Dưới nước hay trên cạn, thế giới tự nhiên luôn tồn tại một vài loại động vật sở hữu ngoại hình đặc biệt nổi bật. Chúng đẹp đến nỗi khiến chúng ta phải kinh ngạc, nhưng đồng thời lại xen chút nghi ngờ vì nhìn quá đỗi... vô lý.
1. Cá trạng nguyên: Đẹp nhất đại dương, nhưng... bốc mùi
Cá trạng nguyên (Synchiropus splendidus) vốn nổi tiếng là một loại cá có sắc màu đẹp không tưởng. Chúng sống ở biển Thái Bình Dương, thuộc loài kiếm ăn về ban đêm, ẩn nấp vào ban ngày.
1a-15452367357151355681048.gif
Mặc dù "cái áo" của cá trạng nguyên đẹp không chê vào đâu được, nhưng nó không phải là thứ nên đụng tay vào. Trên lớp da đầy màu sắc ấy có phủ một lớp chất nhờn dày chứa độc tố. Đặc biệt, lớp nhớt này còn bốc ra một thứ mùi hết sức kinh khủng nữa.
Không chỉ có lớp da vừa độc vừa bốc mùi, cá trạng nguyên còn trang bị thêm cả một mớ gai vây có độc.
Theo các nhà khoa học, loài cá sặc sỡ này lắm "vũ khí" như vậy cũng bởi vì chúng là loài không có vảy. Cả mùi, nhớt độc lẫn vây sắc nhọn đều là cần thiết để chúng tự vệ, nhằm chống lại các loài săn mồi.
2. Cá heo màu hồng phớt - trò Photoshop của tự nhiên
Chỉ mỗi cái tên "cá heo" thôi đã làm cho chúng ta chết mê chết mệt rồi, vậy mà cá heo sông Amazon (Inia geoffrensis) lại còn khoác trên mình bộ da màu hồng đẹp như mơ nữa.
Cá heo sông Amazon cũng là loài cá heo sông lớn nhất. Con đực trưởng thành dài trung bình 2,55m và nặng 185kg. Con cái nhỏ hơn một chút, dài trung bình 2,32m và nặng 154kg.
Tuy nhiên, chỉ có cá heo sông Amazon trưởng thành mới có lớp da màu hồng mà thôi, và con đực thì hồng hơn con cái. Trước khi phát dục, chúng có màu nâu bình thường.
3. Vẹt cầu vồng: bộ lông đẹp hơn cả chim công
Vẹt cầu vồng (Trichoglossus haematodus) là loài chim đẹp nhất Châu Úc. Nó sở hữu một bộ lông đúng như tên gọi, đủ sắc cầu vồng.
Thú vị hơn cả là với vẹt cầu vồng thì con trống hay con mái cũng đều đẹp rạng ngời y như nhau. Nhưng nếu quan sát một đôi vẹt cầu vồng, bạn sẽ dễ dàng nhận ra đâu là "chồng" còn đâu là "vợ".
"Đức ông chồng" vẹt cầu vồng rất yêu chiều "vợ". Vào mùa sinh sản, nó còn vừa di chuyển quanh con mái đang ăn mồi, vừa xù lông đe dọa, cấm bất cứ kẻ nào được phiền hà "vợ" của mình dùng bữa.
4. Tắc kè hoa Panther: Lòe loẹt nhất trong những kẻ lòe loẹt
Tắc kè hoa Panther (Furcifer pardalis) là một loài tắc kè được tìm thấy ở phía đông và phía bắc của Madagascar, quốc gia ở Đông Phi. Chúng khá lớn, có thể dài tới 51cm.
Như mọi đồng loại, tắc kè hoa Panther cũng có khả năng đổi màu để ngụy trang. Tuy nhiên, chúng đặc biệt hơn ở chỗ lòe loẹt hơn cả lòe loẹt, nhất là con đực.
Trên bộ da của tắc kè hoa Panther là tổng hợp tất cả các kiểu màu sắc. Tùy vào khu vực sinh tồn mà chúng cũng có thể mang những gam màu tự nhiên khác nhau, từ xanh lá đến xanh dương, cam, hồng, nâu, đỏ...
Lưỡi của Panther đặc biệt dài, có khi còn dài hơn cả chính cơ thể của chúng. Nó cũng cực nhanh, chỉ mất có 0,003 giây để phóng ra khỏi miệng và tóm gọn con mồi.
Có một điều cần lưu ý ở đây: Tắc kè là loài có thể thay đổi màu sắc, nhưng không phải là màu nào chúng cũng bắt chước được. Mọi loài tắc kè đều có một phạm vi màu tự nhiên bẩm sinh. Chúng không thể chuyển sang màu sắc mà không có sẵn trong "kho màu" cá nhân của mình.
5. Hải long lá: Động vật biểu tượng của bang Nam Úc
Nếu bạn muốn tìm rồng biển, vậy thì hãy đến Nam Úc. Tại đây, bạn sẽ gặp được hải long lá hay còn gọi là cá rồng biển thân lá (Phycodurus eques) đẹp diệu kỳ.
Hải long lá thuộc họ cá chìa vôi, cực kỳ giỏi ngụy trang. Nó có thể đứng yên hệt như một cụm rong nhỏ, với thời gian lên đến 68h liên tục.
Một trong những điểm đặc biệt ở hải long lá là con đực mới là con mang bầu. Khi đến mùa sinh sản, hải long lá cái sẽ gửi toàn bộ trứng sang đuôi con đực. Sau khoảng 9 tuần, trứng mới nở thành con.
Hải long lá con không phụ thuộc vào bố mẹ, vừa mới chào đời là đã biết tự kiếm ăn rồi. Tuy nhiên, tỷ lệ sống sót của chúng cực kỳ thấp, chỉ khoảng 5%.
6. Bướm cánh gương: Sở hữu bộ cánh trong suốt như pha lê
Bướm cánh gương (Greta Oto) là loài côn trùng được tìm thấy ở từ khu vực Trung đến Nam Mỹ, trong các khu rừng nhiệt đới. Nó đặc biệt bởi bộ cánh trong veo có viền nâu đỏ như sắc lá khô, rất tiện bề ngụy trang.
Ngoại trừ việc sử dụng đôi cánh độc đáo bậc nhất để trốn tránh kẻ thù (thường là các loài chim), bướm cánh gương còn biết tận dụng các chất độc có trong hai chi thực vật là họ hoa cúc và họ hoa cestrum.
Chất độc từ chúng khiến cho cả sâu bướm lẫn bướm cánh gương đều bốc mùi hôi, đủ để khiến cho các loài chim ăn côn trùng thấy phát gớm mà bỏ qua, không thèm bắt.
Tham khảo: Ranker