Những ai theo dõi Tam quốc diễn nghĩa đều biết Tư Mã Ý và Gia Cát Lượng là kẻ thù không đội trời chung, đều sở hữu trí tuệ và tài vận dụng chiến lược hơn người. Nếu không có Tư Mã Ý, cuộc Bắc phạt của Gia Cát Lượng đã thành công từ lâu. Gia Cát Lượng cuối cùng bị Tư Mã Ý “giày vò” đến chết ở Ngũ Trượng Nguyên (vùng đất thuộc tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc ngày nay).
Tuy nhiên, lịch sử thật khôi hài. Giữa cặp kẻ thù không đội trời chung này thực sự tồn tại một mối quan hệ, hai người này có thể xem là thông gia. Có thật là như vậy không?
Chúng ta đều biết rằng Gia Cát Lượng sinh ra trong gia tộc Gia Cát thị ở Lang Nha - một địa danh từ thời tiền Tần đến thời Đường, nằm ở Thanh Đảo và Lâm Nghi, tỉnh Sơn Đông. Gia tộc Gia Cát thị là gia đình rất nổi tiếng ở địa phương.
Nhân vật tiêu biểu trong số đó là ba anh em Gia Cát Lượng. Anh cả Gia Cát Cẩn làm quan ở Đông Ngô, sau được thăng quan đến chức đại tướng quân, anh thứ Gia Cát Lượng làm thừa tướng nước Thục, và em trai Gia Cát Đản làm quan nước Ngụy, sau này trở thành Chinh Đông đại tướng quân.
Vì Gia Cát Đản làm quan nước Ngụy nên ông cũng xem như là cộng sự với Tư Mã Ý. Tuy nhiên, sau đó Gia Cát Đản tạo phản và bị nhà Tư Mã giết chết. Song mối quan hệ giữa Gia Cát Đản và Tư Mã Ý đã tốt đẹp ngay từ đầu. Nguyên nhân chủ yếu là vì đôi bên đã kết thông gia.
Con gái lớn của Gia Cát Đản lấy con trai thứ năm của Tư Mã Ý là Tư Mã Trụ.
Tại sao lại là người con trai thứ năm của Tư Mã Ý? Lý do rất đơn giản. Vì Tư Mã Trụ được phong địa ở Lang Gia. Nhà Tây Tấn đã thực hiện chế độ phong vương phong hầu cho người có công và hoàng thân quốc thích. Là đại thần cốt cán của nhà Ngụy, con cháu của Tư Mã Ý được phong đất làm chư hầu ở nhiều nơi. Tư Mã Trụ từng giữ chức Tiết độ sứ Duyện Châu, sau được phong làm Lang Nha vương.
Gia Cát thị là một gia tộc nổi tiếng ở Lang Nha. Kết hôn với những gia tộc nổi tiếng để củng cố quyền thống trị là phương pháp phổ biến. Do đó, việc Tư Mã Trụ kết hôn với cháu gái Gia Cát Lượng là điều hợp lý. Đây chính là một cuộc hôn nhân chính trị điển hình, kết nối gia đình Tư Mã và Gia Cát lại với nhau.
Gia Cát Lượng có nằm mơ cũng không thể nghĩ đến việc em trai mình Gia Cát Đản trở thành thông gia với Tư Mã Ý. Tuy nhiên, điều mà Gia Cát Lượng không bao giờ ngờ tới chính là sự dung hợp giữa dòng máu Gia Cát thị và Tư Mã thị đã sinh ra một vương triều bất tài và vô lý nhất trong lịch sử Trung Quốc.
Sau khi Tư Mã Trụ và cháu gái của Gia Cát Lượng kết hôn, hai người có bốn con trai, con trai cả Tư Mã Cận kế thừa chức Lang Gia vương của Tư Mã Trụ. Con trai của Tư Mã Cận - Tư Mã Duệ, là người sáng lập ra triều đại Đông Tấn, Tấn Nguyên Đế. Dòng máu chung của Tư Mã thị và Gia Cát thị chảy trong cơ thể của Tư Mã Duệ.
Điều đáng thất vọng là hậu nhân tiêu biểu cho sự kết hợp mạnh mẽ giữa hai gia tộc đại tài mưu lược nổi tiếng nhất thời Tam quốc lại kém cỏi và vụng về đến không tưởng.
Tư Mã Duệ sáng lập ra triều đại Đông Tấn, kết thúc ở thời Tấn Cung Đế Tư Mã Đức Văn, trải qua 11 đời Hoàng đế. Thực tế, phạm vi cai trị của Đông Tấn chỉ còn lại vùng Giang Nam, tình hình xã hội cơ bản là ổn định, kinh tế và văn hoá được phát triển.
Do nhà Đông Tấn cai trị ở phương nam nên các danh sĩ ở Giang Nam và Trung Nguyên có nhiều cơ hội để giao lưu hơn, thúc đẩy sự phát triển của văn hoá, xã hội. Trình độ thủ công nghiệp của Đông Tấn đã phát triển cao hơn Tây Tấn.
Song chẳng mấy ai biết được những thành tựu này hầu hết đều do quyền thần làm nên. Tư Mã Duệ là Hoàng đế nhu nhược yếu đuối, không thể chống lại quyền thần, và cuối cùng bị chính quyền thần phục tùng dưới chân mình giết chết. Thế hệ sau của Tư Mã Duệ cũng bất lực như vậy. Kết quả là chính quyền nhà Đông Tấn lần lượt bị các đại thần quyền lực kiểm soát hoàn toàn.
Trong giai đoạn này, Hoàng đế hoàn toàn trở thành “khách qua đường, bù nhìn” không hơn không kém. Triều đại Đông Tấn trở thành triều đại yếu kém và ngớ ngẩn nhất lịch sử Trung Quốc.
Nguồn: 163