên được kỳ vọng sẽ thúc đẩy đổi mới, giảm giá thành công nghệ và tăng tốc quá trình hiện đại hóa của lực lượng quân đội tại quốc gia đông dân nhất thế giới.
Hệ thống vũ khí hiện tại của Trung Quốc phần lớn dựa theo công nghệ và nền sản xuất từ thời Liên Xô. Với sự giúp đỡ của Liên Xô, Bắc Kinh ban đầu đã xây dựng được một hệ thống nhà nước, trong đó khu vực tư nhân không được phép tham gia vào nghiên cứu và phát triển vũ khí.
Tuy nhiên, ngày nay, khi nền kinh tế Trung Quốc đang ngày càng mở cửa và cải cách, sự xuất hiện của các công ty tư nhân cũng đồng thời gia tăng, ngay cả trong ngành công nghiệp quốc phòng.
Tàu sân bay đầu tiên đóng tại Trung Quốc là một sản phẩm điển hình của hợp tác giữa quân đội và dân sự, với hơn 400 công ty không thuộc quân đội tham gia quá trình sản xuất.
Kể từ năm 2014, sau khi tuyên bố Trung Quốc cần phải sở hữu một lực lượng vũ trang quyền lực, Chủ tịch Tập Cận Bình đã không ngừng thúc đẩy hợp tác giữa quân đội và dân sự.
Quân đội Trung Quốc đang tìm kiếm những nhà thầu tốt nhất trong khu vực tư nhân, và không còn tự dựa vào mình để phát triển các hệ thống vũ khí và khí tài.
SCMP dẫn lời một nguồn tin trong một công ty nhà nước, đồng thời là nhà thầu cho chương trình không gian của Trung Quốc, cho biết, giờ đây Mỹ - chứ không phải Liên Xô, là hình mẫu phát triển và mua bán mà Bắc Kinh đang hướng tới.
"Quân đội Trung Quốc đang tìm kiếm những nhà thầu tốt nhất trong khu vực tư nhân, và không còn tự dựa vào mình để phát triển các hệ thống vũ khí và khí tài", nguồn tin tiết lộ. "Cạnh tranh giữa các công ty dân sự cho các hợp đồng quốc phòng rất căng thẳng.
Thông thường quân đội sẽ lựa chọn một số công ty tư nhân để tham gia đấu thầu. Khi các công ty có được hợp đồng từ quân đội, đối với một số sản phẩm họ có thể tiến hành thuê ngoài nhằm hạ thấp chi phí".
Ông Timothy Heath, một chuyên gia cấp cao về nghiên cứu phòng thủ quốc tế tại tập đoàn Rand Corporation nhận định, mối quan hệ hợp tác quân đội – dân sự cho phép quân đội Trung Quốc tiếp cận với những thông tin và công nghệ kỹ thuật mới nhất; trong khi vẫn có thể quản lý hiệu quả chi phí phát triển và mua bán vũ khí.
Còn theo Adma Ni, một nhà nghiên cứu chính sách tại Trung tâm nghiên cứu quốc phòng và chiến lược quốc gia Australia, quân đội Trung Quốc đang ngày càng phụ thuộc vào các công nghệ tối tân trong lĩnh vực tư nhân.
Chủ tịch Tập Cận Bình muốn thúc đẩy hợp tác quân đội và dân sự trong công nghiệp vũ khí Trung Quốc
Những nghi ngờ từ bên ngoài
Mặc dù vậy, sự hợp tác quân đội – dân sự tại Trung Quốc cũng vấp phải cái nhìn nghi ngờ từ bên ngoài.
Hồi tháng Năm, Lầu Năm góc đã yêu cầu các nhà bán lẻ của Mỹ dừng bán điện thoại Huawei vì lý do an ninh. Nhà sáng lập Ren Zhengfei từng là một kỹ sư làm việc cho quân đội Trung Quốc; do vậy, Bộ Quốc phòng Mỹ sợ rằng các thiết bị truyền thông của Huawei có thể cho phép những xâm nhập trái phép từ chính phủ và quân đội Trung Quốc.
Các công ty công nghệ cao trong lĩnh vực thương mại của Trung Quốc cũng bị nghi ngờ, vì gần như chắc chắn họ có làm việc với quân đội.
Timothy Heath
Cũng trong tháng này, một báo cáo của Ủy ban xem xét an ninh và kinh tế Mỹ - Trung Quốc đã cảnh báo, chiến lược liên kết quân đội – dân sự mà Bắc Kinh đang theo đuổi, đặt ra những nguy cơ an ninh cho Washington.
Trong đó, quan hệ hợp tác thân cận giữa các công ty quân đội và tư nhân của Trung Quốc nhiều khả năng tạo điều kiện để Bắc Kinh sở hữu những công nghệ vốn được chia sẻ giữa các công ty Mỹ và đối tác Trung Quốc.
Ông Heath cho rằng, hợp tác quân đội – dân sự còn làm gia tăng lo ngại về việc Bắc Kinh "vượt trước" Mỹ trong cuộc chạy đua công nghệ quốc phòng cao.
"Nó cũng khiến các công ty công nghệ cao trong lĩnh vực thương mại của Trung Quốc bị nghi ngờ, vì gần như chắc chắn họ có làm việc với quân đội", ông Heath nói.
Ngoài ra, cộng đồng quốc tế còn bày tỏ những quan ngại về mối liên hệ giữa chiến lược trên với sáng kiến "Vành đai, Con đường – một chương trình "đinh" khác của Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm tăng cường thương mại và hạ tầng cơ sở tại châu Á, châu Phi, châu Âu và xa hơn nữa.
Hiện Trung Quốc đang xây dựng hai cảng biển ở Haifa và Ashdod (Israel). Theo một số nhà nghiên cứu, sự hợp tác quân đội – dân sự có thể giúp quân đội Trung Quốc giám sát các hoạt động của tàu bè Mỹ ra vào hai cảng này.