Hóa ra phái mạnh mới là phái yếu: Người đàn ông lý tưởng trong mắt chị em là những người đang chịu áp bức!

Phương Linh |

“Đàn ông: Chuyện chưa kể”, hay là chưa thể kể bởi nỗi sợ không được lắng nghe, và chẳng ai thấu hiểu.

Cuộc trò chuyện mang tên “Đàn ông: Chuyện chưa kể…” diễn ra vào cuối tuần vừa rồi (5/8) trong không gian quán Tổ Chim Xanh là sự giao nhau tình cờ của ba “thế giới”. Đó là Đặng Ân – người đàn ông sống giản đơn, thích nấu ăn, may vá và mau nước mắt, Vũ Hải Linh – “nhà buôn chuyện” (The Joker) đã đưa nghệ thuật kịch tương tác vào Việt Nam, và Phan Hồng Ngọc – cô thợ thủ công và cũng là một kẻ lang thang “nghiện” chữ.

Hóa ra phái mạnh mới là phái yếu: Người đàn ông lý tưởng trong mắt chị em là những người đang chịu áp bức! - Ảnh 1.

Các diễn giả Đặng Ân, Vũ Hải Linh và Phan Hồng Ngọc (từ phải qua trái).

Không chỉ như một cái ôm đồng cảm tặng những người đàn ông đang phải gồng mình lên cho vừa với danh xưng “phái mạnh”, 3 tiếng chuyện trò đồng thời cũng thức tỉnh nhiều phụ nữ đang kiếm tìm bí quyết để hiểu rõ đối phương, và khát khao ươm mầm hạnh phúc từ sự thấu cảm người đàn ông của mình.

1. Từ kể chuyện: Phụ nữ khổ vì chịu thiệt, còn cái khổ của đàn ông là đã chịu thiệt lại còn chẳng được lắng nghe

Sai lầm nghiêm trọng nhất mà chúng ta – bao gồm những người phụ nữ hiện đại thường mắc phải, đó là đánh đồng xã hội phân biệt giới tính với một xã hội nơi phụ nữ phải chịu thiệt thòi.

Tại sao ta lại xem nhẹ những vấn đề tương tự mà đàn ông gặp phải, trong khi tất cả nam nữ đều là con người với đầy đủ mọi mặt tốt đẹp lẫn xấu xa, mạnh mẽ cùng yếu đuối từ lúc ra đời? Thực sự đàn ông có phải gỗ đá cạn khô cảm xúc như nhiều chị em thường hay bảo?

Các bố, các ông chồng, các anh, và các bạn nam có phải luôn luôn ở phe “thắng” như ta vẫn nghĩ hay không? Chắc chắn là không!

Ít nhất một lần trong đời chúng ta đã buông lời phán xét rằng: “Đàn ông thì không được khóc”

Diễn giả Đặng Ân lần lượt hồi tưởng lại những ký ức thuở ấu thơ khi còn là cậu con trai bị bạn bè trêu chọc, và kể về cách bố anh đã “đóng gói” cảm xúc ra sao trước mâu thuẫn không tránh khỏi trong gia đình.

“Cấp 3 mình bị gọi là thằng pê đê vì giọng nói nhỏ, không chơi đá bóng, mình hay cắm hoa ở lớp ở lớp vào ngày 20/11, bởi vì…các bạn gái ở lớp cắm hơi xấu (cười). Cuối năm lớp 12 khi đi tỏ tình với bạn nữ mình thích, bạn ý từ chối vì lý do không có cảm giác an toàn khi ở bên mình.

Mãi sau này mình mới hiểu hóa ra cảm giác an toàn đó là phải mạnh mẽ, ăn to nói lớn, thậm chí hút thuốc, chứ nhẹ nhàng thì chẳng cần!”.

Hóa ra phái mạnh mới là phái yếu: Người đàn ông lý tưởng trong mắt chị em là những người đang chịu áp bức! - Ảnh 2.

“Mỗi lần bố mẹ cãi nhau, thường mình thấy bố sẽ không nói, không ăn, và lên giường nằm lặng yên trùm chăn kín mít, kể cả mùa hè. Nó thậm chí có thể kéo dài từ chiều hôm nay tới trưa hôm sau.

Việc ấy diễn ra đến lần thứ 3 thì mình trở nên tò mò, thế rồi mình biết suốt thời gian đó bố không hề ngủ. Bố mình không chọn cách uống rượu bia để giải tỏa, bố chỉ trùm chăn có lẽ đơn giản vì không muốn ai nhìn thấy cảm xúc thật của bản thân khi đó”. - anh thành thật tâm sự.

Khi phụ nữ khóc, ta đưa cô ấy chiếc khăn giấy lau nước mắt kèm một cái ôm vỗ về. Khi đàn ông khóc, ta buông lời can ngăn tàn nhẫn: “Là đàn ông thì không được khóc”. Trong khi đó, lúc phải đối diện với nỗi buồn, dù nữ hay nam ta đều trở nên yếu đuối.

Mở lòng với phần mềm yếu của người đàn ông bạn thương, tức là bạn đang cho họ cơ hội được sống chân thành, mà sự chân thành chẳng phải là yếu tố cốt lõi của mọi mối quan hệ bền chặt hay sao?

Phải kìm nén cảm xúc là một nhẽ, đàn ông còn bị giới hạn rất nhiều về mặt nghề nghiệp và vai trò trong hôn nhân

Nếu “phụ nữ lý tưởng” phải hội đủ tiêu chí: thạo việc cơ quan, đảm đang việc nhà, thì “đàn ông lý tưởng” cũng phải trĩu vai vì áp lực trở thành trụ cột vững chãi, mang lại một cuộc sống yên ấm, ổn định và đủ đầy cho vợ con.

Chuyện của Đặng Ân là một minh chứng điển hình. Từ nhỏ đã xem nấu nướng là đam mê, anh quyết tâm giấu gia đình thi bằng được vào Đại học Du Lịch, khoa Nấu ăn.

Khi biết chuyện, bố chỉ bảo anh rằng: “Cái nghề nấu ăn là nghề mạt hạng, phải đi phục vụ người khác. Và việc của con trai thì không phải là nấu ăn, đi phục vụ như thế”. Đàn ông không thể làm những việc “lông bông”.

Còn với Vũ Hải Linh, từ câu chuyện về cuốn truyện cháy ngày nhỏ, cho tới đỉnh điểm khủng hoảng sau một lần tự tử “hụt”, anh nhận ra: “Với cá nhân mình, chuyện mình bị ảnh hưởng trông nam giới phải như thế nào, mình phải học ngành gì, mình phải yêu ai… đều là vì gia đình tác động lên mình cả”.

Hóa ra phái mạnh mới là phái yếu: Người đàn ông lý tưởng trong mắt chị em là những người đang chịu áp bức! - Ảnh 3.

Phụ nữ đang từng bước được giải phóng khỏi căn bếp chật hẹp để trở thành kỹ sư, lãnh đạo, chính trị gia… và nhận về không ít lời tán dương khi làm được điều đó.

Vậy cớ gì chị em nỡ đòi hỏi đàn ông ai cũng phải đầu đội trời, chân đạp đất, phải cân trên vai “việc lớn”, rồi tỏ ra khinh miệt một anh chàng mê ở nhà bếp núc và chăm con, dù đó là hạnh phúc của anh ấy?

Và khắt khe hơn, dường như khái niệm “đàn ông lý tưởng” không có chỗ cho sai lầm. Anh phải thành đạt, phong độ, ga lăng, che chở cho gia đình, độ lượng, hào sảng, học rộng hiểu nhiều, chín chắn, điềm đạm, và khoác lên mình hàng trăm mỹ từ khác.

Trong rất nhiều tình huống, chỉ vì phải giữ “thể diện của một người đàn ông” mà các anh không có đủ can đảm để chấp nhận lỗi lầm mình mắc phải, và khước từ mọi sự giúp đỡ từ bên ngoài để vượt qua lỗi lầm đó.

Đó là câu chuyện về người cha của Phan Hồng Ngọc, ông hiện lên qua lời kể của cô con gái như một người đàn ông vừa đáng trách, vừa đáng thương: “Ba mình xây dựng hình ảnh bản thân là một người đàn ông hoàn hảo, và ông chưa bao giờ thừa nhận với mình bất cứ lỗi lầm nào, chưa bao giờ xin lỗi.

Rất có thể ba mình đang tự vẽ ra một hình ảnh hoàn hảo, ép bản thân theo đuổi hình ảnh đấy và tự áp đặt ước mơ cho chính mình”.

Hóa ra phái mạnh mới là phái yếu: Người đàn ông lý tưởng trong mắt chị em là những người đang chịu áp bức! - Ảnh 4.

Thì ra, đâu cứ phải phụ nữ mới là phái yếu, mới là nạn nhân. Trước trăm ngàn mũi dao của định kiến, đàn ông cũng có thể dễ dàng trở thành phái yếu đó thôi. Các anh cũng phải gồng mình, che giấu sự nhạy cảm để vừa khít với chuẩn mực của xã hội về “người đàn ông thực thụ”.

Không làm được những điều ấy, đàn ông nhận về lời miệt thị khắc nghiệt từ…chính phụ nữ chúng ta: “Anh thì làm được gì, chỉ như đàn bà”!

Chúng ta vẫn đang làm đau nhau bởi kỳ vọng quá cao và khắt khe vào người khác, trong khi việc đầu tiên và quan trọng nhất cần làm là lắng nghe, từ đó dành thời gian để tìm cách thấu cảm.

2. …cho tới hiểu chuyện: Là phụ nữ hiện đại, làm thế nào để hiểu và yêu đàn ông theo đúng cách họ muốn?

Người phụ nữ rất dễ vướng vào một vòng luẩn quẩn những câu hỏi: liệu anh ấy đang thực sự nghĩ gì về người yêu, thật lòng chấp nhận cách cư xử này của vợ chứ, sao lời nói và hành động của anh ấy lại bất nhất với nhau thế?

Rõ ràng phụ nữ chúng ta, dù truyền thống hay hiện đại, vẫn mang trong mình nỗi hoang mang thường trực về việc phải “cắt nghĩa được đàn ông”.

Tham dự buổi chia sẻ “Đàn ông: Chuyện chưa kể” này, hẳn chị em nào cũng mong muốn được lắng nghe tiếng nói và hiểu rõ góc nhìn của chính đàn ông, từ đó đi tìm cho mình một lời giải đáp.

Vậy thì, đàn ông đang muốn được phụ nữ cư xử ra sao, thấu hiểu thế nào? Các anh cần gì từ những người xung quanh nói chung, và phụ nữ nói riêng?

Đầu tiên, hãy bỏ qua mọi quan niệm về giới để nhìn nhận đàn ông như một cá thể độc lập, thay vì đóng khung họ vào một hệ quy chiếu của chuẩn mực đàn ông – đàn bà.

Phan Hồng Ngọc tâm sự: “Mình bắt đầu nhìn ba dưới dạng cá thể, tức là một con người với đủ điểm mạnh điểm yếu và biết rõ tại sao họ lại làm những điều như vậy. Từ khi đó mình mới thông cảm với ba hơn, đặc biệt hiểu áp lực mà ba gặp phải”.

Đồng tình với quan điểm này, Đặng Ân thành thật chia sẻ: “Khi mình hiểu ra lý do tại sao ngày xưa mình bị bạn bè trêu chọc thì mình bắt đầu thông cảm. Mình thương bố hơn không phải vì mình là con, mà bằng sự thương cảm giữa người với người".

Hóa ra phái mạnh mới là phái yếu: Người đàn ông lý tưởng trong mắt chị em là những người đang chịu áp bức! - Ảnh 5.

Cảm thông và thấu hiểu những thiệt thòi của đàn ông với tư cách “con người”, chính phụ nữ cũng đang trở nên khôn ngoan và bao dung hơn trên hành trình vun đắp hạnh phúc.

Làm được điều này, phụ nữ mới có thể tự tin rằng trái tim mình và người thương đang đập chung một nhịp để cùng nhau vượt qua khó khăn trên nền tảng của yêu thương và thấu hiểu.

Đó cũng là khi đàn ông thấy mình được lắng nghe, lên tiếng, thể hiện cảm xúc và quan điểm mà không bị áp chế bởi định kiến từ chính người phụ nữ mình thương.

Thứ hai, ngưng dò xét và so sánh để hạn chế làm tổn thương nhau, bởi yêu là biết mình đủ. Khi chồng bạn chăm chỉ ở nhà lo chuyện bếp núc, chăm sóc con cái, bạn than phiền rằng sao anh chẳng chịu ra ngoài kia giao lưu, vun đắp cho sự nghiệp đi!

Khi người thương của bạn tối ngày làm việc thêm giờ để mẹ con có cuộc sống đủ đầy, bạn dỗi hờn sao anh chẳng sống tình cảm, quan tâm gia đình như những người đàn ông khác.

Chiếc nhẫn vàng anh tặng bạn từ thuở mới cưới bạn thấy chẳng bì được với đôi hoa tai kim cương mà anh hàng xóm mới mua tặng chị nhà. Nỗ lực được thăng tiến của anh hôm nay với bạn vẫn chưa bằng một ai kia đang nắm trong tay quyền cao chức trọng.

Phụ nữ hôm nay đừng nhìn vào những người đàn ông khác để làm thước đo cho người đàn ông bên mình. Và cũng đừng nhìn vào hạnh phúc của người khác để làm thước đo cho hạnh phúc của mình.

Hóa ra phái mạnh mới là phái yếu: Người đàn ông lý tưởng trong mắt chị em là những người đang chịu áp bức! - Ảnh 6.

Ba diễn giả sôi nổi tâm tình về những chuyện "đàn ông".

Thứ ba, chúng ta cần tôn trọng tuyệt đối quyền được lựa chọn của nhau.

Một trong những thứ quyền lực lớn nhất của con người là quyền được lựa chọn. Và cả 3 diễn giả cùng khẳng định: điều quan trọng để giữ gìn một mối quan hệ, bất kể là cha mẹ - con cái, hay vợ - chồng, là không lấy đi “quyền lựa chọn” của nhau.

Đàn ông không thể sống dưới áp lực “mình là con trai nên mình phải gánh vác gia đình”, mà nên nghĩ theo hướng “nếu mình có nhiều tiền, thì mình sẽ thực hiện được nhiều ước mơ khiến mình hạnh phúc”.

Song song với đó, người vợ vẫn có thể chịu trách nhiệm chu cấp cho gia đình, để chồng ở nhà chăm con, rửa bát, nấu ăn, đơn giản vì đó là điểm mạnh của cô ấy. Mọi thứ sẽ không có vấn đề gì nếu như chúng ta cùng mong muốn điều đó, tự nguyện và vui vẻ với lựa chọn của bản thân.

Khi nhận được câu hỏi của khán giả, rằng trong trường hợp Vũ Hải Linh gặp người bạn đời có thể vượt trội hơn anh về khả năng tài chính, thì anh có cảm thấy mình bị thua thiệt không, anh lập tức cười lớn: “Nếu vậy thì tốt quá! Mình thật mong gặp được một người như thế, và thực tế là mình đã gặp được người ấy rồi đây. Bạn ấy có khả năng kinh tế tốt hơn mình!”

Về thực chất, “bình đẳng giới”, “nữ quyền”, “nhân quyền” – những khái niệm mà xã hội đang bàn tới rất nhiều trong thời gian gần đây – tất cả đều là "bình đẳng cơ hội". Cơ hội ở đây nên được hiểu ở một phạm vi rộng: cơ hội phát triển, cơ hội được chia sẻ công việc gia đình, cơ hội được sống tự nguyện và tự do với những lựa chọn.

Đây cũng là cách nhìn nhận nhân văn và công bằng hơn cho nam giới, nó khiến cả phụ nữ lẫn đàn ông đều hạnh phúc hơn vì bản thân họ được phép sống thật với mình.

Bởi nếu từ khi sinh ra đàn ông không phải gánh trên vai ách nặng phải mạnh mẽ, thành đạt, và trở thành chỗ dựa cho chị em, thì phụ nữ cũng không cần phải uốn mình trở nên nhẫn nhục, yếu mềm, trở thành “sân sau” hay “cái đuôi” của người đàn ông nào hết.

Hãy để đàn ông kiên cường, giàu có, dám đương đầu vì bản thân họ muốn thế, không phải vì phụ nữ hay xã hội ép họ phải như thế. Đừng bao giờ quên rằng: giải thoát đàn ông khỏi mọi kiềm tỏa của định kiến xã hội cũng chính là đang giải thoát cho phụ nữ đó thôi.

Khi phụ nữ có được một cái nhìn khách quan và chính xác hơn về đàn ông, chúng ta cũng đang đặt những viên gạch đầu tiên để xây nên hạnh phúc cho bản thân mình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại