HLV Hoàng Anh Tuấn: “Á quân U.23 Châu Á không có nghĩa vô địch AFF Cup dễ dàng”

Đăng Huỳnh |

Sau những thành tích của bóng đá trẻ thời gian qua, đặc biệt là việc U.23 Việt Nam giành ngôi Á quân Giải U.23 Châu Á 2018, HLV Hoàng Anh Tuấn - Trưởng ban Huấn luyện Trung tâm Đào tạo Bóng đá trẻ PVF đã có buổi đối thoại cùng PV Lao Động về cơ hội và thách thức sắp tới của bóng đá Việt Nam.

Việc tham dự VCK U.20 World Cup rồi danh hiệu Á quân giải U.23 Châu Á, nếu nhìn lại thì cá nhân ông thấy thành công này mang lại hiệu ứng thế nào cho bóng đá Việt Nam?

- Sau Giải U.23 Châu Á 2018 tạo ra hiệu ứng rất lớn. Về mặt chuyên môn, chúng ta biết mình đang ở đâu để mang lại sự tự tin khi tham gia các giải đấu tầm cỡ châu lục. Theo quan điểm của tôi, hiệu ứng tích cực lớn hơn, thông qua kết quả vừa rồi làm cho lòng tin NHM thay đổi rất nhiều. Bóng đá mà có lực lượng cầu thủ thứ 12 đông đảo như vậy chắc chắn là hiệu ứng tốt cho cả nền bóng đá.

Vậy những thành tích đó nói lên điều gì?

- Chúng ta nên đánh giá một cách thẳng thắn, điều gì cũng có tính hai mặt. Thứ nhất, nếu tập trung đầu tư tốt, có chiến lược rõ ràng, cụ thể thì chúng ta có thể vươn tầm châu lục. Về góc độ chuyên môn đơn thuần, với kỹ năng, kỹ thuật của cầu thủ Việt Nam, nếu được đầu tư đúng mức vẫn có thể ước mơ và hy vọng cho những mục tiêu xa hơn ở cấp độ châu lục và các đội trẻ ở tầm thế giới. Tương lai, ĐTQG hy vọng vươn tới tầm thế giới, mục tiêu cụ thể là dự VCK World Cup.

Nhưng chúng ta cũng phải nhìn nhận một cách thẳng thắn rằng, U.20 Việt Nam tham dự World Cup không có nghĩa là chúng ta đạt tầm đẳng cấp thế giới. U.23 Việt Nam giành Á quân Châu Á, không có nghĩa là đẳng cấp của chúng ta ở tầm châu lục. Có thể đưa ra một dữ liệu thế này, trong hành trình của U.23 Việt Nam vào đến trận chung kết, có bao nhiêu trận chúng ta thắng trực tiếp các đối thủ, những trận thắng đó thắng thế nào và lối chơi ra sao?

Nếu ở những trận đấu như vậy, Việt Nam thắng nhờ lối chơi đôi công và chơi cách chơi của mình thì là câu chuyện khác. Ở đây, chúng ta chơi thực dụng, hợp lý và có được kết quả tốt. Hơn nữa, U.23 Châu Á chỉ là một giải đấu cụ thể, không thể khẳng định đẳng cấp của nền bóng đá.

Cho nên để tham gia sân chơi châu lục và thế giới, chúng ta có rất nhiều việc phải làm. Từ công tác quản lý về mặt chiến lược phải rõ ràng, sự đầu tư phải lớn thì chúng ta mới có cơ may hiện thực hoá ước mơ. Cần hiểu ở đây, chúng ta vận động thì các nền bóng đá khác cũng phát triển, họ không đứng yên chờ.

Kết quả vừa rồi mang lại hiệu ứng tích cực, mang đến niềm tin cho người làm chuyên môn và NHM, đó chính là giá trị rất lớn.

Ông có cho rằng từ đây thì BĐVN khi ra đấu trường châu lục, quốc tế thay vì học hỏi, cọ xát đã nghĩ đến thành tích?

