Hoàng tử Phi châu 40 năm sống đời nô lệ trên đất Mỹ

Thu Hằng |

Abdulrahman Ibrahim Ibn Sori vốn là một hoàng tử quyền lực và có học thức cao của Hoàng gia Tây Phi trước bị bắt làm nô lệ và trải qua 40 năm sóng gió trên đất Mỹ.

Sau cuộc hành trình trong xiềng xích qua Đại Tây Dương, Ibrahim Ibn Sori đã tuyệt vọng thuyết phục người đàn ông định mua mình, Thomas Foster, hiểu được một sai lầm khủng khiếp, rằng anh không đáng phải làm nô lệ, ở tuổi 26, anh là người thừa kế một trong những vương quốc có ảnh hưởng nhất ở châu Phi.

Nhưng thay vì đòi được tự do, cuộc phản kháng của Sory chỉ mang lại cho anh biệt danh đáng ghét “Prince” (hoàng tử), mà anh phải mang theo trong suốt 40 năm nô lệ tiếp theo.

Sori bị quân địch bắt cóc vào năm 1788 tại quê hương Fouta Djallon, nay là Guinea. Vị hoàng tử hùng mạnh bị bán cho những kẻ buôn nô lệ để đổi lấy một ít súng hỏa mai và rượu rum. Đó là vào thời kỳ đỉnh cao của buôn bán nô lệ trên toàn cầu, khi ước tính 80.000 người châu Phi đã bị bắt, xiềng xích và vận chuyển qua Đại Tây Dương mỗi năm.

Sori chỉ là một trong 12,5 triệu người châu Phi bị bán đến Tân thế giới trong khoảng thời gian từ năm 1525 - 1866. Nhưng anh là một ngoại lệ: Sori là một quý tộc có học thức cao, và cuộc tìm kiếm tự do đầy kịch tính cuối cùng đã khiến anh trở thành một người nổi tiếng tại Mỹ.

Hoàng tử Phi châu 40 năm sống đời nô lệ trên đất Mỹ - Ảnh 1.

Tranh vẽ cảnh mua bán nô lệ tại Mỹ thế kỷ 18.

Phớt lờ những phản kháng của Sori, Foster đưa anh đến trang trại của mình ở Natchez, bang Mississippi, khi đó vẫn còn là lãnh thổ của Tây Ban Nha. Đó là một nơi khác xa so với Timbo, trung tâm giao dịch nơi cha của Sori, Quốc vương Fouta Djallon củng cố quyền lực. Sori từng được gửi đi học về Hồi giáo và chính trị ở nước láng giềng Timbuktu và vào thời điểm bị bắt, anh có thể nói ít nhất 5 thứ tiếng, lại đứng đầu một đội quân 2.000 người. Ở Natchez, Sori phát hoảng vì khung cảnh “nguyên thủy” và kém phát triển, trong khi quê anh Fouta Djallon đã là một xã hội rất quy củ, với hiến pháp và các luật lệ.

Foster cắt phăng mái tóc dài của Sori, một dấu hiệu của tầng lớp quý tộc ở Fouta Djallon, và buộc anh phải lao động chân tay. Không chịu được cảnh nhục nhã, Sori bỏ trốn, lưu lạc nhiều tuần trong những vùng địa hình rừng núi rậm rạp và xa lạ. Áp phích truy nã được dán khắp nơi và thợ săn nô lệ truy lùng anh trong vô vọng. Nhưng cuối cùng, Sori cũng nhận ra rằng anh không có lối thoát, việc tìm đường trở lại quê nhà Fouta Djallon là không thể. Sori đành quay trở lại với ông chủ Foster và bắt đầu tạo dựng một vị trí quan trọng tại đây.

Là một người thất học, chuyên trồng thuốc lá và chăn nuôi gia súc, Foster không hiểu biết gì về cây bông, loài cây đang được nhân rộng ở Bắc Mỹ và mang lại lợi nhuận lớn. Trong khi đó Sori lại quá am hiểu, bởi cây bông được trồng phổ biến ở Fouta Djallon. Với sự giúp đỡ của Sori, Foster trở thành một trong những nhà sản xuất bông hàng đầu khu vực. Trang trại của Foster càng phát triển mạnh thì uy tín của Sori càng lớn.

Hoàng tử Phi châu 40 năm sống đời nô lệ trên đất Mỹ - Ảnh 2.

Abdulrahman Ibrahim Ibn Sori. Ảnh: Thư viện Quốc hội Mỹ

Anh trở thành một quản đốc, sau đó kết hôn với một nữ nô lệ khác là Isabella. Hai người có 5 con trai, 4 con gái và được sống tương đối tự do. Họ thậm chí có thể tự trồng rau và mang ra chợ bán. Chính tại khu chợ địa phương đó, năm 1807, một cuộc gặp gỡ tình cờ đã làm thay đổi cuộc đời Sori.

Một vị khách đi chợ đã bất ngờ nhận ra Sori là thành viên hoàng tộc Tây Phi. Nhiều thập niên trước đó, một vụ đắm tàu đã khiến một bác sĩ người Anh tên John Cox dạt vào bờ biển Tây Phi. Ông được một nhóm người Fouta cứu sống, sau đó đưa về thủ đô Timbo. Tại đây, bác sĩ Cox đã gặp gỡ Sori và các thành viên Hoàng gia, được họ tận tình chăm sóc trong suốt 6 tháng ở lại.

Đúng là Trái đất tròn. Cox thật bất ngờ khi nhận ra Hoàng tử Sori bán rau ở chợ. Ông liền coi đây là cơ hội để đền ơn ân nhân. Nhưng dù trả giá thế nào để mua tự do cho Sori, ông chủ Foster cũng nhất định không bán. Sori đã ở với ông ta gần 20 năm, và những hiểu biết của ông là vô giá.

Nhưng bác sĩ Cox không từ bỏ, ông tìm cách mang đến cho Sori một hình thức “tiền tệ” khác ở Mỹ, đó là sự nổi tiếng. Tin tức về cuộc gặp gỡ tình cờ ở hai bên bờ Đại Tây Dương lan nhanh khắp thị trấn và khi Andrew Marschalk, một nhà báo địa phương, tiếp xúc với Sori, nghe ông nói tiếng Ả rập, đã hiểu nhầm rằng Sori là người Maroc. Sori đã thông qua Marschalk, nhờ chuyển một bức thư kèm theo cuốn kinh Koran mà ông tự chép được, tới Lãnh sự Mỹ ở Tangier, Maroc. Lá thư cuối cùng tới tay Quốc vương Maroc và từ đó, tin tức về một vị hoàng tử bị giam cầm làm nô lệ đến tai chính phủ Mỹ. Lo lắng về quan hệ ngoại giao, Ngoại trưởng Mỹ Henry Clay đã sắp xếp trả tự do cho Sori vào ngày 22/2/1828.

Foster đồng ý trả tự do cho Sori, với một điều kiện: ông sẽ được đưa thẳng trở lại châu Phi mà không bao giờ được hưởng những đặc quyền của một người đàn ông tự do ở Mỹ. Sori được giải thoát khỏi cuộc đời nô lệ sau 40 năm. Nhưng vợ ông, Isabella và các con thì không.

Hoàng tử Phi châu 40 năm sống đời nô lệ trên đất Mỹ - Ảnh 3.

Chính phủ của Tổng thống Mỹ John Quincy Adams đã dàn xếp trả tự do cho Hoàng tử Sori. Ảnh: Getty Images

Khi chuẩn bị đến Washington, D.C. để từ đó lên tàu trở lại châu Phi, "bản anh hùng ca” của Sori ngày càng lan tỏa. Báo chí đưa tin về cuộc phiêu lưu của ông và một loạt sự kiện được tổ chức dọc theo hành trình của Sori để tôn vinh ông. Việc một nô lệ hóa ra là một hoàng tử Hồi giáo, một nhà hùng biện tài giỏi, đã khiến công chúng Mỹ bất ngờ và say mê.

Sori nhanh chóng kiếm đủ tiền để mua tự do cho vợ, nhưng vẫn phải tiếp tục kêu gọi quyên góp cho các con của mình. Ông thậm chí kêu gọi Tổng thống Mỹ John Quincy Adams ủng hộ nhưng đã bị khước từ.

Nhưng khi Sori bị phát hiện không phải là dòng dõi vương triều ở Maroc, sự ủng hộ của công chúng bắt đầu cạn dần, và sau gần một năm, ông mới chỉ kiếm được một nửa số tiền cần thiết để phóng thích các con.

Ông bị buộc rời khỏi Mỹ cùng với vợ, mang theo hy vọng các con họ sẽ theo sau nhờ một đạo luật được chính phủ Mỹ đề xuất. Khi đến Monrovia, Liberia vào tháng 3/1829, điều đầu tiên Sori làm là trải tấm thảm cầu nguyện và cúi rạp đầu xuống đất.

Cuối cùng, do đau ốm, sức khỏe suy kiệt vì cuộc hành trình, bốn tháng sau Sori bị sốt cao rồi qua đời ở tuổi 67. Ông không bao giờ trở về được quê hương Fouta Djallon hay gặp lại các con của mình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags

Mỹ

Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại