Putin "đánh mất" Trump
Tống Lỗ Trịnh - nghiên cứu viên Viện nghiên cứu Trung Quốc, Đại học Phúc Đán (Thượng Hải) cho rằng, sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, có hai việc đã khiến Bắc Kinh lo lắng nhất.
Thứ nhất, Mỹ-Nga liên thủ, Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia yếu thế nhất trong thế tương quan giữa ba nước lớn. Thứ hai, xuất hiện sự đối kháng toàn diện giữa Trung Quốc và Mỹ.
Theo Tống, đáng chú ý nhất chính là việc ông Trump bước vào Nhà Trắng chưa được một trăm ngày nhưng đã liên tục thay đổi phát biểu về chính sách "Một Trung Quốc" hay tuyên bố "Trung Quốc không còn là quốc gia thao túng tiền tệ" mới đây.
Hơn nữa, sau hội nghị thượng đỉnh Trung-Mỹ diễn ra tại tư dinh ở Florida, Tổng thống Mỹ đã hết lời ca ngợi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và khẳng định, hai bên đã xây dựng tình hữu nghị tốt đẹp.
Quan trọng hơn, đúng thời khắc cùng người đồng cấp Trung Quốc bắt tay vui vẻ tại Florida, Trump vẫn có thể dùng sự kiện Mỹ tấn công tên lửa vào Syria để xua tan lo lắng của Bắc Kinh: Mỹ-Nga liên thủ.
Theo Tống Lỗ Trịnh, đây là động thái đặc biệt bởi ngay cả cựu Tổng thống Barack Obama - người có quan hệ căng thẳng với Nga cũng không tiến hành sự việc tương tự.
Tống còn cho rằng, trước động thái trên, Moscow và Tổng thống Vladimir Putin đã rất thất vọng, thậm chí vô cùng tức giận với ông chủ Nhà Trắng - người mà Nga từng kỳ vọng.
Theo đó, dù Điện Kremlin không hủy chuyến thăm Nga của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, Tổng thống Putin cuối cùng vẫn quyết định gặp ông nhưng lại tuyên bố rằng, "quan hệ Nga-Mỹ xấu đi từ khi ông Trump nhậm chức".
Một số ý kiến nhận định, hội nghị thượng đỉnh Trung-Mỹ đã kéo gần quan hệ song phương. Ảnh: Reuters
Trung Quốc là nước được lợi nhất?
Xét về khía cạnh nước Nga, Tống cho rằng, kể từ khi Tổng thống Putin tái đắc cử, nước Nga đã xuất hiện những sai lầm ngoại giao do thiếu cách tiếp cận tinh tế và phương thức thỏa thuận linh hoạt.
Đồng thời, Tống cho rằng, nước Nga hiện nay, ngoài là mối đe dọa và thách thức thì không có giá trị đối với Washington.
"Mỹ không những không cần nguồn tài nguyên thiên nhiên và năng lượng vượt trội của Nga, trái lại hai nước còn là đối thủ cạnh tranh. Kim ngạch giao dịch Mỹ-Nga chỉ đạt vài chục tỷ USD trong khi kim ngạch thương mại Trung-Mỹ vượt 500 tỷ USD mà Trung-Nga đạt gần 70 tỷ USD", Tống Lỗ Trịnh còn chỉ trích rằng, Nga thiếu cứng rắn về vấn đề Triều Tiên.
"Quan hệ Mỹ-Nga tốt đẹp là do Moscow tự giảm bớt rắc rối chứ không phải Washington nhận được lợi ích từ Nga. Tuy nhiên, quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc lại hoàn tòan khác, từ vấn đề việc làm, đầu tư vào cơ sở hạ tầng và vấn đề hạt nhân Triều Tiên, Mỹ đều hưởng lợi rất nhiều", Tống bình luận.
Xét về khía cạnh nước Mỹ, Tống nhận định, khi có đủ lượng thông tin sau khi nhậm chức, Tổng thống Trump đã rất tự nhiên thay đổi quan điểm về Trung Quốc và Nga.
Ngoài ra, tại Mỹ từ đội ngũ tinh hoa đến tầng lớp dân chúng đều ủng hộ cựu ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton khiến Trump đối mặt với áp lực và cản trở từ mọi phía.
"Hai lần đưa ra lệnh cấm nhập cảnh bị phản đối, trợ thủ đắc lực - Cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn từ chức, kế hoạch bãi bỏ đạo luật Obamacare gặp khó khăn đã khiến Trump nhận thấy được sức mạnh của các thế lực truyền thống nên thỏa hiệp và hợp tác là lựa chọn duy nhất của ông", Tống Lỗ Trịnh bình luận.
Tống nhận định, sau khi quyết định cải thiện quan hệ với Trung Quốc và bắn tên lửa vào Syria, Trump đã nhận được đánh giá cao từ trong và ngoài nước. Đồng thời mượn động thái này để xóa bỏ cáo buộc bắt tay Nga trong thời gian tranh cử.
Do đó, theo học giả này, hiện nay Trung Quốc là nước thắng lợi nhất, Mỹ cũng thu được rất nhiều lợi ích, chỉ có Nga 'trắng tay'. Quan trọng hơn, do Mỹ-Nga đối đầu, Trung Quốc - nước cân bằng quan hệ tốt đẹp với cả hai bên trở thành 'đối tượng tranh giành' giữa hai nước.
"Tháng Năm này, Tổng thống Putin thăm Trung Quốc, khi đó, Moscow không thể không tặng món quà lớn cho Bắc Kinh lần nữa", Tống Lỗ Trịnh huênh hoang.