Học tập ông Trump, quan chức ngoại giao Trung Quốc dùng Twitter để quảng bá hình ảnh

Nguyễn Hải |

Trong khi Twitter đang bị chặn tại Trung Quốc, quan chức ngoại giao nước này lại được yêu cầu sử dụng nó để giao tiếp với thế giới.

Các nhà ngoại giao Trung Quốc đã tìm ra một công cụ phát ngôn mới cho mình, đó là Twitter.

Đáng chú ý hơn cả là trong khi công cụ mạng xã hội này bị chặn sử dụng tại Trung Quốc, nó lại đang được chính phủ nước này lựa chọn để bộ ngoại giao và một đội quân các nhà ngoại giao của họ giới thiệu hoặc bảo vệ cho chính sách Trung Quốc trước người dùng toàn cầu.

Ví dụ một nhà ngoại giao đăng tải một hình ảnh selfie nghệ thuật ở Nepal, một ảnh chụp đoàn xe vận tải Trung Quốc lúc mặt trời lặn giữa thiên nhiên hoang dã tại Nam Phi bên cạnh một câu thơ trích dẫn của phương Tây, trong khi đại sứ Trung Quốc tại Anh, Liu Xiaoming sử dụng Twitter để biện hộ cho người khổng lồ viễn thông Huawei khi công ty bị chỉ trích.

Học tập ông Trump, quan chức ngoại giao Trung Quốc dùng Twitter để quảng bá hình ảnh - Ảnh 1.

Twitter - Bị cấm ở trong nước, nhưng quan chức ngoại giao lại được dùng

Trong những tháng gần đây, đã có hơn một chục đại sứ và lãnh sự Trung Quốc trên khắp thế giới mở tài khoản Twitter, một phong cách khác xa so với truyền thống ngoại giao thông thường của Trung Quốc.

Giờ đây, đến bản thân chính phủ cũng tham gia xu hướng này khi vào tháng trước, bộ ngoại giao nước này đã viết dòng tweet đầu tiên của mình lên Twitter, chê bai các bài đăng chỉ trích với những biểu tượng châm biếm như "LOL", hay dùng các dấu cảm thán và hashtag để ca ngợi góc nhìn thế giới về Bắc Kinh.

"Một số người thà bỏ tiền mua lời nói dối còn hơn thông tin có cơ sở. Thật ngớ ngẩn và đáng báo động." Đó là dòng tweet mà Bộ Ngoại giao nước này đăng tải sau khi Wang Liqiang, người được cho là cựu điệp viên Trung Quốc, đào tẩu sang Úc vào cuối năm ngoái.

Học tập ông Trump, quan chức ngoại giao Trung Quốc dùng Twitter để quảng bá hình ảnh - Ảnh 2.

Tài khoản Twitter của ông Cui Tiankai, đại sứ Trung Quốc tại Mỹ.

Giọng văn không chính thức và đôi khi mang tính đối đầu trên khác xa so với những thông báo ngoại giao hay các tuyên bố chính thức của chính phủ trước đây – và cách tiếp cận này đôi khi cũng gây ra các sự cố công khai.

Vào năm ngoái, quan chức ngoại giao cao cấp Zhao Lijian đã có một cuộc cãi vã trực tuyến với bà Susan Rice, cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, người đã gọi ông Zhao là "kẻ phân biệt chủng tộc đáng khinh bỉ" sau khi ông đăng tải dòng tweet nói về tình trạng phân biệt chủng tộc tại Washington.

Việc Trung Quốc tăng cường sử dụng mạng xã hội này đến vào lúc nước này đang chịu sức ép ngày càng gia tăng trên trường quốc tế trước các hoạt động giám sát tại Tân Cương và các cuộc biểu tình ở Hong Kong, trong khi cuộc chiến thương mại với Mỹ vẫn đang diễn ra căng thẳng.

