Hoạt động di cư bí ẩn của cá voi

Vũ Thị Huế |

Hàng năm, khi biển Bắc cực hoặc Nam cực rơi vào mùa đông, các đàn cá voi lại bắt đầu chuyến hành trình “vòng quanh thế giới”. Các nhà khoa học cho rằng, chúng làm vậy để tránh khí hậu quá lạnh và do môi trường khan hiếm thức ăn.

Tuy nhiên, lý do thật sự có thể là một nguyên nhân rất khác.

Bí ẩn

Cá voi là động vật biển có khoảng 90 phân loài, chia vào 2 bộ Mysticeti (cá voi tấm sừng, không có răng) và Odontoceti (cá voi có răng). Chúng có mặt khắp đại dương, nhưng chủ yếu kiếm ăn quanh hai vùng biển thuộc cực Nam và Bắc của Trái đất.

Kích thước của cá voi rất lớn. Tùy vào từng loại, chúng có thể dài từ 6 - 25m và nặng tới hàng trăm tấn. Tuổi thọ của cá voi cũng rất cao, có thể lên tới 90 năm. Hàng năm, khi Bắc cực hoặc Nam cực chìm trong mùa đông, các đàn cá voi lũ lượt rời đi. Đích đến của chúng là những vùng biển nhiệt đới ấm nóng.

Cho đến hiện tại, nghiên cứu khoa học vẫn chưa thể khẳng định nguyên nhân dẫn đến hoạt động di cư của cá voi. Họ giả định, chúng rời Bắc - Nam cực tránh rét, tiện thể sinh con và kiếm thức ăn. Nhưng thực tế, cá voi có lớp mỡ dày từ 30 cm trở lên siêu cách nhiệt, luôn giữ ấm cho cơ thể. Ngay cả nếu sinh con trong vùng biển cực Nam hoặc cực Bắc, cá voi con vẫn an toàn lớn lên. Ngoài ra, suốt chuyến di cư chúng chỉ lo bơi là chính, hiếm khi dừng lại săn mồi.

Loài cá yêu biển lạnh

Hoạt động di cư bí ẩn của cá voi - Ảnh 1.

Cá voi cần phóng đến các vùng biển ấm để… tắm rửa, dưỡng da.

Trong phân lớp sinh vật, cá voi thuộc lớp động vật có vú. Chúng đẻ và nuôi con bằng sữa. Tổ tiên của cá voi vốn là động vật bốn chân trên đất liền. Khoảng 50 triệu năm về trước, chúng mới tiến hóa thành động vật thích nghi với cuộc sống dưới nước.

Như các động vật có vú khác trên mặt đất, cá voi cũng thuộc loài máu nóng. Chúng có thân nhiệt ổn định và khả năng tự điều chỉnh, kiểm soát rất tốt nhiệt độ cơ thể khi môi trường xấu đi.

Món ăn ưa thích của nhà cá voi là các loài sinh vật biển. Nhờ kích thước khổng lồ, chúng thường nuốt chửng thay vì mất công nhai. Biển Nam cực và Bắc cực tuy lạnh nhưng sẵn thức ăn. Từ đám hải cẩu, hải tượng, chim cánh cụt trên bờ bắt buộc phải xuống nước mưu sinh, cho đến quần thể sinh vật dưới nước đều cực kỳ giàu có. Nguyên nhân loài cá to lớn này thích quanh quẩn Nam - Bắc cực, đơn giản là vì không lo bị đói.

Xét trên điều kiện môi trường sống, cá voi không cần thiết phải di cư khỏi biển cực Bắc - Nam. Theo quan sát, một số cá voi sát thủ đã sinh và nuôi con ngay tại biển Nam cực giữa mùa đông. 

heo dõi hành trình di cư của các loài cá voi, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện chúng bơi rất nhanh, thường xuyên phóng lên khỏi mặt nước rồi rơi xuống. Một số con cá voi còn bơi thẳng đến vùng biển ấm, rồi lập tức quay về. Cũng có một số con di cư nhiều hơn 1 lần/năm.

Bơi xa để… lột da

Hoạt động di cư bí ẩn của cá voi - Ảnh 2.

Bộ da siêu lớn của cá voi giống như “tàu Noah” với các loài ký sinh ở biển.

Quan sát kỹ hơn, các nhà khoa học nhận ra làn da của cá voi trước và sau chuyến di cư hoàn toàn đổi khác. Nếu trước khi di cư, nó có màu nâu, gồ ghề vì bị tảo, hàu, vi khuẩn… đua nhau bám thì khi trở lại, da con nào cũng bóng loáng. Họ lập tức chuyển hướng giả thuyết, tuyên bố cá voi có thể di cư chỉ để… lột da.

Đặc điểm chung của các loài động vật có vú trên cạn là được bảo vệ bởi một lớp lông thú dày, trừ con người. Chúng ta chỉ còn lớp lông ngắn, mỏng không giúp ích gì cho việc giữ ấm. Dẫu vậy, cả con người lẫn các loài động vật có vú khác đều liên tục thay lông, bong tróc biểu bì da. Cá voi là động vật có vú đã tiến hóa theo chiều hướng từ bỏ lớp lông. Song cũng như các họ hàng trên cạn, lớp da của chúng luôn có biểu bì chết.

Với cá voi, cuộc sống ở vùng biển lạnh tuy an nhàn nhưng vẫn phải trả giá. Da cá voi dày rất thuận lợi cho các loài tảo, vi khuẩn, sinh vật biển nhỏ bám vào. Càng ở lâu trong vùng biển lạnh, số lượng “kẻ ở nhờ” càng lớn. Nhiều trong số chúng gây hại cho sức khỏe của cá voi.

Để tự vệ, cá voi chuyển sang hạn chế lưu lượng máu đến lớp biểu bì. Mặc dù phương pháp này có thể tạm đối phó đám ký sinh phiền phức, nó gây chết lớp mô da bên ngoài nhanh hơn. Cá voi buộc phải phóng tới vùng biển ấm, nhờ ma sát với nước và nhiệt độ đánh bay lớp da chết. Chuyện chúng sinh đẻ ở các vùng biển ấm hóa ra chỉ là “nhất cử lưỡng tiện”. So với việc phải chịu đựng làn nước biển lạnh băng của Bắc - Nam cực, cá voi con phát triển tốt hơn trong những vùng nước ấm.

Di cư cũng giúp cá voi mở rộng phạm vi khai thác nguồn “tài nguyên con mồi”. Sau chuyến đi, chúng vừa trẻ hóa làn da lại vừa no bụng. Có lẽ vì thế, một số con cá voi mới tích cực di cư 2 - 3 lần/năm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại