Xã “xét xử” thầy giáo tội trộm!

lananh |

Phó hiệu trưởng dạy môn đạo đức bị Hội đồng Bảo vệ an ninh trật tự xã mời ra làm việc trước trăm người dân và bị “kết án” trộm.

“Tôi đã bị Hội đồng Bảo vệ an ninh trật tự xã Tân Bằng, huyện Thới Bình (Cà Mau) đưa ra giữa xóm, trước cả trăm người dân để xét xử và “kết án” tội trộm trong khi tôi bị đổ oan, bị đánh trọng thương thì không ai đoái hoài đến”. Thầy giáo Huỳnh Chí Nguyễn, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Biển Bạch Tân, xã Biển Bạch, huyện Thới Bình (Cà Mau), viết trong đơn khiếu nại.

Căn nhà hoang nơi diễn ra phiên xử kết tội thầy Nguyễn. Ảnh: TRẦN VŨ

Bắt trộm lúc rạng sáng

Rạng sáng 11-7-2010, người dân địa phương nghe tiếng đánh nhau ở khu vực vuông tôm của ông Nguyễn Chí Nguyên và ông Nguyễn. Người dân chạy đến thì thấy ông Nguyên và người em vợ đang tìm kẻ trộm và hô hoán với mọi người là vừa bắt quả tang ông Nguyễn (có vuông tôm cập ranh với vuông tôm ông Nguyên) đặt lú trộm trong vuông tôm của mình. Không tìm được kẻ trộm, mọi người ra về.

Đến sáng, không thấy chồng về nhà, người vợ đi tìm và gặp ông Nguyễn trong bụi rậm bên phần vuông tôm của gia đình. Thấy chồng bị thương tích đầy người, lại bị đâm vào hông nên người vợ cấp tốc đưa chồng đi cấp cứu.

Tại công an xã, thầy giáo Nguyễn khai mình không ăn trộm mà bị anh em ông Nguyên “hãm hại”. Theo ông Nguyễn, vào đêm xảy ra sự việc, ông bơi xuồng đi kiểm tra vuông tôm của mình. Lúc này con chó trên xuồng ông Nguyễn quay đầu về phía bờ cặp ranh với vuông tôm của ông Nguyên sủa inh ỏi nên ông Nguyễn lên bờ xem thử. Tuy nhiên, khi vừa bước lên bờ thì có ai đó dùng vật cứng đánh từ phía sau làm ông Nguyễn ngã gục. Khi tỉnh lại, ông Nguyễn thấy có người đang đi về phía mình và nghĩ là kẻ vừa đánh mình nên trườn về phần vuông tôm của mình. Máu từ vết thương ra nhiều nên ông Nguyễn đã ngất trong bụi rậm cho đến khi vợ tìm thấy.

Ngược lại, anh em ông Nguyên lại cho rằng trong đêm 10-7, phát hiện kẻ trộm đặt hai cái lú bắt tôm trộm nên hai anh em mới “phục kích”, bắt quả tang ông Nguyễn đang dỡ cái lú thứ hai. Vì vậy họ đã dùng dao, gậy đánh kẻ trộm.

Xét xử thay tòa?

Chứng cứ chưa rõ, công an xã không kết luận được có hay không vụ trộm tôm và đã đưa sự việc ra giải quyết trước dân.

Ông Nguyễn kể: “Ngày 17-8-2010, tôi được UBND xã Tân Bằng mời đến trụ sở để làm việc liên quan đến vụ trộm tôm. Khi đến nơi, tôi mới biết là tôi bị Hội đồng Bảo vệ an ninh trật tự xã đưa ra giải quyết trước dân”. Theo biên bản do cán bộ xã Tân Bằng lập, cuộc giải quyết trên được tiến hành tại căn nhà hoang thuộc ấp Kinh 8, xã Tân Bằng với sự tham dự của 13 người trong Hội đồng Bảo vệ an ninh trật tự xã và khách mời xã bạn cùng hơn 120 người dân địa phương. Chủ trì cuộc họp này là ông Nguyễn Hoàng Lượng, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Tân Bằng, trong vai trò là chủ tịch Hội đồng Bảo vệ an ninh trật tự xã.

