Cùng với đó, hình ảnh diện hàng hiệu từ đầu tới chân trong các sự kiện cũng khiến nhiều người tò mò.
Hoàng Dung là một dân chơi "khét tiếng" về hàng hiệu ở Việt Nam. Căn phòng chứa đồ của Hoa hậu có hàng nghìn món đồ hiệu, áo, váy… Hoa hậu áo dài còn sở hữu những chiếc áo lông thú tiền tỉ, đắt đỏ nhất nhì thế giới.
Con đường trở thành "dân chơi hàng hiệu khét tiếng" của chị bắt đầu thế nào?
Tôi không thích từ "dân chơi hàng hiệu khét tiếng", nghe nó to tát quá. Dùng đồ hiệu chẳng qua cũng chỉ là 1 thói quen thôi chứ cũng không có gì ghê gớm. Lâu lắm rồi, chắc mười mấy năm về trước, tôi bắt đầu sưu tập đồ hiệu.
Thời gian đầu, tôi dành sự quan tâm tới những chiếc túi hiệu. Nhưng sau này, tôi chuyển sang đam mê quần áo và đồ lông thú.
Ở Việt Nam, có nhiều người biết về giá trị của những chiếc túi, những đôi giày hàng hiệu, nhưng kiến thức về quần áo hàng hiệu thì thực sự không nhiều người biết.
Có thể do mọi người không quan tâm lắm tới mảng này, vì nó thực sự tốn kém. Nói ví dụ, mua 1 chiếc túi Chanel 5000 USD bạn có thể dùng hàng ngày, dùng quanh năm, nhưng cũng với 1 chiếc áo Chanel 10000 USD bạn không thể ngày nào cũng mặc. Thậm chí với tôi thì đôi khi chỉ mặc 1 lần, nếu là đồ đi event.
Đối với những khách hàng thường xuyên mua quần áo ở các hãng lớn cũng nhận được sự đối xử hơi khác 1 chút. Nếu bạn là khác địa phương, bạn sẽ được mua sắm, thử đồ private, nghĩa là buổi mua sắm đó chỉ có 1 mình bạn và được đón tiếp trọng thị.
Hoặc nhân viên cửa hàng có thể gửi đồ đến tận nhà cho bạn thử, bạn không cần phải đến tiệm. Còn khi bạn là khách nước ngoài, nếu có phải xếp hàng, thì khi bạn nói bạn mua quần áo, họ sẽ mời bạn vào luôn, nếu mua phụ kiện, thì lại tiếp tục xếp hàng tiếp. Đó chính là sự khác biệt!
Theo chị, có những sự phân biệt đẳng cấp nào trong giới chơi đồ hiệu?
Tôi nghĩ có 2 xu hướng chơi đồ hiệu ở Việt Nam: Nhóm thứ nhất, dùng hàng hiệu để "show off", cho mọi người thấy rằng tôi có thứ này, thứ kia đắt và nhóm thứ hai là những người chơi vì bản thân, chơi để thỏa mãn thú vui chính mình.
Cá nhân tôi thuộc nhóm người chơi hàng hiệu thứ 2, nghĩa là những người chơi hàng hiệu để cho mình, để bản thân mình cảm thấy thích thú và sung sướng với những món đồ của mình thay vì để người khác biết rằng tôi có tiền để chơi đồ hiệu.
Nhiều người sẽ thấy rằng việc mua 1 bộ quần áo mấy trăm triệu hoặc 1 chiếc áo lông thú hàng tỷ đồng thật sự rất phí tiền vì tần suất sử dụng không cao và ít người biết tới. Và họ sẽ thích mua túi, mua giày hàng hiệu để dùng, vì nó sẽ dễ để "khoe" rằng chiếc túi này mấy trăm triệu, đôi giày kia bao nhiêu tiền.
Tôi khá là thực tế, quần áo có thể làm cho tôi đẹp lên, nhưng túi xách thì không hẳn. Do đó, trong ngân sách dành cho thời trang, tôi dành cho quần áo phần nhiều hơn cả. Các phụ kiện chỉ chiếm 1 tỉ lệ nhỏ.
1 vài người trong showbiz nghĩ rằng, đã chơi hàng hiệu thì cần khoe ra cho công chúng thấy, qua đó thể hiện sự giàu có, đẳng cấp?
Không phải, việc khoe hay không khoe chỉ là thói quen và sở thích của mỗi người chứ không thể hiện đẳng cấp.
Đẳng cấp thực sự của 1 người chơi hàng hiệu nằm ở chỗ họ có đủ khả năng chi trả cho hóa đơn của mình hay không và có đủ kiến thức về món đồ hiệu mà mình sở hữu hay không.
Điểm khác biệt lớn nhất trong đẳng cấp của người chơi đồ hiệu chính là hiểu biết của họ về các nhãn hàng, các thương hiệu và về từng món đồ của hãng đó.
Chị nghĩ gì với những ngôi sao giải trí có tiếng chịu chơi hàng hiệu ở VN như Hà Hồ, Ngọc Trinh?
Các bạn ấy đều là những người rất đẹp, nên mặc, dùng đồ hiệu sẽ dễ đẹp hơn.
Trong showbiz, chị "phục" người chơi hàng hiệu nào nhất?
Tôi thích cách ăn mặc của Hồ Ngọc Hà trong khoảng 2 năm trở lại đây. Cô ấy dùng đồ hiệu và biết cách làm cho nó trở nên đẹp và hợp với cô ấy chứ không chỉ đơn giản là show off giá trị món đồ.
Chị tự tin vào hiểu biết của mình về đồ hiệu?
Tôi hoàn toàn tự tin vào kiến thức của mình về đồ hiệu.
Thực ra, khi quyết định mua món đồ hiệu nào đó, tôi luôn nghiên cứu rất kỹ về thương hiệu đó, vì sao nó đắt, vì sao người ta yêu thích nó, ai là giám đốc sáng tạo, tinh thần của nhãn hiệu là gì… chứ không chỉ đơn giản là ném ra 1 khoản tiền để sở hữu mà không hiểu gì về nó.
Ví dụ, vì tình yêu với nhãn hiệu Dior dưới thời giám đốc sáng tạo Raf Simons, tôi đã chi 1 khoản tiền lớn để sở hữu rất nhiều váy áo của Dior trong thời điểm đó. Đến nỗi giờ đây khi Raf Simons đã rời khỏi nhà Dior, thì có rất nhiều váy áo dưới thời của ông tôi mua mà vẫn chưa cắt tag, chưa mặc tới.
Hoặc đối với đồ lông thú (Fur), trước khi bỏ tiền tỷ ra sở hữu những chiếc áo Lynx fur, Mink fur hay Chinchilla fur, tôi bỏ thời gian và công sức ra nghiên cứu về từng loại fur, từng nhãn hiệu, cách người ta gia công nó, cách bảo quản và chăm sóc nó.
Tôi phát hiện ra sự cầu kỳ trong việc bảo quản đồ lông thú như việc đảm bảo độ ẩm và nhiệt độ thích hợp ảnh hưởng tới tuổi thọ của đồ fur như thế nào. Điều đó rất thú vị, nó khiến cho việc mình sở hữu 1 món đồ không đơn thuần chỉ là mua-bán mà mình có sự đam mê và kiến thức trong đó.
Và càng tìm hiểu, tôi càng biết rằng chiếc áo đó thực sự đáng giá và nó thôi thúc tôi phải sở hữu cho bằng được.
Việc dùng đồ hiệu phần nào giúp tôi có thêm kiến thức và hiểu biết về thế giới xung quanh. Tôi không phải kiểu người mù quáng chạy theo đồ hiệu chỉ để làm sang cho người khác thấy.
