Trong làng giải trí Hoa ngữ, bên cạnh vai trò diễn viên và MC kỳ cựu, Vương Cương còn nổi danh là “trùm” sưu tầm đồ cổ. Đến mức, ông còn tự nhận mình là “con nghiện”. Trong sinh hoạt thường ngày, ông rất tiết kiệm, nhưng chỉ cần liên quan đến cổ vật thì bao nhiêu tiền cũng chi.
Không chỉ toàn bộ đồ dùng trong nhà đều là đồ cổ (trừ bộ ghế sa lông trong phòng khách), ngay cả nơi ở của “Hoà Thân” cũng là khu tứ hợp viện – nhà cổ kiểu Trung Quốc mà không phải ai cũng mua được.
Ngôi nhà tứ hợp viện khang trang của "Hoà Thân" Vương Cương.
70% gia tài của Vương Cương là đồ cổ.
Không rõ giá trị thực tế của gia tài mà nam diễn viên 70 tuổi tích cóp được. Tuy nhiên, trang iFeng dẫn một số bình luận của cư dân mạng cho rằng, tính cả nhà và bộ sưu tập đồ cổ, con số có thể lên tới vài trăm triệu tệ (ngàn tỷ đồng).
Vương Cương giàu có không kém gì "đệ nhất gian thần Trung Hoa".
Trân quý là thế, nhưng ngôi sao “Tể tướng Lưu gù” đã tự tay đập bể loạt đồ cổ trên sóng truyền hình.
Theo Sina, gần đây Vương Cương tham gia một show truyền hình thực tế. Chương trình có quy tắc, bộ sưu tập cổ vật mà khách mời đưa đến sẽ qua thẩm định của một nhóm chuyên gia; nếu nhóm chuyên gia xác định đó là đồ giả thì tự tay chủ sở hữu phải đập bể toàn bộ bộ sưu tập.
Ở trường hợp của Vương Cương, ban đầu, 2 trong số 3 chuyên gia cho rằng bộ sưu tập của ngôi sao gạo cội là giả, người còn lại không đồng quan điểm. Tuy nhiên, sau khi trao đổi ý kiến, cả ba đều nhất trí tuyên bố, số đồ cổ của “đệ nhất gian thần Trung Hoa” không có giá trị.
Vương Cương tuân thủ quy tắc chương trình, dùng búa đập vỡ toàn bộ món đồ cổ trên sóng truyền hình.
Vương Cương đập bể bộ sưu tập đồ cổ trên sóng truyền hình vì bị cho là giả.
Nhưng chuyện chưa kết thúc tại đó. Phía Vương Cương vẫn nghi ngờ về kết luận trên và khăng khăng số cổ vật là thật.
Vì vậy, sau khi chương trình kết thúc ghi hình, họ lập tức tìm đến một tổ chức chuyên nghiệp để thẩm định lại. Và một kết luận khác ra được đưa ra, bộ sưu tập của Vương Cương là thật, có giá trị lên tới 200 triệu nhân dân tệ (658 tỷ đồng).
Một cuộc tranh cãi gay gắt nổ ra ngay sau đó. Đa phần đều thắc mắc, ai sẽ chịu trách nhiệm về việc đập vỡ số cổ vật khiến giá trị của chúng “tụt dốc” thảm hại.
Một số người cho rằng, đây là sai lầm của ba chuyên gia, bởi họ có kỹ năng chuyên môn nhưng lại đưa ra kết luận trái với sự thật.
Số khác lại nhận định, dù các chuyên gia có trình độ, nhưng dù sao họ cũng là người, khó tránh được sai lầm, vì vậy lỗi nằm ở ê kíp chương trình. Bên cạnh đó, không ít người nhắm vào Vương Cương, với lý do, người trực tiếp đập bể số báu vật là chính chủ.
Hiện vẫn chưa rõ có biện pháp bồi thường nào được đề xuất sau đó không, chỉ biết, chương trình truyền hình trên đã dừng phát sóng do độ rủi ro quá cao.
Theo Sina