Hóa giải nỗi sợ sai: Cán bộ tốt không đơn độc

Huy Thịnh |

Những cán bộ có phẩm chất đạo đức tốt, “dám nghĩ, dám làm và biết làm” vì lợi ích chung, không có động cơ vụ lợi cá nhân sẽ không hề đơn độc nếu không may bị xem xét và xử lý trách nhiệm. Nguyên Chủ tịch UBND quận 12 Lê Hoài Trung và vụ án Đài phát sóng - Phát thanh Quán Tre (Đài Quán Tre) là một ví dụ.

Bị khởi tố về tội “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, sau hơn 2 năm mang thân phận bị can, ông Trung được tập thể lãnh đạo TPHCM và cả Bộ Tài nguyên Môi trường bảo vệ, cuối cùng được minh oan và đề bạt giữ vị trí cao hơn.

Hóa giải nỗi sợ sai: Cán bộ tốt không đơn độc - Ảnh 1.

Đường Xuyên Á sau khi được mở rộng

Tai bay, vạ gió

Cuối tháng 4/2006, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tống đạt các quyết định khởi tố bị can (cho tại ngoại) đối với Chủ tịch UBND Quận 12 Lê Hoài Trung và một Phó Chủ nhiệm điều hành dự án đường Xuyên Á thuộc Ban Quản lý dự án (QLDA) Mỹ Thuận (Bộ GTVT). Liên quan đến vụ án này, trước đó, Bộ Công an cũng đã khởi tố 6 bị can khác là cán bộ thuộc Ban Thẩm định đền bù thiệt hại quận 12, Ủy ban MTTQ quận 12, Ban QLDA Mỹ Thuận, Đài Quán Tre…

Thời điểm ấy, cơ quan điều tra xác định: Dù không tư túi một đồng nào nhưng ông Lê Hoài Trung đã “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” trong việc đền bù, giải tỏa 15 hộ dân trong khu vực Đài Quán Tre gây thất thoát hơn 7,2 tỷ đồng. Cụ thể: Ngày 4/1/2002, UBND TPHCM có Quyết định số 40/QĐ-UB về việc thu hồi hơn 2,2 triệu m2 đất tại các quận 9, 12, Thủ Đức, Hóc Môn, Củ Chi để giao cho Ban QLDA Mỹ Thuận xây dựng đường Xuyên Á và các hạng mục công trình bổ sung thuộc địa bàn TPHCM, trong đó có hơn 3.500m2 của 15 hộ dân Đài Quán Tre.

photo-1

Ông Lê Hoài Trung, nguyên Chủ tịch UBND quận 12, nguyên Phó giám đốc thường trực Sở Nội vụ TPHCM

"Lúc tôi bị đình chỉ công tác, anh Võ Văn Thưởng đang giữ trọng trách Bí thư Quận ủy (hiện nay ông Võ Văn Thưởng là Chủ tịch nước). Hôm tôi chuẩn bị ra Hà Nội học, anh trực tiếp gặp tôi, động viên: Anh Hai cứ yên tâm đi học. Mọi chuyện ở nhà tụi em sẽ cùng lãnh đạo thành phố xử lý".

Ông Trung xúc động nhớ lại

Theo cơ quan điều tra, phần diện tích đất này đã bị lãnh đạo Đài cấp trái pháp luật cho người thân và nhiều hộ dân trong và ngoài Đài. Khi những sai phạm ở Đài Quán Tre chưa được giải quyết rốt ráo thì dự án đường Xuyên Á được triển khai. Trong những cuộc họp giải quyết những vấn đề liên quan đến dự án đường Xuyên Á, lãnh đạo quận 12 luôn bị thúc ép đẩy nhanh tiến độ đền bù, giải tỏa, khẩn trương giao mặt bằng cho Ban QLDA Mỹ Thuận. Trước tình thế đó, Chủ tịch UBND quận 12 Lê Hoài Trung ký quyết định thành lập Hội đồng đền bù thiệt hại, giải phóng mặt bằng và tái định cư dự án nút giao thông Quang Trung do ông Trung làm Chủ tịch.

Ngày 10/12/2002, Hội đồng đền bù quận 12 do ông Lê Hoài Trung chủ trì đã quyết định áp giá đền bù thiệt hại cho 15 hộ dân Đài Quán Tre với đơn giá đền bù là 3 triệu đồng/m2 với phần diện tích đất nằm trong hạn mức 200m2 và 1,8 triệu đồng đối với diện tích đất nằm ngoài hạn mức 200m2. Theo cơ quan điều tra, diện tích đất của 15 hộ dân Đài Quán Tre không đủ điều kiện đền bù thiệt hại về đất ở do thuộc đất chuyên dùng. Cơ quan điều tra yêu cầu thu hồi và nộp lại số tiền đã chi trả cho người dân và sau đó đã có một số hộ dân nộp lại với tổng số tiền hơn 1,6 tỷ đồng.

Lời hứa với Thủ tướng

Giữa tháng 4/2023, trong căn nhà nhỏ ở ngoại ô TPHCM, nguyên Chủ tịch UBND quận 12 Lê Hoài Trung xúc động nhớ lại những ngày mang thân phận bị can.

Ông Lê Hoài Trung nói rằng, động thái quyết liệt trong đền bù giải phóng mặt bằng ngày đó còn có một nguyên do: Thể diện quốc gia và lời hứa với Thủ tướng Phan Văn Khải. Ông kể: Năm 2001, tôi giữ chức vụ Chủ tịch UBND quận 12. Về nhận công tác được vài hôm thì chú Sáu Khải về quận 12 tiếp xúc cử tri. Chú Sáu gọi tôi đến gặp riêng, căn dặn: “Hai Trung ráng lo dự án đường Xuyên Á giúp chú. Mình làm chậm, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) họ kêu quá. Ba lần chú nói họ thông cảm rồi, bây giờ khó mở lời lắm…”.

Hiểu được nỗi trăn trở của Thủ tướng, ông Lê Hoài Trung đã trực tiếp xuống thị sát dự án và ghi nhận nhà đất của nhiều hộ dân đã giải tỏa, bàn giao cho chủ đầu tư nhưng đất quân đội trong phạm vi dự án thì chưa có đơn vị nào chịu bàn giao. Mà, việc thu hồi đất quân đội không hề đơn giản đối với chính quyền cấp quận. Sau nhiều đêm trằn trọc, ông Trung quyết định nhờ Bộ Tư lệnh Quân khu 7 giúp đỡ.

Lấy cớ ra mắt lãnh đạo Quân khu 7 khi về nhậm chức, ông Trung tổ chức một bữa liên hoan và mời Trung tướng Nguyễn Văn Chia, Tư lệnh Quân khu 7 cùng nhiều lãnh đạo Quân khu đến dự. Trong bữa tiệc, ông Trung đã thuật lại lời của Thủ tướng Phan Văn Khải đã trao đổi với ông. Ông Trung nhớ lại: “Nghe tôi kể, anh Ba Chia và anh lãnh đạo Quân khu 7 rất xúc động. Các anh hứa sẽ hỗ trợ hết mình cho địa phương. Ngay hôm sau, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 ra thông báo, yêu cầu các đơn vị giao đất cho địa phương. Đơn vị nào chậm trễ, lãnh đạo đơn vị đó sẽ bị kỷ luật”.

Nhờ sự hỗ trợ của lãnh đạo Quân khu 7, việc thi công tuyến đường Xuyên Á nối TPHCM với tỉnh Tây Ninh đã được khởi động lại sau khi quận 12 bàn giao mặt bằng.

Được bảo vệ

Quyết định khởi tố bị can đối với ông Lê Hoài Trung tuy được Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn nhưng tại thời điểm ấy có một số cơ quan không đồng tình.

Là người con của vùng đất “Mười tám thôn vườn trầu”, từng là Phó giám đốc Sở Tư pháp TPHCM, ông Trung rất hiểu về hoàn cảnh lịch sử, nguồn gốc đất của các hộ dân trong Đài Quán Tre cũng như các quy định của pháp luật về quản lý đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng.

Trong thời gian điều tra, không chỉ các bị can kêu oan, UBND TPHCM cũng có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ khẳng định quyết định của ông Lê Hoài Trung trong việc chi trả đền bù là phù hợp với chính sách đền bù giải phóng mặt bằng của thành phố. Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng có Văn bản số 694/BTNMT-ĐĐ gửi cơ quan điều tra khẳng định: Nhà đất 15 hộ dân trong khu vực Đài Quán Tre đủ điều kiện được đền bù. Việc Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng quận 12 xác nhận các hộ dân này đủ điều kiện đền bù là phù hợp với chính sách đền bù thiệt hại và tái định cư bắt buộc của ADB đã được quy định tại danh mục 6 của Hiệp định vay vốn 1660-VIE, phù hợp Nghị định số 17/2001/NĐ-CP về việc ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo cơ quan điều tra nghiên cứu, đánh giá cụ thể chứng cứ buộc tội, thống nhất ý kiến với Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao về quan điểm, đường lối xử lý vụ án, bảo đảm phù hợp với luật pháp Việt Nam và thông lệ quốc tế về sử dụng vốn ODA, không được để oan sai và kéo dài.

Tuy nhiên, quá trình đi tìm công lý không hề đơn giản. Một năm sau ngày bị khởi tố, không đủ cơ sở để buộc tội ông Trung, cơ quan tố tụng lại có quyết định thay đổi tội danh từ “Cố ý làm trái” chuyển sang tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Sau 3 lần gia hạn điều tra nhưng vẫn không kết thúc được vụ án, đầu tháng 5/2007, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã thay mặt Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an chỉ đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra nghiên cứu, đánh giá cụ thể chứng cứ buộc tội, cũng như mọi vấn đề liên quan đến vụ án.

Tháng 8/2008, tại Hà Nội, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã công bố quyết định đình chỉ vụ án, miễn truy cứu trách nhiệm hình sự, phục hồi mọi quyền lợi hợp pháp theo quy định của pháp luật đối với ông Lê Hoài Trung. Viện Kiểm sát cũng yêu cầu cơ quan điều tra trả lại số tiền các hộ dân đã nộp.

Ông Lê Hoài Trung xúc động kể, những ngày gặp hoạn nạn, tập thể lãnh đạo TPHCM và nhiều đồng chí lãnh đạo ở Trung ương luôn bên cạnh động viên và tìm mọi cách giải oan để bảo vệ ông. Ngày ông bị đình chỉ công tác để chờ xử lý, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM quyết định cử ông đi học lớp chuyên viên cao cấp ở Hà Nội. Đích thân Bí thư Thành ủy Nguyễn Minh Triết (sau này là Chủ tịch nước) đã giao nhiệm vụ cho một Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM trực tiếp cầm hồ sơ ra Hà Nội cung cấp cho lãnh đạo Bộ Công an để làm sáng tỏ bản chất vụ án.

Sau khi ông Lê Hoài Trung được minh oan, từ tháng 9/2009 đến tháng 11/2011, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao và cơ quan điều tra đã lần lượt có quyết định đình chỉ điều tra đối với 7 cán bộ còn lại. Ngày 24/4/2009, nguyên Chủ tịch UBND quận 12 Lê Hoài Trung được UBND TPHCM bổ nhiệm giữ chức Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM.

(Còn nữa)


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại