Hoàng Thùy Linh được biết đến như một ca sĩ giải trí, nhưng cô lại có những sản phẩm âm nhạc vô cùng đầu tư và nghiêm túc, có chiều sâu, tư duy. Một trong những sản phẩm đó là MV Bánh trôi nước mới đây.
Với MV này, Hoàng Thùy Linh nối tiếp Hồng Nhung để trở thành nữ ca sĩ hiếm hoi trong nhạc Việt bạo dạn đầu tư làm MV trên nền world music – một thể loại MV ca nhạc không mới trên thế giới nhưng khá mới ở Việt Nam.
MV Bánh trôi nước của Hoàng Thùy Linh
Nhưng khán giả Việt, vốn chỉ quen với hình ảnh ca sĩ cầm mic khoe giọng, đứng hát một chỗ nên khó tiếp nhận được cái mới của Hoàng Thùy Linh, khiến cô trở nên xa lạ với công chúng và nhận nhiều luồng chỉ trích.
Hoàng Thùy Linh giống Phi Thanh Vân ư? - Đó là nhận định sai!
Nhiều người cho rằng Hoàng Thùy Linh đang trở thành Phi Thanh Vân thứ hai khi cả bài hát chỉ có 4 câu.
Nhưng họ quên rằng cái quý của nghệ thuật ngôn từ là tinh túy, thâm sâu chứ không phải số lượng. Thơ Nôm Đường luật của Hồ Xuân Hương cũng chỉ có 4 câu một bài, nhưng hàm chứa cả một vũ trụ nhãn ý trong đó.
Hay xa hơn là thơ Haiku của Nhật Bản chỉ có 17 âm tiết
một bài, nhưng là cả bầu trời ý niệm Thiền học.
Một cảnh trong MV
Trong âm nhạc cũng vậy, nữ hoàng indie Bjork, William Orbit hay nhiều nghệ sĩ hòa tấu electronic cũng chỉ sử dụng vài câu trong một ca khúc. Cái họ chú trọng là âm nhạc, vì họ làm nhạc chứ không phải làm thơ, làm văn.
Ấy vậy mà khán giả Việt, vốn ít được tiếp xúc với các thể loại indie, hòa tấu hiện đại, chỉ quen với cái dông dài, nặng nề ca từ của nhạc bolero, nhạc xưa, nên không hiểu hết được cái mới của Hoàng Thùy Linh mà chỉ trích cô.
Cách hát của Hoàng Thùy Linh khi ngâm 4
câu thơ Nôm này tuy chưa đạt đến tầm nghệ nhân như Hà Thị Cầu, Quách Thị Hồ,
nhưng đã lột tả được cốt cách của phụ nữ phương Đông, cũng như xen lẫn chút nghệ
thuật ả đào, ca trù dân tộc vào đó.
Và quan trọng hơn cả là cô đã dung hòa được cách ngâm dân gian đó trên nền nhạc EDM (Chill out, Dubstep), phối ra âm thanh mới lạ, hơi hướm hiện đại, hội nhập chứ không xưa cũ một màu.
MV Bánh trôi nước tốt hay dở?
Hoàng Thùy Linh đã khá tinh tế khi mở đầu
MV bằng cảnh ngồi trước ngôi chùa nhỏ, toát lên đậm hồn tôn giáo Việt.
Chùa thì
ở đâu cũng có, nhưng chỉ có đình chùa làng quê Việt Nam mới có kiểu kiến trúc
nhỏ xinh cùng gạch ngói đỏ rêu phong như vậy.
Nó gợi nhắc tới cảnh chùa trong thơ Nôm của Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, nhỏ nhưng sâu và tinh tế như chính tứ thơ vỏn vẹn 4 dòng của bài thơ Nôm vậy.
Cảnh quay Hoàng Thùy Linh mặc trang phục Chàm ngồi trước chùa cổ Bắc Bộ
Nhiều người cho rằng trang phục mở đầu của
Hoàng Thùy Linh giống Thái Lan, nhưng đó là vì họ không biết tới dân tộc Chàm ở
Việt Nam với điệu múa Chàm nổi tiếng.
Ngồi ở đình chùa Bắc Bộ nhưng hình ảnh lại xa tận phương Nam, đó chẳng phải sự kết nối văn hóa tôn giáo suốt chiều dài đất nước hay sao?
Nhưng Hoàng Thùy Linh chỉ dừng lại ở đó, không nhồi nhét quá nhiều chất Việt vào để bội thực MV. Sau đó là những cảnh mang tính gợi mở, biến ảo hơn. Khán giả quá bị bó buộc bởi "chất Việt", "hồn Việt" nên cứ ép ca sĩ phải guồng vào đó.
Nhưng nếu cởi mở hơn, ta sẽ thấy MV này hướng tới toàn thể văn hóa Đông Á, toát lên chất Đông phương, thể hiện đúng tinh thần giao thoa văn hóa của World music.
Những màn múa tạo hình trong MV
Đó mới là cái mới, cái sáng tạo của nghệ
sĩ, chứ lúc nào cũng chăm chăm vào "chất Việt" thì mời khán giả đi nghe quan họ,
ca trù cho đỡ tốn công phát triển nghệ thuật.
Chẳng lẽ khi Madonna, Bjork làm MV đậm chất phương Đông, khán giả Mỹ cũng kêu gào những ca sĩ đó mất chất Mỹ, không chịu hướng về nguồn cội Mỹ, văn hóa Mỹ sao?
Từ Tràng An vào tới Long An, MV đã khái
quát được khung cảnh thiên nhiên Việt Nam đẹp lộng lẫy, nhưng lại sử dụng nghệ
thuật lạ hóa bằng kĩ xảo để phù hợp với nội dung, tạo nên chất riêng.
Nhiều người
cho rằng họ không thấy cảnh Việt trong đó, là bởi vì họ quen với sự dễ dãi, hời
hợt trong thưởng thức, không chịu tư duy, suy luận khi xem.
Đây là MV nghệ thuật chứ đâu phải MV quảng cáo cảnh đẹp đất nước để mọi thứ đều lồ lộ ra được.
Các cảnh quay sử dụng flycam bao quát mọi cảnh vật rất hợp với tinh thần World music. Trang phục hoài cổ nhưng không xưa cũ mà vẫn sáng tạo đầy hiện đại, có tính fashion, chứ không phải kiểu bê nguyên áo dài, áo tứ thân vào như trước đây.
Bằng chất nhạc EDM trên nền World music cộng hưởng cùng MV, Hoàng Thùy Linh đã "làm sống dậy một phần linh hồn của nữ sĩ Hồ Xuân Hương thuở nào, táo bạo và quyền lực, điên và đẹp, phồn thực và đàn bà, ngang tàng mà đằm thắm".
Đó cũng chính là hình ảnh người phụ nữ mà cô muốn hướng tới. Những móng tay dài bị cho là đậm chất Trung Quốc thực chất là cách mà phụ nữ Việt khi xưa thể hiện sự quyền lực, đẳng cấp của họ.
MV không phải không có những hạt sạn về
trang phục, trang điểm, hiệu ứng, kết nối… Nhưng trên hết vẫn là tinh thần dám
tư duy, sáng tạo, dám đầu tư, dám làm của Hoàng Thùy Linh và ekip để tạo nên sản
phẩm hoàn chỉnh, chất lượng.
Đó là điều đáng ngợi khen hơn là chê trách.
Có thể Hoàng Thùy Linh giọng chưa tốt và vẫn
theo hình tượng giải trí, nhưng văn minh âm nhạc của cô đã gần chạm tới vị trí
cao nhất là Hà Trần trong nhạc Việt.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả