"Người thành công nói gì chả đúng", hay "Hoa hậu khởi nghiệp đương nhiên có lợi thế hơn" là những gì Hoa hậu Việt Nam 2010 Đặng Thị Ngọc Hân được nghe thường xuyên.
Chia sẻ tại sự kiện "Khơi nguồn sáng tạo: Kết hợp Nghệ thuật - Công nghệ - Giáo dục" trong khuôn khổ chuỗi sự kiện TechFest mới đây, Ngọc Hân nhận định: "Nói đi cũng phải nói lại, nếu bạn ở trên vị thế có quá nhiều thuận lợi, sẽ có một cản trở: ‘Tại sao mình phải làm? Mình có rất nhiều cách kiếm tiền đơn giản hơn, sao phải lọ mọ thế?’"
Ngọc Hân từng trải lòng, việc cặm cụi khởi nghiệp, kinh doanh chỉ kiếm vài trăm đến vài triệu, rất nhỏ so với cát-xê tham dự sự kiện lên tới hàng ngàn USD. Có ngày, buổi sáng Hân vừa ăn mặc đẹp để đi dự sự kiện, đến những nơi rất sang trọng, gặp gỡ những người rất lịch thiệp, được nhận cát-xê rất cao, nhưng khi tới buổi chiều, cô lại trở lại vai trò là một người kinh doanh, một nhà thiết kế phải đi chợ tìm mua vải vóc.
Đối mặt với loạt chê bai: Thuê mặt bằng mà đường một chiều, phố thì nhà quê, lại còn ‘thâm niên’ 10 năm bán quan tài!
Cửa hàng Adam Store đầu tiên trên đường Hồ Văn Huê của chị em Ngọc Hân. Ảnh: GuideBold.
Chia sẻ những khó khăn trong khởi nghiệp, Hân kể: Năm 2015, thương hiệu vest Adam Store mới chỉ phát triển ở miền Bắc, từ Vinh đổ ra Hà Nội. Ngọc Hân và 2 người em khác muốn đăng ký mở Adam Store ở TPHCM.
Phía thương hiệu tỏ ra khá lo lắng. Bởi khi giao thị trường TPHCM cho chị em Hân, nếu như thành công rực rỡ thì rõ ràng đó là nền tảng rất tốt để mở rộng phát triển ở các tỉnh thành miền Nam, nhưng nếu không thành công cũng chính là yếu tố bất lợi nếu muốn mở rộng về sau.
"Bên cạnh đó, rất nhiều anh chị em trong giới nói Hân: ‘Ôi, không nên mở cửa hàng vest như thế trong miền Nam. Miền Nam nóng nực, người miền Nam có xu hướng ăn mặc thoải mái chứ không đóng bộ, mặc vest, đến chú rể cưới thì vest cũng đi thuê.
Họ không coi trọng chuyện ăn mặc cầu kỳ như người Bắc’. Rồi là ‘Em tôi làm vest trong miền Nam cũng không thành công’", Hoa hậu Ngọc Hân kể lại.
Người ta nói 'Ô, đường thì một chiều, phố thì nhà quê, nhà thì bóp hậu, lại còn có tiền sử 10 năm bán quan tài'...
Ngay cả khi vượt qua tất cả cản trở ấy, thì cô lại vướng đến bước tiếp theo - lựa chọn mặt bằng. Lựa chọn phố Hồ Văn Huê - một con phố một chiều nằm ở Quận Phú Nhuận. Với mức thuê mặt bằng không quá đắt đỏ với 20 triệu đồng/tháng ở thời điểm đó, Hân tính đây là bước test thị tường. Cô lại tiếp tục nhận được phản ứng trái chiều của anh chị em trong nghề, thậm chí cả từ người thân.
"Họ nói ‘Ôi, đường thì một chiều, phố thì nhà quê, người ta đi qua khó quay lại, khó đỗ xe. Nhà thì bóp hậu’. Người thân của tôi còn phát hiện ra cửa hàng định thuê đã bán quan tài 10 năm qua... Rất nhiều yếu tố liên quan đến quan niệm ‘nặng vía’ trong kinh doanh. Đầu tôi thêm cơ số tóc bạc và cứ loay hoay chuyện làm hay không làm. Cuối cùng, quyết định vẫn làm", Hân kể.
Chuyện khởi nghiệp khó có thể nói hay. Sau 20 ngày kinh doanh, chị em Hân thu về doanh thu khủng. Sau 3 tháng mở cửa hàng đầu tiên, Hân mạnh dạn mở thêm cửa hàng, thuê mặt bằng 60 triệu đồng/tháng trên đường 3/2 (Quận 10), đắt gấp 3 mặt bằng trước đó, để mở hoành tráng hơn.
Đến nay, TPHCM đã có 5 cửa hàng Adam Store. Và cửa hàng trên đường Hồ Văn Huê và cửa hàng tại 3/2 là 2 cửa hàng thành công nhất. Tính trên địa bàn cả nước, thương hiệu này hiện có 71 cửa hàng.
Đừng tư duy kiểu "Nếu thất bại thì sao?"
Lắng nghe chia sẻ của nhiều diễn giả, một số bạn trẻ cho rằng "Khi thành công nói gì cũng đúng", và "có những lúc dám làm thì thành công, nhưng nếu thất bại thì sao?".
Giải đáp thắc mắc này, ông Đỗ Mạnh Hùng, Chủ tịch NovaEdu, Trưởng Làng Sinh viên và Tuổi trẻ khởi nghiệp (STK) - đơn vị tổ chức sự kiện, cho rằng có 2 rào cản rất quan trọng khi chúng ta muốn phá vỡ giới hạn. Một là rào cản của chính bản thân mình. Hai là rào cản từ phía bên ngoài, gia đình, bạn bè, anh chị em...
Ngọc Hân bày tỏ đồng cảm với lối tư duy "Người thành công nói gì chả đúng", nhưng cô cho rằng, chắc chắn những người ngồi đây hôm nay ít nhiều đã nếm trải thất bại. Nhưng nếu không dám trải nghiệm, thử thách, thất bại thì không bao giờ có thể thành công được.
Hân có thể nói thành công với Adam Store, nhưng vô số khởi nghiệp khác lại không thành công như mở quán ăn, mở thương hiệu váy nữ...
"Không phải công ty nào cũng thành công, nhưng mình thấy không sao cả. Bởi nếu không dám bắt đầu, chẳng bao giờ có thành công. Thất bại chỗ này thì lấy đó làm kinh nghiệm để thành công chỗ khác".
"Mỗi khi khám phá một con đường mới, bao giờ cũng có rất nhiều người cản. Bởi nếu mình đi một con đường đã quá ‘ngon lành’, ai cũng thành công thì nói làm gì? Nhưng nếu muốn có sự khác biệt, đột phá, chắc chắn phải đi con đường ít ai dám thử. Đương nhiên rủi ro 50-50, thậm chí 90-10, 90% thua mà vẫn dấn thân", Hân nói.