Các cơ quan quản lý cảng biển và hành pháp của Gibraltar, được hộ tống bởi hải quân Anh, đã bắt giữ tàu siêu vận tải Grace 1 vào sáng hôm thứ Năm tuần này - Thủ hiến vùng lãnh thổ Gibraltar, ông Fabian Picardo , cho hay. Quyền Ngoại trưởng Tây Ban Nha Josep Borrell cho hay chính Mỹ đã đề nghị Anh chặn con tàu này.
"Chúng tôi có lý do để tin rằng tàu Grace 1 đang chở dầu thô tới nhà máy lọc dầu Baniyas của Syria" - ông Picardo nói - "Nhà máy lọc dầu đó là tài sản của một thể chế đang bị Liên minh châu Âu (EU) trừng phạt ở Syria".
EU đã áp đặt một loạt lệnh trừng phạt tài chính, thương mại và vận tải nhằm vào chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad vào năm 2011 nhằm phản ứng trước cáo buộc chính quyền nước này thực hiện "chiến dịch dã man" nhằm vào người dân trong nước.
Phản ứng trước sự việc trên Twitter, ông Abbas Mousavi - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran - cho hay Đại sứ Anh tại Tehran đã được triệu tập liên quan tới vụ bắt giữ "trái phép" tàu chở dầu nói trên. Ông Mousavi sau đó nói rằng vụ Anh bắt giữ tàu chở dầu của họ có thể làm tăng căng thẳng trên Vịnh Ba Tư - theo hãng Press TV của Iran. Hãng thông tấn nhà nước Iran IRNA xác nhận, còn tàu có khả năng siêu tải 300.000 tấn này đã bị hải quân Anh bắt giữ trong sáng thứ Năm.
Vụ việc xảy ra giữa lúc căng thẳng giữa Mỹ và Iran gia tăng đột biến. Hồi đầu tuần này, Iran tuyên bố sẽ ngừng tuân thủ nhiều phần của thỏa thuận hạt nhân ký kết năm 2015, thỏa thuận mà Mỹ đã rút khỏi từ năm ngoái.
Chính phủ Syria hiện chưa bình luận gì về sự việc.
Hải quân Hoàng gia Anh tiếp cận tàu Grace 1 vào sáng hôm thứ Năm (Ảnh: CNN)
Grace 1 hiện đang neo đậu ngoài khơi vùng biển của Gibraltar, một vùng lãnh thổ thuộc quyền quản lý của Anh nằm ở rìa phía Nam của Tây Ban Nha.
Bộ Quốc phòng Anh trong hôm 5/7 đã lên tiếng hoan nghênh vụ bắt giữ, gọi đây là "hành động kiên định của chính quyền Gibraltar trong việc thực thi các lệnh trừng phạt của EU nhằm vào Syria".
Cùng lúc, ông Picardo cũng gửi lời cảm ơn tới "những người đàn ông và phụ nữ dũng cảm của lực lượng Hải quân Hoàng gia Anh, Cảnh sát Hoàng gia Gibraltar, cơ quan hải quan Gibraltar và cơ quan quản lý cảng biển Gibraltar vì vụ bắt giữ tàu hàng và lượng hàng mà nó mang theo".
Cùng ngày, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton cũng đưa ra bình luận trên Twitter: "Mỹ và các đồng minh sẽ tiếp tục ngăn chặn chính quyền ở Tehran và Damascus thu được lợi nhuận từ hoạt động thương mại ngầm".
Vào khoảng giữa tháng Tư năm nay, tàu Grace 1 đã được nạp đầu dầu mỏ của Iran và tắt tín hiệu truy vết để tránh bị phát hiện, trước khi ra khỏi hướng về Mũi Hảo Vọng ở Nam Phi để đến eo biển Gibraltar.
"Bất kỳ tàu vận tải nào chở dầu của Iran cũng đều có hành động tương tự nhau: Chúng tắt hệ thống thông tin liên lạc hàng hải AIS, sau đó liên tục bật/tắt hệ thống này để tránh bị lần vết" - Michelle Wiese Bockmann, cây viết cho Tạp chí hàng hải Lloyds List, cho hay.
"Con tàu trên đã phần lớn hoạt động ở khu vực Vùng Vịnh ở Trung Đông, trên các vùng biển của Iran" - ông Bockmann cho hay - "Nó đã áp dụng nhiều biện pháp để che dấu điểm đến, vị trí và cả xuất xứ hàng hóa mà nó đang chở".
Tàu Grace 1 hiện đang neo đậu ở ngoài khơi cùng biển Gibraltar (Ảnh: CNN)
Samir Madani, đồng sáng lập Tanker Trackers - hãng chuyên theo dõi các tàu biển thông qua vệ tinh và dữ liệu hàng hải - cho hay, hành trình của tàu Grace 1 qua châu Phi kéo dài khoảng 2 tháng rưỡi, tức lâu hơn 1 tháng so với thông thường.
"Con tàu này di chuyển với tốc độ rất chậm, như thể nó không có gì phải vội" - ông Madani nói, thêm rằng Tanker Trackers tin rằng con tàu này chở dầu thành phẩm, chứ không phải dầu thô, từ nhà máy lọc dầu Abadan của Iran.
"Chúng tôi có thể thấy rõ là con tàu này đang chở một lượng hàng rất lớn.
Phần thân tàu chìm 22,5 m dưới mặt nước, có nghĩa rằng nó có thể đang chở tới 2 triệu thùng chất lỏng trọng lượng rất nặng, nặng hơn so với dầu thô" - ông Madani nhận định - "Không chỉ vậy, nhiệm vụ trước đó của con tàu này là tiếp dầu thành phẩm ở Umm Qasr (Iraq) và Khor Fakkan (UAE)".
Ông Madani cũng tin rằng nhà máy lọc dầu Baniyas của Syria không phải là điểm đến của tàu Grace 1 bởi các vùng biển xung quanh nhà máy trên đều là vùng nước nông, khiến tàu này không thể neo đậu.
"Thay vào đó, chúng tôi tin rằng dầu thành phẩm được chuyển giữa các tàu với nhau trong vùng biển thuộc chủ quyền của Syria" - ông Madani nói.
Theo một số website chuyên theo dõi hoạt động hàng hải, tàu Grace 1 được xuất cảng từ năm 1997 và treo cờ của Panama.