Trên mạng hôm nay có 2 vụ nhỏ thôi nhưng cũng khá ồn ào và được dẫn link nhiều. Đấy là vụ "Thanh lý 264 xe công thu về 390triệu" và vụ "Hoa khôi Điếc Việt Nam tham gia cuộc thi Hoa hậu Điếc Quốc tế 2016".
Và như thường lệ, cư dân mạng lại rần rần lên ném đá không tiếc lời…
Theo Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính), từ ngày 1/1-17/6/2016, các bộ ngành, cơ quan trung ương đã thực hiện thanh lý 264 xe ô tô công (tổng nguyên giá 79,68 tỷ đồng), với giá trị còn lại 390 triệu đồng.
Rất nhiều người đã hiểu sai về giá trị còn lại và nghĩ rằng đó là giá trị bán thanh lý 264 chiếc xe này.
Họ còn nhẩm tính ra trị giá trung bình mỗi xe chỉ hơn 1,4 triệu (?!). Con số vô lý đến thế nhưng rất nhiều người vội vã chia sẻ, bình luận cho rằng có sự khuất tất nào đấy trong khâu thanh lý tài sản công. Lỗi ban đầu có lẽ do một số tờ báo mạng đã dung cụm từ "thu về 390 triệu".
Hình minh họa: Thời báo Tài chính Việt Nam
Thực ra giá trị còn lại là giá trị tài sản sau khi đã được khấu hao qua nhiều năm, nhiều tài sản lớn như nhà xưởng, ô tô… được tính khấu hao trong thời gian dài, đến cuối kỳ thì hầu như đã khấu hao hết vào chi phí sản xuất rồi.
Thế nên giá trị còn lại thường rất nhỏ hay bằng 0 là chuyện bình thường. Trong trả lời mới đây của Bộ Tài chính cũng làm rõ điểm này cũng như thông báo về cách thức bán thanh lý những chiếc ô tô này.
Đó là các cơ quan đơn vị sẽ lập hội đồng tổ chức bán đấu giá chúng. Tất nhiên, con số thu được chẳng liên quan đến con số 390 triệu kia.
Câu chuyện "Hoa hậu Điếc" còn khôi hài hơn. Rất nhiều bạn "ném đá" phóng viên viết bài và ban tổ chức bằng những lời lẽ không thương tiếc nhân danh lòng nhân ái với người khuyết tật.
Văn hoá, tư cách của phóng viên, của ban tổ chức được đưa lên cân đong đo đếm, bình phẩm đầy mỉa mai.
Nhưng thực ra, nếu chịu khó tìm hiểu thì Điếc và Khiếm thính có nhiều điểm khác nhau. Dễ nhận biết nhất là người điếc hoàn toàn không nghe được và do vậy họ cũng không nói được.
Người khiếm thính/ nghe kém thì bị hạn chế nghe, họ vẫn có thể nói được một ít hay nếu được lắp thiết bị trợ thính thì thính lực của họ cải thiện được. Người điếc thì không.
Trên thế giới, nhất là ở các nước phát triển, hai thuật ngữ trên được phân biệt rất rõ ràng qua các tên gọi như World Federation of the Deaf -Liên Đoàn Người Điếc Thế Giới và Liên Đoàn Khiếm thính Quốc tế -International Federation of Hard of Hearing People hay Liên Đoàn Khiếm thính Trẻ Quốc tế (IHOHYP).
Mới đây, trả lời trên báo, Á hậu Điếc Thế giới 2015 Thuý Đoan tâm sự:
"Nhiều người thường gọi tôi là Á hậu Khiếm thính và điều ấy khiến tôi không hài lòng. Người Khiếm thính là người vẫn có thể nghe, nói được phần nào nhưng tôi là một người Điếc. Từ nhỏ tôi đã không biết đến âm thanh".
Á hậu Điếc Thế giới 2015 Thuý Đoan
Không hiểu những người có lòng nhân ái quá vội vã kia đọc được những dòng trên họ nghĩ gì? Và không biết ai mới là những người có sẵn định kiến trong đầu về người khuyết tật?!
Tôi biết rất nhiều người bình thường vốn cực kỳ thận trọng và hay nghi ngờ.
Ví dụ như đi đường khi có ai đi cạnh hỏi đường thôi là cũng có khi không dám trả lời vì sợ cướp, sợ bị thôi miên… ấy thế mà lên mạng đọc được thông tin gì là chưa cần suy xét hay kiểm chứng là lập tức chia sẻ, bình luận, bức xúc ngay được.
Rất nhiều cuộc "ném đá" vô lý trên mạng đã được khởi phát đi như thế. Tất nhiên đúng sai đều được giải đáp sau đó nhưng dư luận lại bị những phen ồn ào không đáng có chỉ vì những sự vội vã của những cú click chuột nhanh hơn ý nghĩ.
Và đâu đó, không phải "nạn nhân" nào của các cuộc ném đá ấy cũng có cơ hội được giải thích, được hiểu cho đúng.
Nhu cầu lên tiếng của mỗi cá nhân, nhu cầu chia sẻ thông tin trong thời buổi hiện nay là cực kỳ quan trọng với mỗi chúng ta.
Tuy thế, hãy cẩn trọng một chút, đọc kỹ và nghĩ kỹ một chút trước khi chia sẻ vì biết đâu trong một phút vội vã chúng ta có thể mắc sai lầm mà nó có khi lại ảnh hưởng đến người khác.
Hãy share có ý thức và đừng vội "ném đá" quá nhanh!