- Thực ra điều này cũng có tính 2 mặt. Thứ nhất, khi chúng ta bước ra sân chơi châu lục đã không còn mang sự tự ti như trước, thế nhưng vấn đề cọ xát, học vẫn rất cần thiết và cần. Tuy nhiên, các đối thủ cũng đã nhìn chúng ta với thái độ tôn trọng hơn, dè chừng, đề phòng hơn. Tất cả sẽ không dễ để thành công khi yếu tố bất ngờ không còn. Như U.19 tham dự giải Châu Á, U.23 dự ASIAD 18 và ĐTQG dự Asian Cup sắp tới sẽ không dễ, khi được nhìn với con mắt khác và gặp nhiều khó khăn hơn.

 Sau những thành tích BĐVN đã đạt được, người ta nhắc nhiều đến yếu tố tinh thần và thái độ thi đấu quốc tế của các cầu thủ. Tôi có nhớ rằng, sau VCK U.20 World Cup 2017, ông có nói rằng từ nay các cầu thủ sẽ tự tin hơn khi đối đầu với các đội bóng lớn. Có vẻ như điều này đã được các học trò của ông thể hiện ở Giải U.23 Châu Á vừa qua?

- Chúng ta phải hiểu rằng thái độ thi đấu, tinh thần thi đấu, cách thức thể hiện trên sân được đánh giá là sự chuyên nghiệp. Cái đó cầu thủ Việt Nam mới chỉ có gần đây thôi. Tập luyện tích cực, thi đấu với thái độ đúng mực và không có biểu hiện tiêu cực, đó là sự chuyên nghiệp. Sự chuyên nghiệp đó hội tụ nhiều yếu tố chứ không riêng gì yếu tố tinh thần. Điều này đã có từ lâu, chúng ta chưa có làm được như vậy.

Sự thay đổi về tinh thần, cách thức, thái độ thi đấu và đạo đức nghề nghiệp sẽ mang đến một kết quả tốt.

Ở những giải đấu cụ thể sắp tới như ASIAD 18, AFF Cup 2018 và Asian Cup 2019, ông đánh giá thế nào về cơ hội của Việt Nam?

- Thời gian vừa qua, chúng ta có thành tích nên khi bước ra sân chơi châu lục có sự tự tin cần thiết nhưng đó chưa phải là điều quyết định.

Ở khu vực Đông Nam Á, khi chúng ta phát triển thì các quốc gia khác cũng có sự vận động. Vào chung kết U23 Châu Á nhưng không có nghĩa là sẽ vô địch Đông Nam Á, 2 khái niệm đó hoàn toàn khác nhau. Chúng ta phải biết mình đang ở đâu. Ngôi Á quân U.23 Châu Á không thể đánh giá cho cả nền bóng đá, thành tích đó chỉ là nhất thời, nó được ghi nhận bởi sự đầu tư, sự chuẩn bị kỹ lưỡng để có kết quả tốt.

Chúng ta chưa nằm trong Top 10 đội mạnh nhất Châu Á, thế nên cần thận trọng ở các giải đấu cấp độ châu lục. Ở Đông Nam Á, Việt Nam cũng gặp nhiều áp lực bởi các đối thủ Thái Lan, Malaysia, Indonesia. Mơ ước HCV SEA Games bao năm chưa có, ta nên hiểu đó là thực tế không dễ dàng. Tất nhiên, với góc độ chuyên môn, với sự phát triển trong thời gian qua, BĐVN sẽ có thành tích tốt.

Trước tiên, VFF và HLV trưởng, GĐKT, Hội đồng HLV QG cần ngồi lại với nhau để đưa ra được chiến lược cụ thể ở các giải đấu này. Tôi nói ví dụ, các giải đấu năm nay, mục tiêu vô địch AFF Cup được cho là phù hợp nhất, đấy là về mặt chiến lược. Phải nhớ cấp độ U.23 khác ĐTQG và đấu trường khu vực khác châu lục.

“AFF Cup 2018 chúng ta có một bảng đấu thuận lợi nhưng điều đó đâu có quyết định chức vô địch. Để vô địch phải thắng tất cả các đội mạnh nhất.

Tôi luôn ước mơ ĐTQG có kết quả tốt ở AFF Cup. Việt Nam có những cầu thủ giành Á quân châu lục U.23 không có nghĩa có đẳng cấp ở tầm châu lục. Đó chỉ là tín hiệu tốt, là động lực và động cơ, mục tiêu để phấn đấu. Tất nhiên, tôi thấy rằng với lứa cầu thủ hiện tại, nếu có sự đầu tư tốt, có êkíp huấn luyện phù hợp thì khả năng có huy chương là rất lớn”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại