Vụ thử hạt nhân đã gây chấn động khoảng 5.0 độ Richter ở khu vực Punggyeri, Triều Tiên. Phía Hàn Quốc đánh giá vụ nổ có sức mạnh tương đương 10.000 tấn thuốc nổ TNT, đồng thời nhận định đây là cuộc thử nghiệm hạt nhân quy mô lớn nhất của Bình Nhưỡng tính đến nay.
Vụ thử thứ năm được Triều Tiên tiến hành chỉ 8 tháng sau sự kiện nước này tuyên bố "thử thành công bom khinh khí (bom H)" ngày 6/1. Đây là quãng thời gian ngắn nhất giữa hai vụ thử.
Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc), thuộc chủ quản của báo đảng Trung Quốc Nhân dân Nhật báo, cho hay Bình Nhưỡng vừa phóng thử tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm vào 2 tuần trước.
Ngày 5/9 mới đây, nước này tiếp tục phóng ba quả tên lửa đạn đạo để tỏ thái độ nhằm vào cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hàng Châu.
Với sự kiện thử hạt nhân lần thứ năm, Hoàn Cầu gọi các động thái của Triều Tiên là diễn biến theo "tiết tấu điên cuồng".
Tờ báo "diều hâu" của Trung Quốc chế giễu, sở hữu hạt nhân chắc chắn không trở thành bảo bối "định hải thần châm" đối với an ninh chính trị của Triều Tiên, mà ngược lại đang là "liều thuốc độc" dần bóp nghẹt nước này.
Hoàn Cầu mỉa mai về kết quả mà chương trình hạt nhân đang dẫn dắt Triều Tiên: "Quốc gia ôm lấy vài cơ sở hạt nhân nửa thật nửa giả, ngoài ra không có gì hết, không thịnh vượng, không cởi mở và không có tự tin vào an ninh quốc gia".
Tờ này khuyên Triều Tiên "mở to mắt" để trở lại quỹ đạo đúng đắn trong công thức tính toán thiệt, hơn trong lợi ích quốc gia của mình.
Số lượng thuốc nổ TNT thường được sử dụng làm đơn vị năng lượng, theo đó mỗi kg TNT có thể sinh ra 4.200.000 jun năng lượng.
Tờ Tân Kinh (Trung Quốc) so sánh, thuốc nổ tương đương TNT trong tên lửa hành trình Tomahawk vào khoảng 454kg.
Như vậy, vụ nổ hạt nhân do Triều Tiên gây ra với sức mạnh 10.000 tấn TNT sẽ tương đương hơn 22.000 quả tên lửa Tomahawk.
Hoàn Cầu bình luận, Bình Nhưỡng đã cho thấy thái độ "đối đầu đến cùng", đáp trả sức ép về quân sự từ Mỹ và hàn Quốc, đồng thời gửi thông điệp đòi xã hội quốc tế từ bỏ chủ trương phi hạt nhân hóa bán đảo.
Tuy nhiên, Triều Tiên chỉ tạo ra được sự giận dữ và bất mãn, nhưng khó có khả năng trấn áp phần còn lại của thế giới. Nhượng bộ trước Triều Tiên "càng không có khả năng trở thành một lựa chọn của vòng đàm phán 6 bên".
Phiên họp của Hội đồng bảo an. (Ảnh: Huanqiu)
Hoàn Cầu cảnh cáo, đối với Triều Tiên vũ khí hạt nhân chỉ là "công cụ để dọa dẫm" chứ không thể thực sự sử dụng. Với tài nguyên và nền kinh tế nghèo nàn, Triều Tiên chỉ có thể sở hữu số lượng vũ khí hạt nhân có hạn ngay cả khi thành công đưa vào thực chiến.
Tỉ trọng hạt nhân mà Triều Tiên nắm trong tay, theo Hoàn Cầu, không đạt được "tiêu chuẩn thấp nhất" so với các cường quốc hạt nhân trên thế giới, thậm chí không thể tồn tại so sánh tương quan hạt nhân Mỹ-Triều Tiên.
"Nếu ví vũ khí hạt nhân của các nước lớn như một chiếc xe tăng, thì hạt nhân Triều Tiên chỉ là máy kéo thô sơ" - Hoàn Cầu so sánh.
Nhận định cơ bản của Mỹ là: Triều Tiên hiểu rõ quốc gia và chính quyền của họ sẽ bị hủy diệt ngay khi Bình Nhưỡng tấn công hạt nhân trước. Điều này khiến họ không trở thành mối đe dọa hạt nhân theo đúng nghĩa.
Washington có thể xét đến nhân tố hạt nhân của Triều Tiên, nhưng điều đó còn xa mới tạo thành sức ép buộc Mỹ nhượng bộ về chiến lược trước Bình Nhưỡng.
Đề cập đến việc trừng phạt Triều Tiên, Bộ ngoại giao Trung Quốc ngày 9/9 tuyên bố Bắc Kinh sẽ chấp hành nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc.
Rạng sáng nay (10/9, theo giờ Việt Nam), Hội đồng đã họp khẩn để thảo luận về vụ thử hạt nhân mới nhất của Triều Tiên cũng như xem xét có gia tăng các biện pháp trừng phạt hay không.