Nhìn trên bề mặt, thế giới của chúng ta trông thật quen thuộc, gần gũi, nhưng sự kỳ lạ luôn hiện diện quanh ta.
Bạn chỉ cần biết phải tìm kiếm chúng ở đâu. Ẩn sau những sự kỳ lạ đó (ví dụ như những điều không thể lý giải tại "tam giác quỷ" Bermuda) khoa học phải thốt lên kinh ngạc!
Trong khuôn khổ bài viết này, quay ngược thời gian vào năm 1980, chúng tôi sẽ đưa độc giả đến với những kỳ lạ của một hồ nước sâu vỏn vẹn 3,5 mét nhưng có thể "nuốt chửng" mọi tàu bè, cây cối, nhà cửa.
Đó chính là hồ Peigneur ở tiểu bang Louisiana, Mỹ.
Hồ Peigneur nuốt gọn nhiều nhà cửa, cây cối, tàu bè vùng xung quanh.
Hồ nước ngọt Peigneur nằm gần vịnh Mexico thuộc thành phố New Iberia, bang Louisiana. Hồ bao phủ một vùng diện tích rộng 5 km vuông.
Nếu đi qua hồ này, ít ai biết, ẩn dưới làn nước trong xanh, thanh bình kia từng là một "con quái vật" miệng rộng, "ăn" mọi thứ trong vòng xoáy dữ dội như hố đen trong vũ trụ của nó.
Tại sao thiên đường thành bình này lại biến thành hồ nước hủy diệt nhất nước Mỹ?
Chúng ta hãy cùng xem xét vấn đề.
Vào lúc 5h45 sáng ngày 20/10/1980, người dân sống quanh hồ Peigneur bị đánh thức bởi sự rung chuyển kỳ lạ trên mặt đất.
Sự rung chuyển này khiến cho các bức tường lung lay. Khi chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra, họ nhìn ra ngoài hồ và thấy giữa hồ đột ngột xuất hiện một xoáy nước khổng lồ đang cuốn và "nuốt chửng" tất cả tàu bè, xà lan và cây cối xung quanh.
Xoáy nước khổng lồ nuốt gọn tàu bè, cây cối...
Kinh khủng hơn, chỉ trong 1 giờ đồng hồ, kích thước của xoáy nước tăng lên gấp đôi, từ 213 đến 426 mét.
Dòng nước xoáy dữ dội dần nuốt những xà lan khổng lồ quanh đó. Các xà lan va vào nhau rồi chìm nghỉm một cách chết chóc vào "hố đen" trên hồ Peigneur trong tư thế thẳng đứng.
Trong 3 giờ tiếp theo, xoáy nước đã nuốt chửng 11 xà lan, mỗi chiếc dài 61 mét, gây ra sự sụt lún trên một vùng diện tích rộng 260 nghìn mét vuông, nhiều nhà cửa và cây xanh bị nuốt trôi.
Thảm họa hồ Peigneur: Lỗi tại tự nhiên hay con người?
Manh mối cho sự hủy diệt khủng khiếp của hồ Peigneur này lại nằm vùng đất sâu 400 mét dưới đáy hồ, nơi có một mỏ muối khổng lồ đang hoạt động.
Vào tháng 10 năm 1980, công nhân của Texaco đang tiến hành khoan thăm dò mỏ dầu bên dưới lớp bùn của hồ Peigneur. Đột nhiên, mũi khoan bị mắc kẹt ở độ sâu 374,9 mét.
Trong nỗ lực kéo mũi khoan lên, các công nhân bỗng nghe thấy các tiếng nổ lớn như tiếng súng nổ. Nhận thấy giàn khoan dầu của họ bỗng nhiên rung lên kỳ lạ, khoảng 50 công nhân đang làm việc ở độ sâu 45 mét bắt đầu di chuyển lên trên để vào bờ.
Ít phút sau, dưới sự chứng kiến của những người may mắn sống sót, giàn khoan của họ bị hố nước nuốt gọn.
Vị trí mỏ muối và giàn khoan dầu quá gần nhau đã gây nên sự cố khủng khiếp này.
Texaco đã cho điều tra và phát hiện thấy sai lầm trong lúc khoan đã dẫn đến hậu quả thảm khốc này. Mũi khoan của đội thăm dò đã khoan trúng vào một mỏ muối ẩn sâu dưới hồ Peigneur.
Mũi khoan vô tình làm đất sụt, nước hồ đã tháo nhanh xuống mỏ muối đến mức khiến cho cả giàn khoan dầu cao 46m, trị giá 5 triệu USD đã bị biến mất trong xoáy nước dữ dội.
16 tỷ mét nước chảy vào hầm mỏ nhanh hơn tốc độ không khí thoát ra. Áp lực khiến một vài mạch nước bắn ra cao 122m lên không trung và tiếng động có thể nghe thấy cách đó... 32 km!
Mũi khoan nhầm vào mỏ muối là nguyên nhân gây nên thảm họa năm 1980 tại Mỹ.
Tiếng động có thể nghe thấy cách đó... 32 km!
Nếu như, trước khi đặt giàn khoan, Texaco kiểm tra và đặt giàn khoan cách mỏ muối ít nhất 120 mét, thì đã không có sự cố thiệt hại về người và của này.
Quay lại câu chuyện về xoáy nước khổng lồ trên mặt hồ Peigneur. Các thợ mỏ dường như không nhận ra xoáy nước trên hồ Peigneur và tai nạn giàn khoan có liên quan đến nhau.
Theo nguyên lý vật lý, xoáy nước hình thành khi có một lỗ thủng bên dưới mặt nước. Khi nước chảy xuống lỗ thủng, nó bắt đầu xoay tròn và tạo ra vùng không gian giống như cái phễu.
Thí nghiệm cho thấy xoáy nước hình cái phễu khi có 1 lỗ thủng bên dưới.
Dàn khoan ở hồ đã tạo ra lỗ thủng khi nó vô tình khoan qua mái hầm mỏ muối, gây nên thảm họa tưởng chừng như của tự nhiên này.
Những lý giải cho sự kiện hồ hủy diệt của Mỹ
Câu hỏi đặt ra là xoáy nước hủy diệt này hình thành trong cái hồ chỉ sâu 3,5 mét như thế nào?
Vì, lỗ khoan thủng không quá lớn như thế (chỉ rộng 36 cm) tại sao có thể gây ra xoáy nước có lực hủy diệt khủng khiếp như thế?
Câu trả lời nằm ở chỗ: Mỏ muối.
Đối với những công nhân làm trong mỏ muối, nước chính là "tấm vé" của thần chết. Nước xâm nhập vào mỏ muối giống như một con dao nóng xiên qua bơ vậy.
Muối nhanh chóng hòa tan trong nước, điều này có nghĩa, lỗ thủng 36 cm nhanh chóng mở rộng ra thành "cái hang" 15 mét.
Vì lỗ thủng càng lớn thì xoáy nước trên hồ Peigneur càng to, và nó trở nên đủ mạnh để cuốn nước, tàu bè, cây cối, đất đai, nhà cửa vào "hố đen" hủy diệt của mình. Dàn khoan dầu cao 46 m cũng không thoát khỏi "lưỡi hái tử thần" của nó.
Thảm họa chưa dừng ở đó vì đột nhiên con kênh thường chảy từ hồ vào vịnh Mexico bỗng chảy ngược lại.
Nước biển chạy dọc con kênh dài 19 km và đổ vào hồ tạo ra thác nước cao 46 mét khi đổ xuống cái phễu khổng lồ.
Thác nước biển cao 46 mét đổ vào hồ. Ảnh cắt từ video của History.com.
Chỉ trong 48 giờ, hồ trở nên rộng hơn 28 hecta và sâu 305 mét. Nước ngọt bị hút xuống mỏ, trong khi nước biển từ vịnh Mexico chảy ngập hồ khiến hệ sinh thái của hồ thay đổi hoàn toàn.
Ngày nay, 36 năm sau ngày xảy ra tai nạn, hồ Peigneur đã trở thành hồ nước mặn. Quang cảnh quanh hồ cũng trở nên thanh bình giống như chưa hề có sự kiện hủy diệt cách đó gần 4 thập kỷ.
Người dân xung quanh vùng đối khi vẫn nhắc về câu chuyện về một "hố đen" bằng nước khổng lồ với con cháu và khách thập phương sau khi họ may mắn sống sót, không bị nước cuốn trôi.
Nguồn: Losapos, Wikipedia, Youtube