Ảnh minh hoạ
Việc bùng phát ổ dịch ở huyện Quốc Oai, đám ma ở Mê Linh khiến kế hoạch đi học trở lại của học sinh Thủ đô chưa biết khi nào sẽ được triển khai, nhất là trong bối cảnh trẻ chưa được tiêm vắc xin.
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, số trẻ mắc Covid-19 ở Hà Nội thời gian qua cũng đã ghi nhận nhưng không nhiều và hầu hết đều thuộc nhóm không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ.
Trong khi đó, hiện nay tiêm vắc xin có giảm được sự lây nhiễm nhưng không phải giúp phòng bệnh triệt để. Người tiêm rồi vẫn có thể bị nhiễm bệnh và lây lan cho người khác. Tiêm vắc xin quan trọng nhất là khi mắc thường có triệu chứng nhẹ và không phải nhập viện, không gây quá tải hệ thống y tế và không bị tử vong.
Vì thế, ông Trần Đắc Phu cho rằng, Hà Nội có thể cho học sinh đi học trở lại khi người lớn đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng Covid-19 hoặc khi học sinh đã được tiêm vắc xin là tốt nhất.
Tuy nhiên, ông Phu nhấn mạnh Hà Nội vẫn có thể cho học sinh đi học trở lại khi đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin cho người lớn. Lý do vì trẻ đã ở nhà quá lâu, nhất là các lớp đầu cấp, học trực tuyến thời gian dài không những khiến trẻ khiếm khuyết về kiến thức mà còn ảnh hưởng tinh thần, thể chất vì không được giao tiếp với thầy cô giáo, với bạn bè.
“Lúc này cho trẻ đi học là có rủi ro nhưng không thể cho trẻ ở nhà, học trực tuyến mãi được. Chúng ta không thể về “Zero Covid-19”, phải chấp nhận sống chung nhưng phải lưu ý là khi phát hiện F0 thì cần nhanh chóng khoanh vùng, dập dịch càng gọn càng tốt”, ông Phu nói.
Bên cạnh đó, ông Phu cũng cho rằng cần có quy định chặt chẽ về các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 với nhà trường, giáo viên, gia đình, học sinh. Ngoài vấn đề 5K thì cần lưu ý, bất kỳ gia đình nào có thành viên hoặc bản thân trẻ bị sốt, ho, khó thở thì trẻ đều phải nghỉ học, khai báo y tế, khai báo với nhà trường để phối hợp với y tế xử lý.
Đồng thời, hạn chế việc giao tiếp giữa các lớp với nhau, để nếu chẳng may phát hiện một trường hợp F0 thì chỉ giới hạn trong lớp đó, không lây ra lớp khác hay lây ra cả trường. Việc đo thân nhiệt cho trẻ cần thực hiện nhưng tránh ùn ứ ở cổng trường. Bên cạnh đó, cũng lưu ý vấn đề thông thoáng phòng học, tránh phòng kín.
Ông Phu nhấn mạnh: “Chúng ta cho trẻ đi học trở lại nhưng phải đưa ra các phương án an toàn, trong đó lưu ý 5K, thực hiện tốt 5K có thể cắt đứt chuỗi lây nhiễm.
Khi đã chấp nhận sống chung thì chúng ta phải xác định ca mắc mới là bình thường song phải phát hiện thật nhanh để khoanh vùng dập dịch càng nhanh càng tốt.
Tại nhà trường cũng vậy, nếu dịch chỉ xảy ra tại một lớp mà qua điều tra dịch tễ không có nguy cơ lây cho lớp khác thì chỉ cho lớp đó nghỉ học"
Theo thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến ngày 25/10, cả nước có 23 tỉnh, thành phố cho học sinh đi học trực tiếp; 15 tỉnh, thành phố kết hợp dạy học trực tiếp với trực tuyến và học qua truyền hình; 25 tỉnh, thành phố vẫn tiếp tục dạy học trực tuyến và qua truyền hình.
Trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương chỉ đạo rà soát các điều kiện để tổ chức cho học sinh tới lớp học trực tiếp.
Các địa phương căn cứ phân loại đánh giá, xác định cấp độ dịch theo từng địa bàn cấp phường - xã, cấp quận - huyện, cấp tỉnh - thành phố để quyết định tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên cho phù hợp với tình hình kiểm soát dịch bệnh tại từng địa bàn, theo nguyên tắc khu vực nào kiểm soát được dịch sẽ cho học sinh trở lại trường, không đợi toàn bộ tỉnh, thành phố hoàn toàn kiểm soát mới cho học sinh trở lại học tập.
Tuy nhiên, hiện nay, nhiều tỉnh, thành phố vẫn đang cân nhắc các yếu tố nguy cơ nên chưa quyết định chính xác thời gian cho học sinh đi học trực tiếp trở lại. Hà Nội nằm trong số 25 tỉnh, thành phố áp dụng dạy học trực tuyến.