Học giả TQ: Philippines có thể mềm mỏng với Bắc Kinh lúc này...
Nhà quan sát chính trị người Trung Quốc Đinh Đông bình luận, các nước đang lấy kết quả vụ kiện biển Đông làm điểm xuất phát, lấy việc xây dựng trật tự mới khu vực châu Á - Thái Bình Dương làm trọng tâm để tiến hành một cuộc đấu trí về chiến lược và ngoại giao mới.
Trong đó, Trung Quốc kỳ vọng thông qua đàm phán song phương với Philippines để "đưa vấn đề biển Đông trở về quỹ đạo đúng đắn" trước vụ kiện với Manila - theo lời Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte gần đây nêu quan điểm giải quyết vấn đề tranh chấp trên biển Đông cần tiến hành đối thoại và đàm phán song phương với Trung Quốc.
Ông Duterte sẽ không vì vấn đề tranh chấp trên biển Đông mà tuyên chiến với Trung Quốc. Mới đây nhất, cựu tổng thống Philippines Fidel Valdez Ramos đã nhận lời chính phủ mới của nước này làm đặc phái viên tại Bắc Kinh, khởi động lại đối thoại giữa hai nước.
Mặt khác, phong cách "mạnh miệng" trứ danh của ông luôn thể hiện những luận điệu đối lập hoặc khác biệt trong thái độ với Trung Quốc.
Theo học giả Đinh Đông, những điều này thực ra đều không quan trọng, giống như trong bầu cử tổng thống Mỹ, các ứng cử viên đưa ra quan điểm của mình nhưng không thể xem là căn cứ sau khi làm tổng thống họ sẽ thi hành chính sách đó, đặc biệt là trong quan hệ với Bắc Kinh.
... nhưng Manila sẽ "quay về" với phương Tây
Rodrigo Duterte đang và sẽ tiếp tục nhận thức những vấn đề mà chính quyền cựu Tổng thống Aquino từng gặp phải.
Ông Đinh chỉ ra, nếu Trung Quốc không thay đổi chiến lược thì sẽ đi vào vết xe đổ trong quan hệ với Philippines thời Aquino. Bắc Kinh đã hai lần chứng kiến quan hệ song phương rơi vào tình trạng căng thẳng và đối đầu.
Đây chỉ là một mặt của vấn đề, cho dù Rodrigo Duterte muốn độc lập tự chủ quyết định chính sách ngoại giao, nhưng các điều ước đồng minh của Manila với các quốc gia có liên quan sẽ ngăn cản ông đưa ra sự lựa chọn.
Chuyến thăm Philippines sắp tới của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và tổng thống Barack Obama sẽ nhắc nhở nhà lãnh đạo Philippines về điều này, trong khi chính phủ Nhật Bản cũng đã "ra hiệu ngầm" với Manila.
Tổng thống Duterte đã nêu quan điểm không dựa vào Mỹ để giải quyết tranh chấp với Trung Quốc, đồng thời thúc đẩy đàm phán song phương với Bắc Kinh sau phán quyết PCA. (Ảnh: AP)
Theo Đinh Đông, trong thời gian cầm quyền tiếp theo, lợi ích quốc gia sẽ là sẽ vấn đề được cân nhắc kỹ lưỡng trong chính sách đối ngoại của Rodrigo Duterte, và cuối cùng ông sẽ ý thức được rằng, quan hệ đồng minh với Mỹ mới là nền tảng trong chính sách ngoại giao của Philippines.
"Duy trì hợp tác thân thiết với các quốc gia ngoài khu vực là phù hợp với lợi ích căn bản của Philippines. Đàm phán với Trung Quốc sẽ được tiến hành trong bối cảnh tình hình càng phức tạp và sự suy xét càng toàn diện," Đinh Đông viết trong bài phân tích đăng trên trang Phượng Hoàng.
Gần đây, truyền thông nhà nước Trung Quốc tự tin đánh giá rằng quan hệ thương mại, du lịch, đầu tư với Bắc Kinh sẽ tạo ảnh hưởng lớn để tổng thống Duterte không gia tăng căng thẳng.
Trên thực tế, những thứ mất đi từ Trung Quốc có thể sẽ được bù đắp đương tương từ những quốc gia ngoài khu vực.
Nhưng với Trung Quốc, thương mại với Philipines là một phần không thể thiếu đối với nền kinh tế có quy mô lớn nhưng đà tăng trưởng đang suy giảm này.
"Nếu như Trung Quốc không nhận thức được điều này mà vẫn một mực làm liều thì hệ quả chắc chắn sẽ hoàn toàn ngược lại," Đinh Đông bình luận.
Học giả người Trung Quốc tin rằng Bắc Kinh nên thay đổi chính sách và tôn trọng luật pháp quốc tế, thay vì bảo thủ với đường lối cứng nhắc như hiện nay. (Ảnh: Reuters)
Trung Quốc cần giải pháp mới tôn trọng luật pháp quốc tế
Trong tình hình các quốc gia bên ngoài tăng cường can thiệp vào khu vực và Philippines bảo vệ lợi ích quốc gia tối cao, chính sách ngoại giao cứng nhắc của Trung Quốc đang tỏ ra ngày càng không phù hợp.
Trước khi có kết quả vụ kiện biển Đông, Trung Quốc đã "gióng trống khuya chiêng" tuyên truyền lập trường "4 không" để phản đối phán quyết.
Nhìn từ một góc độ khác, Trung Quốc đang tự trói chân mình và làm cho tình thế căng thẳng leo thang, dưới tác động gay gắt của một số điều kiện bên ngoài sẽ không thể tránh khỏi nhiều cuộc đối đầu vũ lực, từ đó đưa người dân nước này vào một thảm họa.
Học giả họ Đinh kêu gọi Bắc Kinh có tư duy mới trong vấn đề biển Đông, giải quyết vấn đề tranh chấp trên biển Đông cần phương án khác với chủ trương của Trung Quốc hiện nay.
Ông cho rằng phương án mới cần xây dựng trên cơ sở "hợp tác cùng khai thác" ở biển Đông, nhưng Trung Quốc phải tôn trọng luật pháp và các quy tắc quốc tế vốn được các nước trong và ngoài khu vực nhấn mạnh.
"Bắc Kinh nên cân nhắc hệ quả từ việc thay đổi chính xách và đánh giá lại từ đầu về cục diện biển Đông," Đinh Đông kết luận.