1. Dưới bàn tay của HLV Kiatisak, ngày ấy Thái Lan thắng cả hai trận đi về ở vòng loại thứ hai World Cup 2018 khu vực chân Á trước Việt Nam. Đáng nói nhất là trận thắng đội tuyển Việt Nam 3-0 ngay trên Mỹ Đình, để rồi lọt tiếp vào vòng 3 với ngôi đầu bảng F - xếp trên cả Iraq. Ngày ấy trên sân Mỹ Đình, cổ động viên Thái Lan giăng tấm biểu ngữ khổng lồ, với dùng chữ "Giấc mơ đến World Cup".
Bốn năm trước, trong phòng họp báo của sân vận động Mỹ Đình, sau trận thắng tưng bừng trước đội tuyển Việt Nam của HLV Miura, "Zico Thái" ngẩng cao đầu khẳng định: "Thái Lan mới là ông vua của Đông Nam Á".
Bốn năm trước, đội hình của Thái Lan dưới tay Kiatisak liệu có ăn đứt đội tuyển Thái Lan hiện tại? Không hề. Bởi ngày ấy, đội tuyển Thái Lan từng khiến HLV Miura phải bị sa thải không có cầu thủ nào đang thi đấu ở nước ngoài. Ngày ấy, ngôi sao số 1 của bóng đá Thái là Teerasil Dangda đã trở về với giải quốc nội sau một năm cho đội bóng La Liga - Almeria, mượn.
Bốn năm sau ngày ấy, đội hình Thái Lan hiện tại có đến 4 cái tên đang chơi bóng ở nước ngoài. Ngoài thủ thành Kawin Thamsatchanan đang khá chật vật ở giải hạng Hai Bỉ, thì cả 3 cái tên còn lại đang cực kỳ thành công ở J.League - giải đấu hàng đầu châu Á.
Chanathip Songkrasin đang là tên tuổi lẫy lừng nhất không chỉ của bóng đá Thái Lan, mà còn của cả CLB Consodale Sapporo, và là một trong những cầu thủ xuất sắc nhất của J.League 1. Mùa trước, "Messi Thái" có tên trong đội hình tiêu biểu J.League 1. Ở đó, những ngôi sao như Andres Iniesta, Fernando Torres lẫn Lukas Podolski đều không có tên.
Trong khi đó, cả Theerathon Bummathan lẫn Thitiphan Puangchan đều có suất đá chính ở những CLB mạnh của J.League 1, là Yokohama F. Marinos và Oita Trinita. Theerathon Bummathan chính là người "đóng cây đinh cuối cùng" vào lưới của Nguyên Mạnh trên sân Mỹ Đình bằng bàn thắng ấn định tỷ số 3-0 nghiệt ngã gần 4 năm về trước.
Vòng loại World Cup 2018: Việt Nam 0-3 Thái Lan
Còn Thitiphan Puangchan chính là người đã sút tung lưới thủ thành Phí Minh Long ở SEA Games 2015.
2. Đội tuyển Thái Lan, xét về mặt nhân sự, có phần mạnh hơn 4 năm về trước với hàng tiền vệ cực kỳ đáng gờm được "thống lĩnh" bởi "Messi Thái" - Chanathip Songkrasin. Nhưng về mặt tinh thần, họ lại cực kỳ không ổn. Và cái sự "không ổn" đó, phần nào bắt nguồn từ chính thầy trò HLV Park Hang-seo - đối thủ trong trận đại chiến Đông Nam Á sắp tới.
Suốt 20 tháng qua, ở tất cả các giải đấu mà mình tham gia, bóng đá Thái Lan đều bị thầy trò HLV Park Hang-seo "qua mặt". Không chỉ qua mặt, trong khi bóng đá Việt Nam liên tục lập những kỳ tích khiến cả châu Á phải ngỡ ngàng, thì Thái Lan liên tiếp "vấp ngã" trên cả đấu trường châu Á lẫn Đông Nam Á.
