Phóng viên: Tôi nhận thấy ông đã gửi thông điệp tới các cầu thủ và giới truyền thông Việt Nam, rằng ông có đủ sự tự tin để thử sức mới World Cup 2026?
HLV Troussier: Nói rằng đó là thử thách hay giấc mơ đều được. Bóng đá Việt Nam lẽ ra phải có được giấc mơ như vậy. Dựa trên kinh nghiệm huấn luyện đội tuyển Việt Nam, tôi thấy các cầu thủ Việt Nam rất kỷ luật, tập trung, quyết tâm và cầu tiến. Điều này thực sự giống với các đội bóng Nhật Bản, Trung Quốc mà tôi từng huấn luyện trước đây. Hơn nữa, nếu muốn phát triển, bóng đá Việt Nam phải có ước mơ này. Đây không chỉ là giấc mơ của tôi, mà còn là của bóng đá Việt Nam.
Sở dĩ tôi ấp ủ ước mơ này, là bởi mong bóng đá Việt Nam và người hâm mộ Việt Nam nhận ra một điều, đó là bóng đá Việt Nam hiện nay đang phát triển tốt, nhưng chỉ là trong khu vực Đông Nam Á, dù vẫn còn rất nhiều tiềm năng. Đừng nghĩ rằng chỉ cần thắng Trung Quốc ở vòng loại là đã có thể nghĩ đến VCK World Cup. Tôi đặt ra mục tiêu này vì muốn giới chuyên môn và người hâm mộ bóng đá Việt Nam mở rộng tầm nhìn ra. Và quan trọng hơn, người hâm mộ nước nhà phải biết rằng bóng đá Việt Nam chẳng là gì ở châu Á cả, và không thể cứ mãi chỉ vô địch Đông Nam Á. Từ khi U23 Việt Nam đoạt chức Á quân châu Á, tôi đã cảm thấy bóng đá Việt Nam hoàn toàn có thể đại diện cho châu Á ở đấu trường World Cup.
Cũng giống như trận đấu với đội tuyển Trung Quốc vừa qua, dù thua nhưng mọi người không nên chỉ nhìn vào kết quả, mà còn phải nhìn vào lối chơi kiểm soát bóng, tỷ lệ kiểm soát bóng trên sân cùng số cơ hội mà đội tuyển Việt Nam tạo ra được, để thấy rằng chúng tôi hoàn toàn có cơ hội khi đối đầu với các đội bóng hàng đầu châu Á.
Tuy nhiên, kiểm soát bóng đòi hỏi quá trình rèn luyện và hi sinh rất nhiều của bản thân các cầu thủ. Tôi không "cầm tay chỉ việc" cho các học trò của mình, họ phải tự cảm nhận để trở nên tự tin hơn với lối chơi này. Khi không có được trạng thái hoàn hảo nhất mà các học trò của tôi thể hiện được thế này là ổn rồi. Thắng thua chưa phải là điều quan trọng lúc này. Sau khi thua, chúng ta nên nhìn vào những khía cạnh tích cực của các cầu thủ và tiếp tục nỗ lực.
Tôi sẽ không gây áp lực cho các cầu thủ của mình. Trước đó tôi đã nói rất rõ ràng với họ rằng chuyến đi Trung Quốc và Hàn Quốc này, kết quả không phải là điều quan trọng, mà là sự thể hiện trong các trận đấu. Trong trận đấu với Trung Quốc, hai bàn thua của chúng tôi đều đến từ lỗi cá nhân. Trong khi đó đội tuyển Việt Nam kiểm soát bóng 65%, và 83% số đường chuyền là tích cực, chuyền bóng tấn công chứ không phải chuyền ngang hay chuyền về. Hơn thế nữa, các học trò của tôi có đến hơn 9 pha dứt điểm trúng khung thành. Đây là số pha dứt điểm trúng khung thành nhiều nhất trong một trận đấu quốc tế hạng A kể từ khi tôi tiếp quản đội tuyển Việt Nam.