Theo biên bản, sau khi phó trưởng Công an xã Tân Bằng tuyên bố lý do, giới thiệu thành phần buổi giải quyết, quyền và nghĩa vụ của những người tham dự thì Hội đồng Bảo vệ an ninh trật tự bắt đầu hỏi “nguyên đơn”, hỏi “bị đơn”, hỏi các nhân chứng, rồi nguyên, bị đơn trình bày… (Biên bản này dùng các từ “nguyên đơn, bị đơn, nhân chứng” - những thuật ngữ pháp lý chỉ có trong phiên tòa).

Sau gần 3 tiếng “xét xử”, hội đồng tạm nghỉ 15 phút để hội ý và kết luận: “Sau khi Hội đồng Bảo vệ an ninh trật tự xã hội ý, căn cứ hồ sơ sự việc, kết luận anh Huỳnh Chí Nguyễn có ăn trộm tôm sú của anh Nguyễn Chí Nguyên. Hội đồng Bảo vệ an ninh trật tự xã giao cho trưởng công an xã xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật. Phần bồi thường thiệt hại, do anh Nguyên kê khai không xác thực nên không kết luận và chưa xem xét…”. Sau cuộc giải quyết, Công an xã Tân Bằng ra quyết định xử phạt thầy Nguyễn 150.000 đồng.

Sau đó, thầy giáo Nguyễn đã bị đề nghị khai trừ ra khỏi Đảng, nhà trường đình chỉ công tác 22 ngày, không cho dạy môn đạo đức.

Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Hoàng Lượng, Chủ tịch xã Tân Bằng, khẳng định: Đây là cuộc hòa giải, giải quyết vụ trộm tôm đúng theo quy định hiện hành. Xã đã làm thường xuyên với những vụ trộm tôm khác tại địa bàn!

Không giống… “con giáp” nào!

Liệu việc đưa một công dân ra trước nơi đông người để “xét xử” trong khi cơ quan công an chưa kết luận được thì có đúng không?

Ông Nguyễn Hùng Cường, Trưởng Phòng Tư pháp huyện Thới Bình, nhận định: Theo Quyết định số 11 ngày 15-4-2003 của chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, Hội đồng Bảo vệ an ninh trật tự xã hội ở cơ sở có nhiều nhiệm vụ nhằm hỗ trợ cho ổn định an ninh trật tự xã hội ở địa phương. Tuy nhiên, tổ chức này không có chức năng kết luận cá nhân nào đó có tội hay không có tội. “Trong vụ việc thầy Nguyễn, hội đồng này đã kết luận thầy ăn trộm tôm của anh Nguyên là chưa đảm bảo theo quy định. Cuộc giải quyết nên dừng lại ở chỗ đưa sự việc ra dân để giúp hai bên thỏa thuận. Nếu hòa giải không thành thì phải chuyển cơ quan thẩm quyền xử lý theo pháp luật”.

Luật sư Huỳnh Cao Lực, Đoàn Luật sư tỉnh Cà Mau, nói: “Tôi không hiểu đây là cuộc giải quyết gì. Nếu là cuộc hòa giải ở cơ sở, theo Pháp lệnh 09/1998 về tổ chức hòa giải ở cơ sở thì phải được thực hiện trên nguyên tắc “tôn trọng sự tự nguyện của các bên, không bắt buộc, áp đặt các bên tranh chấp” và cũng không có chuyện kết tội trong hòa giải. Coi đây là cuộc hòa giải thì càng sai vì buổi giải quyết đã kết luận thầy Nguyễn ăn trộm. Còn nếu xem đây là cuộc kiểm điểm trước dân thì cũng theo quy định, người bị kiểm điểm trước đó phải bị xử lý vi phạm hành chính. Đằng này trước khi đưa ông Nguyễn ra trước dân, đâu có quyết định nào xử lý hành chính?”!

Rốt cuộc, buổi giải quyết nói trên chẳng giống… “con giáp” nào cả!

Theo Phapluattp.vn

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại