Edward Goldberg là giảng viên môn Kinh tế Chính trị quốc tế tại Trung tâm Các vấn đề Toàn cầu của Đại học New York. Ông là một học giả nghiên cứu sâu về toàn cầu hóa, đồng thời là tác giả của cuốn sách "Quốc gia liên doanh: Tại sao Mỹ cần một chính sách đối ngoại mới" xuất bản tháng 10 năm 2016.
Ngày 7/12, Goldberg có bài phân tích trên trang The Hill, lý giải vì sao lợi ích của Mỹ gắn liền với Trung Quốc chứ không phải là Nga.
Dưới đây là nội dung lược dịch bài viết của Goldberg:
Trong quan hệ quốc tế, có một nguyên tắc "giáo khoa" mà ai cũng được dạy, đó là: Một cường quốc đang lên có thể đe dọa tới sự ổn định toàn cầu.
Ví dụ điển hình là nước Đức ở thời điểm trước Chiến tranh Thế giới thứ nhất. Lúc đó, Đức có nền kinh tế phát triển nhanh và thách thức vai trò của nước Anh trên trường quốc tế.
Theo nguyên tắc đó, nếu những phát ngôn chống Trung Quốc của Trump khi tranh cử trở thành sự thật thì sự đối đầu Mỹ - Trung là không thể tránh khỏi.
Tuy nhiên, toàn cầu hóa đã thay đổi mọi thứ. Vai trò của Trung Quốc ngày nay đã khác hẳn với vị trí của Đức trước Chiến tranh Thế giới thứ nhất.
Trung Quốc không dại gì gây xáo trộn trật tự thế giới
Toàn cầu hóa đã đóng vai trò rất lớn trong việc giúp Trung Quốc trở thành một cường quốc. Có thể nói, nền kinh tế khổng lồ Trung Quốc là con đẻ của mối giao thương, sự liên hệ mật thiết với kinh tế với Mỹ cũng như phần còn lại của thế giới.
Thế giới đã đầu tư vào Trung Quốc quá nhiều, nền kinh tế Trung Quốc hiện gắn rất chặt với kinh tế toàn cầu, tới mức Trung Quốc sẽ không dại gì mạo hiểm gây xáo trộn thế giới.
Nhiệm vụ chính của chính phủ Trung Quốc là phát triển kinh tế, tạo ra sự thịnh vượng. Và Trung Quốc cần sự ổn định toàn cầu để duy trì sự thịnh vượng của mình.
Đối với Mỹ, bất kỳ sự tách rời nào khỏi mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc cũng sẽ gây ra những ảnh hưởng mang tính "thảm họa" cho nền kinh tế.
Việc tổng thống đắc cử Mỹ Trump có dấu hiệu xích lại gần Đài Loan mới đây là đầy rủi ro, vì nó có thể làm thay đổi quan điểm của chính phủ Trung Quốc về toàn cầu hóa.
Văn hóa và những ký ức lịch sử là một lực lượng mạnh mẽ ảnh hưởng tới con người và thậm chí nó có thể mạnh hơn cả các lợi ích kinh tế.
44 năm trước, cựu tổng thống Richard Nixon và cựu ngoại trưởng Henry Kissinger đã xử lý êm thấm mối quan hệ với Trung Quốc và Đài Loan.
Bây giờ, nếu lãnh đạo Trung Quốc nhận thấy Trump đang đe dọa các nguyên tắc của họ thì nhiều khả năng tình hình Mỹ - Trung cũng nghiêm trọng giống như Anh – Đức ở thời điểm trước Chiến tranh Thế giới thứ Nhất.
Trong lúc đó, Nga sẽ là nhân tố làm tồi tệ hơn cho kịch bản căng thẳng Mỹ - Trung.
Nga chỉ tương đương Thái Lan trong mối quan hệ kinh tế với Mỹ
Với tổng sản phẩm quốc nội GDP chỉ ngang với Tây Ban Nha, Nga được đánh giá là một cường quốc đang "thoái trào", bị đe dọa bởi trật tự thế giới hiện nay và cũng lại là một mối đe dọa với trật tự đó.
Nga không có gì để mất trong cuộc chơi này. Trong toàn cầu hóa, Nga chưa có gì ngoài một thị trường năng lượng đang ngày càng thu nhỏ.
Trong số những nền kinh tế lớn của thế giới, Mỹ là nền kinh tế có sự giao thương ít nhất với Nga. Hầu như chưa tồn tại cái gọi là "quan hệ thương mại" Nga - Mỹ.
Năm 2015, kim ngạch xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc là khoảng 116 tỷ USD, còn kim ngạch nhập khẩu là khoảng 482 tỷ USD.
Dù Mỹ thâm hụt thương mại lớn với Trung Quốc, nhưng đó chỉ là một phần nhỏ của bức tranh. Việc làm của rất nhiều người Mỹ đang phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Trung Quốc đang là thị trường hay công xưởng lớn nhất của nhiều công ty Mỹ, ví dụ như Apple hay General Motors. Nước này cũng nhập khẩu từ Mỹ rất nhiều mặt hàng, từ sợi bông trồng ở Texas cho tới xe Mercedes sản xuất ở bang Indiana.
Trong khi đó, năm 2015, Mỹ chỉ xuất khẩu hơn 7 tỷ USD hàng hóa sang Nga và nhập khẩu khoảng 16,6 tỷ USD. Nga chỉ tương đương với Thái Lan trong danh sách đối tác kinh tế của Mỹ.
Có thể thấy, nhu cầu tìm kiếm ảnh hưởng và các "quốc gia đệm" của Nga xung đột trực tiếp với toàn cầu hóa. Nếu một quốc gia có các quan hệ và lợi ích kinh tế với cả thế giới thì nó chẳng cần đi tìm sự ảnh hưởng hay biện pháp phòng thủ như thế làm gì.
Với một nền kinh tế không quá mạnh và các vấn đề chính trị nội bộ, Nga đang bị mắc kẹt giữa Mỹ và Trung Quốc.
Nếu trước đây Nixon và Kissinger dùng Trung Quốc để gây áp lực với Liên bang Xô Viết, thì nay Putin cũng áp dụng "chiêu" tương tự, nhưng lại là dùng Mỹ để đối phó với người khổng lồ kinh tế ở phía Đông là Trung Quốc.
Vấn đề nằm ở chỗ Mỹ có vẻ đang rất dễ rơi vào cái bẫy trò chơi chính trị của Nga.
Nước Mỹ sẽ không có lợi ích gì về kinh tế và chính trị khi tách mình khỏi các quan hệ với Trung Quốc, và bị thao túng bởi một nước Nga với nền kinh tế không mạnh và nền chính trị nhiều vấn đề.
Rõ ràng, đối với Mỹ, cuộc chơi này chẳng mang lại lợi ích gì, mà lại đầy rủi ro.