Mặc dù các cầu thủ của tôi chưa có được trạng thái tốt nhất, nhưng những thống kê là rất đáng khích lệ, điều này sẽ khiến các cầu thủ Việt Nam tự tin hơn.
Ba trận giao hữu lần này của chúng tôi đều diễn ra trên sân khách. Vấn đề với bóng đá Việt Nam là sự tương phản rất lớn giữa phong độ sân nhà và sân khách. Một mặt, chuyến du đấu ở Trung Quốc cho thấy các cầu thủ của tôi đang đi theo đúng lộ trình cải thiện và hoàn thiện. Mặt khác, tôi thực sự muốn đội tuyển Việt Nam được đối đầu với các đội bóng mạnh hơn mình. Qua những trận đấu này, họ có thể cảm nhận được đâu là đẳng cấp cao châu Á, và muốn đặt chân đến VCK World Cup thì phải vượt qua được những đối thủ này. Đội tuyển Việt Nam không có gì để mất cả. Về lý thuyết, Việt Nam thua là bình thường, nên tôi không nhất thiết phải gây áp lực cho các học trò làm gì.
Áp lực duy nhất mà tôi đưa ra cho các cầu thủ, chính là làm thế nào để quấy phá đối thủ càng nhiều càng tốt, và phải kiểm soát bóng tốt hơn. Chúng tôi không tiêu cực hay bảo thủ, cũng không e sợ đối thủ mạnh, mà đang hướng về những điều tích cực. Bóng đá Việt Nam cần phải nhận thức rõ ràng rằng muốn lọt vào được VCK World Cup, trước hết phải thoát khỏi "ao dù" Đông Nam Á. Đội tuyển Việt Nam phải chơi kiểm soát bóng, thay vì lúc nào cũng chăm chăm phòng thủ, để rồi rình rập phản công. Nếu muốn giành chiến thắng, phải kiểm soát bóng hiệu quả hơn và đưa ra những quyết định tích cực hơn, thay vì mãi sợ sệt.
Phóng viên: Tôi thấy ông đang thực hiện một "cuộc cách mạng", một sự "lật đổ" với bóng đá Việt Nam, đó là sự thay đổi cực lớn về triết lý bóng đá. Điều này cần rất nhiều thời gian, thậm chí là hai, ba thế hệ cầu thủ để hoàn thành, và thậm chí cần không chỉ đời HLV của ông để hoàn thành. Ông nghĩ sao?
HLV Troussier: Quả thực để đạt được điều này, sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn và thử thách. May mắn thay, cả Liên đoàn bóng đá lẫn các cầu thủ Việt Nam đều ủng hộ tôi. Đây chính là động lực để tôi quyết tâm theo đuổi nó. Mọi người chắc hẳn đều biết, tôi là người thích sự thử thách.
Thực ra tôi hoàn toàn có thể huấn luyện các cầu thủ Việt Nam theo cách khác. Ví dụ như thời gian tập trung đội tuyển hiện tại thường là 10 ngày. Tôi có thể đơn giản lựa chọn các cầu thủ tốt nhất mà chẳng cần phải đau đầu theo đuổi triết lý của mình, tiến hành huấn luyện đơn giản như kiểu họ từng được dạy. Sau đó thì đi thi đấu. Tôi chẳng cần phải thay đổi điều gì sất, cứ để họ chơi theo cách xưa nay. Nó sẽ dễ dàng hơn nhiều.
So sánh với những gì tôi đang làm, đây là hai cách làm hoàn toàn khác biệt. Những gì tôi đang làm với đội tuyển Việt Nam, hầu hết phải bắt đầu lại từ đầu, nên sẽ chẳng hề dễ dàng chút nào.
HLV Troussier: À nhân tiện, tôi hỏi cậu một câu nhé! Đội tuyển Trung Quốc từng tham gia World Cup 2002. Cậu nghĩ tại sao Trung Quốc lại có thể tham dự kỳ World Cup đó? Và vì sao từ đấy trở đi, đội tuyển Trung Quốc chưa từng trở lại nổi đấu trường này?
Phóng viên: Tôi nghĩ có nhiều nguyên nhân. Vòng loại World Cup năm đó, Hàn Quốc và Nhật Bản với tư cách chủ nhà không cần tham gia, trong khi đó kết quả bốc thăm của đội tuyển Trung Quốc khá tốt, không nằm cùng bảng với hai đối thủ mạnh nhất châu Á là Saudi Arabia và Iran. Thêm vào đó, chúng tôi có được HLV tài năng Milutinovic và một nhóm cầu thủ xuất sắc. Đặc biệt, khi đó có 6, 7 tuyển thủ Trung Quốc đang thi đấu ở châu Âu. Số lượng này thậm chí còn vượt qua cả Nhật Bản, Hàn Quốc.
HLV Troussier: Những gì cậu nói đều có lý. Nhưng tôi đồng ý hơn cả với lý do là đội tuyển Trung Quốc có nhiều cầu thủ đang chơi bóng ở châu Âu vào thời điểm đó. Khi tôi huấn luyện đội tuyển Nhật Bản, chỉ có duy nhất một cầu thủ chơi ở nước ngoài là Hidetoshi Nakata. Tuy nhiên, hãy nhìn xem đội tuyển Trung Quốc hiện tại có bao nhiêu cầu thủ đang thi đấu ở nước ngoài? Nhật Bản theo tôi được biết là hơn 200.
Đấy chính là lý do khiến Nhật Bản đánh bại được cả đội tuyển Đức lẫn Tây Ban Nha. Mới tháng trước, Nhật Bản thắng Đức đến 4-1 ngay trên sân khách - điều mà rất ít người tin có thể thành sự thật. Nhưng cũng từ đấy, tôi thấy được vấn đề lớn nhất khi nắm quyền ở đội tuyển Việt Nam lúc này.
Khi còn huấn luyện đội tuyển Nhật Bản, tôi đã nói với Liên đoàn bóng đá Nhật Bản rằng nên tạo điều kiện cho nhiều cầu thủ Nhật ra nước ngoài thi đấu hơn, và họ đã lắng nghe ý kiến này. Hai mươi năm đã trôi qua. Từ chỗ chỉ có 1 cầu thủ thi đấu ở nước ngoài, giờ đây đã có hơn 200, điều này giải thích cho sự tiến bộ của bóng đá Nhật Bản.
Hiện tại, khi tôi huấn luyện đội tuyển Việt Nam, tình hình lại rất giống Nhật Bản hơn hai chục năm về trước. Chẳng có ai thi đấu ở châu Âu cả. Nguyễn Quang Hải từng chơi cho đội bóng hạng Hai của Pháp, nhưng cũng về nước rồi.
Tương tự, để trả lời cho câu hỏi vì sao đội tuyển Trung Quốc không thể quay lại nổi với VCK World Cup. Cứ nhìn xem Trung Quốc có bao nhiêu cầu thủ thi đấu ở châu Âu là ra ngay câu trả lời. Tôi từng nghĩ rằng sau kỳ World Cup hơn 20 năm về trước, nhiều cầu thủ Trung Quốc sẽ xuất ngoại hơn, nhưng thật không may, trong những năm tôi huấn luyện các CLB Trung Quốc, có rất ít cầu thủ Trung Quốc xuất ngoại.
Dựa trên kinh nghiệm huấn luyện tại Trung Quốc, tôi thấy bóng đá Việt Nam và Trung Quốc có khá nhiều điểm tương đồng, chịu ảnh hưởng sâu sắc từ văn hóa truyền thống phương Đông. Là hai nước láng giềng gần nhau, cả hai nước đều có những quan niệm khá giống nhau về bóng đá, và đều không quá cởi mở. Sự "cởi mở" này không chỉ từ các HLV hay cầu thủ ngoại, mà còn là sự hiểu biết và ứng dụng bóng đá hiện đại, sự nhiệt tình và đam mê với bóng đá.
Tôi từng huấn luyện ở Hàng Châu và Thâm Quyến, và cảm nhận sâu sắc rằng người dân địa phương dường như chẳng mấy hào hứng với giải vô địch quốc gia. Khi đến Việt Nam, tôi cũng thấy người dân có vẻ chẳng mấy mặn mà với giải quốc nội, nhìn vào tỷ lệ người xem thì biết.
Tuy nhiên, khác với Trung Quốc, bóng đá là môn thể thao số 1 tại Việt Nam. Khi đội tuyển Trung Quốc thi đấu với đội tuyển Việt Nam, lượng khán giả đến Đại Liên dự khán vắng đến mức tôi không thể tin nổi. Ở Việt Nam, không chỉ đội tuyển quốc gia đâu, mà khi U23 hay các đội tuyển trẻ quốc gia thi đấu, các sân vận động hầu như đều chật kín. Trước khi tiếp quản chiếc ghế HLV trưởng ĐTQG Việt Nam, tôi từng nắm U19 Việt Nam.
Ở Trung Quốc, rất có để tận hưởng được bầu không khí tương tự, bởi bóng đá không phải là môn thể thao số 1 ở đây. Thậm chí đến tận bây giờ tôi còn chẳng biết môn thể thao số 1 ở Trung Quốc là gì nữa cơ. Tuy nhiên, thể thao Trung Quốc quả thực rất mạnh mẽ, đặc biệt là các môn thể thao cá nhân. Trung Quốc giành được rất nhiều chức vô địch thế giới, cũng như HCV Olympic, ngoại trừ bóng đá.
Thành thật mà nói, điều khiến tôi đau đầu nhất khi huấn luyện đội tuyển Việt Nam là rất ít các đội bóng sử dụng phương pháp huấn luyện giống tôi. Giải VĐQG Việt Nam thực sự rất giống với giải VĐQG Trung Quốc. Điển hình nhất là khi các CLB Trung Quốc tuyển chọn ngoại binh, họ luôn thích những cầu thủ cao to và có sức mạnh, và hầu như tất cả các bàn thắng đều đến từ ngoại binh, vì vậy đội tuyển Trung Quốc có rất ít cầu thủ ghi bàn.
Giải VĐQG Việt Nam cũng vậy, cần phải hoàn thiện càng sớm càng tốt. Tôi đang phải bắt đầu lại từ đầu và buộc các học trò của mình phải chấp nhận triết lý và quan niệm bóng đá hoàn toàn khác. Điều này sẽ phải mất khá nhiều thời gian.
Vì sao trình độ bóng đá của Trung Quốc không còn cao như ngày xưa, thậm chí là tụt dốc thảm hại? Là bởi trình độ giải VĐQG Trung Quốc thấp hơn so với các giải đấu quốc nội của Nhật Bản, Hàn Quốc. Với sự đổ bộ ồ ạt của các ngoại binh vào Trung Quốc, khoảng cách này ngày càng được nới rộng.
Cả Việt Nam lẫn Trung Quốc đều đang sở hữu giấc mơ World Cup 2026. Tuy nhiên, nếu muốn có được cơ hội lọt vào VCK World Cup, trước tiên phải có một giải đấu chuyên nghiệp, cùng nhiều cầu thủ xuất ngoại hơn. Giống như khi đội tuyển Trung Quốc đặt chân đến VCK World Cup 2002 với 6, 7 tuyển thủ đang thi đấu tại châu Âu. Nếu điều đó lặp lại, có thể đội tuyển Trung Quốc đã ở trong tình thế hoàn toàn khác.