Twitter giúp các quan chức chính phủ và truyền thông Trung Quốc có một công cụ để lan truyền các thông điệp của mình ra với công chúng trên toàn cầu – một điều từ lâu họ vốn gặp nhiều khó khăn. Theo Yuan Zeng, giảng viên truyền thông tại Đại học Leeds ở Anh cho biết, có "nhu cầu ngày càng tăng về việc tìm được một công cụ hiệu quả để cất lên tiếng nói cho Trung Quốc."

Hiệu ứng từ ông Trump

Sự hiện diện trên Twitter của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng được xem như học tập cách làm của tổng thống Mỹ Donald Trump, người sử dụng nền tảng này để tấn công đối thủ và tích cực quảng bá cho chính sách mới của mình.

Học tập ông Trump, quan chức ngoại giao Trung Quốc dùng Twitter để quảng bá hình ảnh - Ảnh 3.

Theo Wenfang Tang, giáo sư Đại học Khoa học và Công nghệ của Hong Kong cho biết, Bắc Kinh thấy "ông Trump đang nổi tiếng thế nào trên mạng xã hội, và các dòng tweet của ông thường xuyên được truyền thông phương Tây trích dẫn lại. Vì vậy, điều này giống như một hiệu ứng từ ông Trump."

Trước đây các quan chức Trung Quốc thường ít xuất hiện trên các phương tiện mạng xã hội, chủ yếu đưa ra các phát ngôn trên phương tiện thông tin đại chúng của nhà nước.

Nhưng theo Ardi Bouwers, chuyên gia truyền thông tại hãng tư vấn China Circle, việc Trung Quốc gia tăng vị thế chính trị và kinh tế đã khuyến khích các nhà ngoại giao nước này có tiếng nói mạnh mẽ hơn trên cả môi trường online lẫn offline. Hơn nữa, hành vi đó cũng giúp họ chứng minh lòng trung thành với ông Tập Cận Bình.

Trong tuyên bố của mình, bộ Ngoại giao Trung Quốc nói với AFP rằng họ mở tài khoản trên Twitter "để giao tiếp tốt hơn với các quốc gia khác và giải thích rõ hơn về tình hình và chính sách của Trung Quốc."

Thế nhưng khi được hỏi liệu việc sử dụng này có công bằng không khi Twitter đang bị cấm sử dụng tại quốc gia này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Geng Shuang cho biết: "Chúng tôi có lượng người dùng internet đông nhất thế giới. Cùng lúc đó chúng tôi phải tìm cách đưa internet tuân thủ theo luật lệ và quy định." Ông Geng nhấn mạnh thêm, "internet Trung Quốc là mở", chứ không hề đóng.

Học tập ông Trump, quan chức ngoại giao Trung Quốc dùng Twitter để quảng bá hình ảnh - Ảnh 4.

Những phản ứng trái chiều

Đối với các nước ngoài, phản ứng đối với chiến dịch truyền thông mạng xã hội của Trung Quốc rất trái chiều nhau.

Trong khi đại sứ Trung Quốc tại Nepal, bà Hou Yanqi, đã xây dựng được một lượng lớn fan online với các bức ảnh chụp được bố trí cẩn thận và đầy phong cách về bản thân, thường với bối cảnh kiến trúc truyền thống Nepal. Các bức ảnh của bà nhận được hàng nghìn like và được phản hồi tích cực từ người dùng Twitter tại địa phương.

Nhưng những lời bình luận cho các dòng tweet của Bộ Ngoại giao lại đầy rẫy những lời lẽ khinh miệt và nhạo báng, thường đi kèm cả các tin tức về chính sách kiểm soát ngặt nghèo của Trung Quốc hoặc các hình vẽ chỉ trích Bắc Kinh.

Alessandra Cappelletti, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Xi’an Jiaotong – Liverpool, cho biết: "Tất cả những nỗ lực này đang bị một phần người dùng Twitter xem như trò tuyên truyền không hơn."

Tham khảo AbacusNews


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại