Hôm qua (27/9), lô vũ khí hóa học cuối cùng của Nga đã chính thức được đem đi tiêu hủy. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có lời phát biểu trước sự kiện này: "Nga đã tuân thủ nghiêm ngặt yêu cầu quốc tế, trong đó có việc không phổ biến các loại vũ khí có sức mạnh hủy diệt hàng loạt."
"Trước đây, Nga là một trong những quốc gia sở hữu khối lượng vũ khí hóa học lớn nhất, Mỹ cũng là một cường quốc của loại vũ khí này. Tuy nhiên, Mỹ dường như không có dấu hiệu muốn tuân thủ thời hạn tiêu hủy vũ khí hóa học. Họ [Mỹ] đã xin lùi thời hạn tiêu hủy ba lần vì lí do thiếu kinh phí. Thẳng thắn mà nói, việc này nghe thật kì quặc," ông Putin nói thêm.
Chỉ trích của ông Putin được đưa ra vào thời điểm nhà máy tiêu hủy vũ khí hóa học gần làng Kizner, Cộng hòa Udmurtia thuộc vùng Ural của Nga, đã vô hiệu hóa lượng vũ khí cuối cùng trong kho chứa.
Thước phim ghi lại cảnh một quả đạn pháo với dòng chữ tiếng Nga có nghĩa "Vĩnh biệt vũ khí hóa học" được dây chuyền tự động rút lõi, tiêu hủy.
Theo ông Putin, Nga đã thực hiện đúng cam kết, đúng thời hạn và đây nên là tấm gương để các quốc gia khác noi theo.
Dây chuyền tự động tiêu hủy vũ khí hóa học của Nga. Nguồn: Ruptly
Nga đã bắt đầu việc tiêu hủy kho vũ khí hóa học từ năm 1996, một thời gian ngắn trước khi gia nhập Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OPCW).
Tại thời điểm đó, kho vũ khí hóa học của Nga ước tính lên tới 40.000 tấn, Mỹ cũng sở hữu một lượng tương đương.
Khi kí Công ước về Vũ khí Hóa học năm 1997, Mỹ cam kết sẽ tiêu hủy toàn bộ vũ khí hóa học trước ngày 29/4/2012. Nhưng qua ngày này, Mỹ mới chỉ hủy được 90% lượng vũ khí.
Hiện nay, Mỹ vẫn còn 2 kho chứa vũ khí hóa học.
Kho Hóa học Pueblo dự kiến sẽ hoàn thành việc tiêu hủy vào năm 2019, trong khi kho Blue Grass Army dự kiến sẽ bắt đầu việc phá hủy vào năm 2020.