- 1 -
Vài hôm trước, một người bạn của tôi than rằng: "Mấy đứa bạn cùng lớp đều đã làm quản lý rồi, còn tớ vẫn đang tìm việc."
Khi nghe thấy câu này, tôi giật mình nhận ra: bạn cùng lớp với tôi có người đã là nghệ sĩ, có người lương tháng đã vài chục triệu, còn tôi vẫn không ngừng đấu tranh với căn bệnh trì hoãn, hầu như mỗi buổi sáng đều phân vân mấy giờ thì thức dậy.
Cô bạn là nghệ sĩ của tôi chơi đàn từ khi còn nhỏ.
Thời còn học trung học, vừa ra về thì cô ấy đã đi tập đàn. Sau này, cô ấy thi đậu vào trường nghệ thuật. Lúc chúng tôi bắt đầu đi làm là lúc cô ấy trúng học bổng để tiếp tục học đàn.
Nhiều năm trôi qua, chúng tôi trơ mắt nhìn cô ấy mở các buổi biểu diễn trên TV. Khi gặp lại nhau cô ấy đã là một nghệ sĩ, có một anh chồng cũng tài năng xuất chúng như vậy gần đây đang cùng cô đi du lịch khắp nơi.
Năm đó chúng tôi đều cho rằng: "Học dương cầm có thể được bao nhiêu triển vọng chứ, nhiều sinh viên nghệ thuật ra trường đều làm giáo viên âm nhạc, đi dạy đàn đã được coi là có thu nhập cao nhất rồi."
Hóa ra, vẫn còn một ngả rẽ khác trong cuộc sống, đó là nghệ sĩ dương cầm.
Bạn xem, những chuyện mà bạn tưởng chừng như xa xôi viễn vong cũng đã được người khác thực hiện rồi.
Vào thời điểm vừa mới tốt nghiệp mọi người đều thích hơn thua nhau, người này vào doanh nghiệp nhà nước, người kia đến doanh nghiệp tư nhân, khi được công ty lớn nhận vào làm thì cảm thấy bản thân như được đi trên con đường tỏa sáng.
Bây giờ hồi tưởng lại, chúng tôi đều cảm thấy xấu hổ cho sự ngây thơ của chính mình. Năm đó tôi cho rằng công ty mà lớn thì giá trị của mình cũng được nâng lên, thật ra đó hoàn toàn là hai chuyện khác nhau.
Vừa vào làm không bao lâu, bận ngập đầu rồi mới hiểu ra, bản thân chỉ là một con đom đóm trong công ty tỏa sáng này, phải nỗ lực phát sáng hết mức, mới mong có người nhìn thấy.
Vào năm tốt nghiệp đó, mọi người đều quan tâm đến nghề nghiệp, nhưng hầu hết đều chỉ lên kế hoạch tìm việc làm.
Cũng có người dự định ba năm sau thì xin MBA ra nước ngoài học tập, nhưng ba năm sau, những ai chỉ đơn thuần chăm chỉ làm việc mà không than vãn càng ngày càng ít đi.
Rất nhiều người đã quên kế hoạch, mơ ước khi tốt nghiệp mà họ đã lên cho chính mình, ước mơ lớn nhất giờ đã trở thành: tan ca sớm và không làm thêm giờ là được.
- 2 -
Khi mới tốt nghiệp, một số người thích đi khắp nơi tham gia các hoạt động, quen biết được nhiều người thì cảm thấy bản thân mình giỏi giang.
Đến bất cứ đâu họ cũng giả vờ trò chuyện, luôn sợ bản thân mờ nhạt, luôn muốn trở thành một nhân vật có tầm ảnh hưởng tỏa sáng trên bục thuyết trình, nhưng họ luôn trốn tránh khó nhọc trên con đường trở thành nhân vật có tầm ảnh hưởng.
Có một đồng nghiệp nhỏ tuổi hơn chúng tôi, làm việc gì đều rất nỗ lực và nghiêm túc. Chúng tôi vừa tăng ca vừa gọi đồ ăn chuyện trò vui vẻ, cho rằng càng về muộn càng không ai thay thế được mình.
Chỉ có cậu ấy chưa từng tham gia với chúng tôi, còn tính toán mọi việc từng li từng tí và luôn về nhà rất muộn.
Tôi hỏi đùa cậu ấy: "Cậu đừng nghiêm túc thế. Có đáng hay không?"
"Đáng hay không, em không biết nữa!" Cậu ấy luôn trả lời chúng tôi như thế.
Khi mạng xã hội mới nổi lên, cậu ấy là người đầu tiên trong công ty biết làm ra các loại ứng dụng thú vị. Tất cả đều được cậu ấy tự tay làm.
Lúc đó chúng tôi đều nghĩ: "Có phải cậu ấy bị ngốc hay không, rõ ràng cứ nhận vốn nước ngoài để làm là được rồi, sao lại phải phí công như vậy, đây cũng không phải công việc chính".
Sau này, cậu ấy xin nghỉ việc tự mở công ty, chúng tôi lại cho rằng cậu thật hoang đường khi rời khỏi một đại thụ vững chắc như công ty này, bơi một mình sẽ khó tránh bị chết chìm giữa một biển thương trường rộng lớn.
Nhưng khi gặp lại, công ty khởi nghiệp của cậu ấy vận hành rất thuận lợi và được đầu tư hàng trăm triệu.
Cậu trai trẻ ấy vẫn cười ngây ngô nói: "Việc này em không biết, phiền anh giải thích giúp em, sao các anh làm được vậy?"
- 3 -
Một số người nói rằng họ không thích tham gia vào các cuộc họp lớp đầu năm, thật ra là họ sợ bản thân mình quá kém cỏi.
Đều là bạn cùng lớp với nhau, nhưng mười năm sau, có người lương tháng cao ngất, có người ngay cả không đi làm muộn thôi cũng không làm được.
Khoảng cách giữa người và người thật ra đã được kéo dài từ khi bạn đặt chân ra xã hội.
Có người sở hữu hoài bão và kiên trì đến cùng, có người ấp ủ lý tưởng nhưng luôn nghĩ rằng để mai hẵng làm. Thời gian thấm thoắt trôi, tầm nhìn và cuộc đời giữa người với người đã dần dần nảy sinh sự khác biệt.
Cái gọi là "tầm nhìn" rất kì diệu, bạn càng duy trì nó sẽ càng rộng mở.
Nhưng nếu như bạn không màng đến, nó sẽ ngày càng thu nhỏ lại, nhỏ đến không chứa nổi một hạt cát.
Như vài người khi nhắc đến bạn cùng bàn hiện giờ đang lên như diều gặp gió, trong lòng chỉ có một câu: "Hừ, hồi xưa học toán toàn dưới 5 điểm, tôi không tin cậu ấy làm giám đốc được!"
Một số người thích nhìn người khác bằng tầm nhìn bất động, thật ra người bất động chính là bạn. Những người khác đều đang càng thay đổi càng trở nên tốt hơn, còn sự không chịu thay đổi của bạn mới là thứ đáng sợ nhất.
Chúng ta chìm nổi giữa một xã hội rộng lớn, những khi vấp ngã luôn mong có ai đó đưa tay về phía mình. Mỗi ngày chúng ta đều đọc các bài viết tạo động lực, hy vọng tìm được liều thuốc thần để duy trì sự phấn chấn.
Nhưng thật ra, điều quan trọng thật sự không phải chỉ là biết được bí quyết thành công của người khác, mà là tạo ra những thay đổi cho bản thân.
Hãy loại bỏ căn bệnh trì hoãn và lười biếng, hãy khiến bản thân bạn khoan dung và tự tin hơn.
Một đồng nghiệp nói: "Mười năm trước, tôi có thể vẽ hình bằng tay không, miệng nhẩm công thức, giải vô số bài toán khó; mười năm sau, tôi mua đồ ăn phải dùng tay để tính, viết chữ phải tra điện thoại, kiếm tiền cũng không giỏi."
Bạn thấy đấy, mười năm trước, chúng ta đều kêu gào muốn thay đổi thế giới, hy vọng mười năm sau, chúng ta sẽ không bị thế giới thay đổi.