Từ giải U23 châu Á 2018, đến Asiad, rồi AFF Cup 2018, Asian Cup 2019 và gần nhất là vòng loại U23 châu Á 2020, King's Cup 2019, ở đâu thầy trò HLV Park Hang-seo cũng gặt hái những thành tựu vượt bậc, còn người Thái, họ không chỉ thua kém so với Việt Nam, mà còn kém so với chính bản thân mình. Suốt 2 tháng qua, điểm sáng le lói duy nhất của bóng đá Thái Lan, có lẽ chỉ là trận giao hữu thắng 1-0 trước Trung Quốc ở Nam Ninh đầu năm nay.
Chanathip Songkrasin đưa đội tuyển Thái Lan vượt qua Trung Quốc.
Đội tuyển Việt Nam đang yếu hơn chính mình khá nhiều, với sự vắng mặt của Đình Trọng, Trọng Hoàng và Văn Hậu - những cầu thủ luôn chắc suất đá chính trong đội hình của HLV Park Hang-seo, bởi chấn thương. Thiếu cả hai cầu thủ chạy cánh cực kỳ xông xáo và dạn dày kinh nghiệm chính chiến, cùng trung vệ xuất sắc nhất của mình, rất có thể HLV Park Hang-seo sẽ phải "đổi bài" trước người Thái.
Chưa bao giờ nhà cầm quân người Hàn Quốc vấp phải khó khăn lớn đến như thế ở các đội tuyển Việt Nam mà ông cầm quân. Trớ trêu thay, chính sự thành công của bóng đá Việt Nam là lý do cho sự khó khăn mà nhà cầm quân người Hàn này đang vấp phải. Thành công của U23 Việt Nam, đội tuyển Việt Nam và CLB Hà Nội trên đấu trường AFC Cup đang khiến họ phải trả giá bằng sự quá tải, bằng chấn thương của các cầu thủ trụ cột của mình.
Sự vắng mặt của Văn Hậu là cực kỳ đáng tiếc với đội tuyển Việt Nam.
Nhưng cũng nên nhớ rằng dưới thời HLV Park Hang-seo, lối chơi máu lửa, tinh thần đoàn kết của các cầu thủ, kết hợp với "độ quái" của nhà cầm quân đã bước qua tuổi 60 này mới là những yếu tố chính làm nên thành công vượt bậc, những kỳ tích "long trời lở đất" vừa qua của bóng đá Việt Nam.
Đây chẳng phải là lần đầu tiên thầy trò HLV Park Hang-seo đụng độ với đội tuyển Việt Nam, tuy rằng hiện tại, họ đã khác với sự trở lại của Chanathip Songkrasin cùng HLV từng đưa đội tuyển Nhật Bản đến thành công ở World Cup 2018. Chẳng phải càng gặp đối thủ mạnh, càng khó khăn, thì các học trò của thầy Park càng đá hay hay sao?
Tuần trước, trên sân Hàng Đẫy, dẫu cho đội bóng mạnh đến từ Turkmenistan mới là người dẫn trước, nhưng với sự bùng nổ của Quang Hải, CLB Hà Nội với hàng loạt các tuyển thủ quốc gia rốt cuộc đã có trận thắng khiến người hâm mộ bóng đá Việt Nam phải trầm trồ thán phục.
Cuối tuần qua, trên sân Pleiku, HAGL với đội hình 100% nội binh cũng có màn luội ngược dòng cực kỳ ngoạn mục trước SHB Đà Nẵng - đội bóng ra sân với hơn 1/3 đội hình là "cầu thủ ngoại", với sự tỏa sáng rực rỡ của Xuân Trường - Tuấn Anh cùng đồng đội.
Với tinh thần ấy làm chủ đạo, thầy trò HLV Park Hang-seo chẳng có lý do gì phải sợ người Thái cả. Món nợ 4 năm trước của HLV Miura, lần này thầy Park sẽ giúp trả đủ đầy?