Không chỉ chửi sau lưng thầy cô giáo, không ít học sinh hiện nay còn sẵn sàng "ném cục tức", đập bàn đập ghế, thậm chí ném thẳng vào giáo viên những lời lẽ xúc phạm, khinh bỉ.
Giáo viên hiện nay vất vả, áp lực. Họ không dám làm gì học sinh vì chỉ cần một hành động nhỏ, một lời nói vô tình thôi nhưng học sinh sẽ nghĩ khác. Sau đó, học sinh sẽ kể với phụ huynh và phụ huynh sẽ hiểu theo cách khác nên giáo viên không dám làm gì mặc dù rất bức xúc, căng thẳng.
Một giáo viên tại TP.HCM
"Làm lấy lương mà không biết phục vụ!" - H., một học sinh THCS tại TP.HCM, đập bàn và hét to câu nói này nhắm vào cô bảo mẫu khi cô yêu cầu các học sinh trong lớp ghép bàn lại với nhau để nghỉ trưa.
Đây không phải là lần đầu H. tỏ thái độ như vậy với cô bảo mẫu và cô bảo mẫu cũng không phải là người duy nhất trong trường bị H. ném những câu xúc phạm như vậy.
Trước đó, nhiều lần H. sẵn sàng dùng những câu thách thức với giáo viên môn lý, ngay trong giờ học: "Này, nói đi, muốn gì?", "dạy thế, đ. ai mà hiểu được"...
Chửi thẳng giáo viên
T.L., một học sinh lớp 9 tại TP.HCM, liên tục không chép bài, không làm bài tập trong giờ học môn toán, bị thầy giáo nhắc nhở về việc sẽ báo lên hiệu trưởng, nữ sinh này sẵn sàng "bật lại": "Méc thì méc đi, đây đ. sợ, nói gì nói hoài!".
Còn A., khi bị cô giáo nhắc nhở vì liên tục gây mất trật tự trong lớp học, bị ghi vào sổ đầu bài, liền đứng phắt dậy đập mạnh vào bàn: "Ủa, tui làm gì đâu, sao ghi tui. Xóa cho tui".
Em N.M.C., một nữ sinh lớp 9 tại TP.HCM, kể với Tuổi Trẻ em thường xuyên phải nghe những lời chửi rủa thầy cô sau lưng của nhiều bạn cùng lớp, cùng trường với những lời lẽ tục tĩu.
"Em cũng chứng kiến một số bạn luôn hỗn với thầy cô ngay trên lớp nữa, em rất khó chịu" - N.M.C. nói.
Có hơn 20 năm dạy học và nhiều năm làm công tác chủ nhiệm, cô Đ.A., một giáo viên dạy môn ngữ văn bậc THCS tại TP.HCM, kể cô đã nhiều lần phải giải quyết những sự vụ xúc phạm, coi thường giáo viên của một số học sinh cũng như có một số sự việc đã xảy ra với chính cô.
"Có học sinh cầm phiếu báo điểm về đến bàn là ném ngay vào chân với thái độ thách thức tôi. Có học sinh bật ra ngoài đóng cửa sầm lại trước mặt tôi. Có những đồng nghiệp của tôi bị học sinh xúc phạm ngay trên lớp" - cô Đ.A. buồn rầu nói.
Dung túng cho học sinh
Cô N.T.N., giáo viên dạy môn toán ở một trường THCS, kể: "Tôi từng bị học sinh ném vào những câu xúc phạm nên đã có những hành động quyết liệt để uốn nắn học sinh. Những em này về nhà bảo với ba mẹ là "tôi dạy buồn ngủ, tôi dạy lờ đờ, tôi giảng nhanh, tôi đọc nhanh không viết kịp"...
Thế là một số phụ huynh lên gặp tôi và yêu cầu tôi phải "phục vụ" các học sinh này như: đọc chậm lại, giảng vui vẻ lên. Thậm chí, họ còn tính can thiệp vào chuyên môn của tôi như: cô đừng dạy bài này và bài kia...".
"Tôi cảm thấy nghề dạy học ngày càng bị rẻ rúng, bị coi thường. Nhưng tôi lo nhất của việc học sinh coi thường giáo viên là chính các em cũng không học được gì ở trường, các em rất khó để rèn luyện phẩm chất, đạo đức, tư cách" - cô N.T.N. nói.
Từ quá trình xử lý và những trải nghiệm của bản thân, cô giáo dạy ngữ văn Đ.A. cho rằng có ba nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng học sinh coi thường, xúc phạm giáo viên. Thứ nhất, đó là những ảnh hưởng từ gia đình.
Thứ hai, chính là bối cảnh xảy ra sự việc nóng đó có nguồn gốc từ sự cư xử có thể chưa thấu đáo của một số giáo viên khiến tính cách và cư xử thường ngày theo thói quen của các em bột phát ngay trước mặt giáo viên.
Nguyên nhân thứ ba chính là sự nuông chiều của xã hội. Xã hội cho học sinh rất nhiều quyền và tất cả tội lỗi đều đổ lên đầu giáo viên.
"Chính xã hội cũng đang dung túng cho học sinh. Bất cứ trường hợp nhỏ nào nổi lên thì người cuối cùng chịu đạn là thầy cô. Ba mẹ được xã hội cổ vũ và luôn thấy con mình là con vàng con bạc, không bao giờ tin tưởng thầy cô mà tin tưởng vào con thì thành ra những vấn đề như thế" - cô Đ.A. nhìn nhận.
Kỷ luật nữ sinh văng tục với thầy giáo
Chiều 18-10, thầy Hà Văn Thọ - hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) - cho hay ban giám hiệu nhà trường đã tiến hành cuộc họp hội đồng kỷ luật nữ sinh trong đoạn clip hỗn hào, văng tục với thầy giáo.
Theo thầy Thọ, qua bản tường trình của nữ sinh, buổi làm việc giữa hội đồng kỷ luật với giáo viên, phụ huynh và học sinh xác định hành vi của em này do mâu thuẫn với thầy giáo. Phía gia đình cũng nhận ra lỗi sai của con em mình.
"Hội đồng kỷ luật quyết định cho em nữ sinh này nghỉ học một tuần. Về phía thầy T., xét thấy thầy không có hành vi quá đáng hay xâm phạm thân thể nữ sinh này, bên cạnh đó căn cứ theo nghị định 112/2020/NĐ-CP về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức nhà trường muốn ra văn bản khiển trách thầy T. phải có văn bản của cấp có thẩm quyền nhắc nhở trước, vì vậy nhà trường quyết định ra văn bản nhắc nhở thầy T. có cách hành xử đúng mực hơn với học sinh nếu vi phạm sẽ tùy theo mức độ vi phạm tiến hành kỷ luật" - thầy Thọ nói.
Cũng theo thầy Thọ, việc tạm đình chỉ học một tuần không ảnh hưởng đến quá trình thi tốt nghiệp của học sinh, nhưng vẫn đủ tính răn đe, đủ để em suy nghĩ về hành vi của mình.
Việc ra quyết định kỷ luật đầu năm nếu cuối năm em nữ sinh này còn sai phạm thì ghi vào học bạ, nếu có chiều hướng cải thiện tích cực sẽ họp hội đồng xóa hành vi vi phạm. Đồng thời trong học kỳ 1 năm nay nữ sinh này phải xếp loại với mức hạnh kiểm yếu.