Sự kiện CHDCND Triều Tiên tiến hành phóng thử tên lửa vào rạng sáng nay, 29/4, cho thấy Bình Nhưỡng không hề chùn bước trước những cảnh báo liên tiếp trong tuần qua của chính phủ lẫn truyền thông Trung Quốc.
Quan hệ Trung-Triều đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Không một hội nghị thượng đỉnh nào giữa nguyên thủ hai nước được tổ chức trong suốt 6 năm qua, kể từ khi nhà lãnh đạo Kim Jong Un lên nắm quyền. Dù hai bên duy trì trao đổi ngoại giao đều đặn, niềm tin chiến lược giữa song phương đã trở thành điều xa xỉ.
Tình hình bán đảo Triều Tiên diễn biến tồi tệ sẽ khiến liên hệ Bắc Kinh-Bình Nhưỡng thêm rạn nứt, và Trung Quốc cần sẵn sàng đón nhận "những hành động không thiện chí" từ Triều Tiên - Hoàn Cầu nói.
Tình hữu nghị trong quá khứ giữa hai nước là kết quả của diễn biến địa chính trị ở Đông Bắc Á từ thế kỷ trước. Nó cũng phù hợp với lợi ích quốc gia của Trung-Triều trong những thời điểm đó.
Nhưng hiện nay, Bắc Kinh đang công khai tuyên bố đây là mối quan hệ đối ngoại thông thường giữa hai quốc gia, và hai nước nên "xây dựng tình hữu nghị" trên cơ sở đó, với điều kiện tiên quyết là lợi ích của Trung Quốc không bị xâm phạm và Bắc Kinh không phải trả giá cho các chính sách cực đoan của Bình Nhưỡng.
Tờ Hoàn Cầu trong 2 tuần trở lại đây đã chỉ trích việc Bình Nhưỡng thử hạt nhân chỉ cách biên giới hai nước 100 km đã đe dọa nghiêm trọng tình trạng an ninh ở vùng Đông Bắc Trung Quốc, trong khi "nhìn chung vấn đề trên bán đảo là căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên".
Một lo ngại khác của Trung Quốc là diễn biến trên bán đảo sẽ cho Mỹ cái cớ hợp lý để tăng cường quân lực đến khu vực. Hoàn Cầu ngày 28/4 chỉ trích Mỹ "đâm sau lưng Trung Quốc" khi một mặt đánh giá cao hành động của Bắc Kinh về vấn đề Triều Tiên, một mặt đã đẩy nhanh tiến độ triển khai lá chắn tên lửa THAAD ở Hàn Quốc - điều mà Trung Quốc phản đối gay gắt.
"Điều đó có nghĩa là Trung Quốc không thể làm kẻ ngoài cuộc," Hoàn Cầu nhận định.
Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây đã ca ngợi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình "làm tất cả những gì có thể" để giúp Mỹ trong vấn đề Triều Tiên (Ảnh: AP)
Bất chấp có lợi ích chung với Mỹ về phi hạt nhân hóa bán đảo, Bắc Kinh gây sức ép lên Bình Nhưỡng để bảo đảm lợi ích quốc gia của mình nhiều hơn là thiện chí hợp tác với Washington.
Dư luận Trung Quốc lo ngại nước này không có quân bài nào tương xứng để chống lại Mỹ-Hàn và có thể mất "vùng đệm chiến lược" - cụm từ thường được đùng để nói về ý nghĩa của Triều Tiên đối với Trung Quốc.
Ngay lúc này, những gì Triều Tiên đang thực hiện đã đi ngược lợi ích chiến lược của Bắc Kinh. Điều kiện Trung Quốc đưa ra để nối lại quan hệ bình thường là Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân.
Giới quan sát Trung Quốc lo ngại chiến tranh là kết cục không tránh khỏi nếu căng thẳng tiếp diễn. Khi đó Trung Quốc sẽ đứng trước nhiều lựa chọn khó khăn hơn là chỉ chấp hành các lệnh cấm vận nghiêm ngặt của Hội đồng bảo an LHQ, mà Bắc Kinh vốn đã chần chừ.
Theo Hoàn Cầu, nếu "phá vỡ ảo tưởng" của Bình Nhưỡng rằng họ có thể lại xoa dịu Bắc Kinh bằng ngoại giao, Trung Quốc sẽ thiết lập được "tiếng nói" của mình đối với Triều Tiên.
Mục tiêu trước mắt của Trung Quốc là đình chỉ hoạt động hạt nhân của Triều Tiên, lẫn các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc, đồng thời khẳng định với Washington rằng Bắc Kinh "không phải là chìa khóa giải quyết vấn đề".
"Bắc Kinh hy vọng tất cả các bên liên quan thu được lợi ích tối đa. Nhưng nếu nỗ lực thất bại thì Trung Quốc không sợ cả Triều Tiên lẫn Mỹ-Hàn. Chúng ta có đủ sức mạnh để tấn công bất kỳ phe nào dẫm đạp lên 'ranh giới đỏ' về lợi ích của Trung Quốc," tờ Hoàn Cầu cảnh báo.