Chị có sở thích đặc biệt với đồ lông thú, nhưng mùa đông ở Việt Nam rất ngắn và nhiệt độ cũng không đủ thấp để chị diện những món xa xỉ này?
Thực tế, cái cảm giác săn tìm rồi sau đó được sở hữu món đồ mà mình yêu thích mới là cảm giác khiến tôi thích thú nhất. Còn khi đã có nó rồi, việc sở hữu nó lại khá bình thường.
Hơn nữa, tôi thường xuyên phải đi công tác ở những vùng có khí hậu lạnh, áo lông đối với tôi là món đồ cần thiết để đảm bảo sức khoẻ.
Tiền ở đâu để chị "vùi mình" vào thú vui xa xỉ này?
Tôi là người kinh doanh lâu năm, bản thân tôi đủ khả năng để chi trả cho những hóa đơn của mình. Không chỉ đang điều hành 2 công ty 1 ở VN và 1 ở Hàn Quốc trong lĩnh vực làm đẹp, tôi còn đầu tư một số lĩnh vực khác nữa, nhưng tôi không có ý định chia sẻ nhiều về công việc của mình trong bài viết này.
Vấn đề sử dụng lông thú và đồ da khá nhạy cảm. Chị có từng bị đặt câu hỏi về vấn đề sử dụng đồ làm từ da và lông thú không?
Cũng có một vài lần tôi gặp phải những câu hỏi, những bài báo về vấn đề này. Nhưng tôi đồng quan điểm với Karl Lagerfeld – giám đốc sáng tạo của Chanel.
Ông Karl nói rằng "trong một thế giới mà người ta vẫn còn ăn thịt, vẫn dùng thắt lưng da và đi giày da thì việc tranh cãi về đồ lông thú thực sự là ấu trĩ".
Việc lấy lông của 1 con thú có khác gì việc các bạn ăn thịt, dùng đồ làm từ da của một con thú, tại sao lại lên tiếng chỉ trích những người dùng đồ lông thú?
Trên thế giới, giới nhà giàu và các ngôi sao vẫn sử dụng đồ lông thú, và PETA thì vẫn dàn dựng các video clip tuyên truyền để chống lại vấn đề này. 2 xu hướng này vẫn cứ tồn tại song song và cuộc chiến giữa họ chưa bao giờ kết thúc. Tất cả nằm ở quan điểm mà thôi.
Thực ra thì các nhãn hàng cũng đang tiến tới xu hướng sử dụng da và lông thú nuôi ở trong các trang trại thay vì khai thác thú hoang dã từ rất lâu rồi, chứ không như những gì người ta tuyên truyền.
Chị có tới hàng nghìn món hàng hiệu trong phòng chưa đồ, vậy chị có nguyên tắc cụ thể nào cho việc ăn mặc?
Tôi chọn đồ để mặc trước hết là theo phong cách của bản thân. Tôi thích sự gợi cảm nhưng phải lịch sự, thích sự nữ tính nhưng không quá "sến". Và tôi mua đồ hiệu cũng theo nguyên tắc đó.
Có những bộ đồ tôi rất thích và có thể mặc vài lần. Nhưng có những món đồ tôi chỉ mặc 1 lần duy nhất thôi, đó là những bộ đồ tôi mặc đi sự kiện.
Chị nói chị không phải người chơi đồ hiệu vì muốn show off, tại sao chị lại đồng ý chia sẻ về tủ đồ của mình với truyền thông?
Tôi đồng ý chia sẻ vì tôi muốn mọi người có cái nhìn rõ ràng hơn về những quan điểm chơi đồ hiệu khác nhau và về quan điểm của chính bản thân tôi đối với vấn đề này. Tôi cũng muốn có thêm nhiều người trong cộng đồng chơi đồ hiệu đầu tư không chỉ tiền bạc mà còn kiến thức về các thương hiệu. Tôi nghĩ, mọi thương hiệu đều mong muốn khi có những khách hàng như vậy.