Báo động người chưa thành niên vi phạm pháp luật

havan |

Do nhiều nguyên nhân, tình trạng người chưa thành niên vi phạm pháp luật vẫn có nhiều diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng.

Từ năm 2002 đến nay, trung bình mỗi năm xảy ra hơn 10.000 vụ phạm pháp hình sự do người chưa thành niên thực hiện (chiếm hơn 20% tổng số vụ phạm pháp hình sự các loại) với gần 13.000 đối tượng tham gia. Các cơ quan bảo vệ pháp luật phải xử lý hình sự gần 20% số vụ, còn lại phải xử lý hành chính theo quy định của pháp luật.

Các hành vi vi phạm pháp luật mà người chưa thành niên hay phạm phải là trộm cắp, cố ý gây thương tích, cướp giật, gây rối trật tự công cộng, đua xe trái phép... trong đó có nhiều đối tượng thực hiện hoặc tham gia những vụ án đặc biệt nghiêm trọng nhưng giết người, hiếp dâm trẻ em. Ngoài ra, người chưa thành niên còn tham gia nhiều loại tệ nạn xã hội khác như mại dâm, cờ bạc, ma túy.

Hàng loạt vụ án do người chưa thành niên gây ra khiến dư luận nhức nhối. Điển hình như năm 2010, trên địa bàn TP. Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) đã xảy ra trên 30 vụ cướp giật dây chuyền, có ngày xảy ra 2, 3 vụ. Nạn nhân của những vụ cướp hầu hết là phụ nữ đi mô tô, xe đạp đến những đoạn vắng người bị đối tượng đi xe mô tô áp sát giật dây chuyền và nhanh chóng tẩu thoát.

Công an TP Quy Nhơn đã phát hiện hai đối tượng các vụ cướp giật là Phan Thanh Trí (SN 1991), ở tổ 52, KV10, phường Hải Cảng và Trần Phạm Tiến Duy (SN 1992, ở KV7, phường Ngô Mây) TP Quy Nhơn. Đây là 2 học sinh đang học lớp 12 tại một trường THPT ở TP Quy Nhơn, nhưng thời gian đến trường ít hơn thời gian ngồi quán cà phê, cửa hàng Internet. Tại cơ quan công an đối tượng này khai nhận từ năm 2009 đến nay chúng đã hàng chục lần cùng nhau sử dụng xe mô tô đi dạo trên đường phố để cướp giật tài sản của người đi đường.

Đối tượng phạm tội từ 16 đến dưới 18 tuổi chiếm tới trên 60% tổng số người chưa thành niên phạm tội. Phần lớn các vụ án do vị thành niên gây ra là trên địa bàn đô thị (chiếm hơn 70%), trong đó tập trung ở những tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM, Đồng Nai, Bình Định... Đây cũng là nhóm có xu hướng tái phạm tội rất cao (khoảng 35%).

Báo động hơn là xu hướng hình thành băng ổ nhóm, phạm tội có tổ chức, có tính toán kỹ về phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng chưa thành niên phạm tội. Những đối tượng này ham thích cái mới lạ, muốn thể hiện mình, thích phiêu lưu nhưng lại nông nổi, dễ bị lôi kéo, nhận thức pháp luật kém nên nhiều khi vi phạm pháp luật mà không biết.

Phần lớn có trình độ văn hóa thấp (97% học dưới lớp 6, trong đó có 5,4% mù chữ), chơi bời, lêu lổng và sớm nhiễm những thói xấu như nghiện thuốc lá, uống rượu, nghiện ma túy, thích xem phim kích động tình dục, bạo lực, nghiện game online...

Thống kê cho thấy 71% vị thành niên vi phạm pháp luật thiếu sự quan tâm, giáo dục của gia đình, trong đó phần lớn là sinh ra trong những gia đình không hoàn thiện về hôn nhân như bố mẹ bỏ nhau, ly thân hoặc ngoại tình. Đau lòng khi có nhiều bậc cha mẹ sử dụng, lợi dụng con cái tham gia thực hiện tội phạm như trộm cắp, buôn người, buôn bán ma túy, cướp...

Hiện nay, hầu hết các trường học trên toàn quốc đều tổ chức cho học sinh ký cam kết không vi phạm pháp luật nhưng hiệu quả thấp, cơ chế kiểm soát, phòng ngừa còn nhiều bất cập, trách nhiệm của nhà trường trong phát hiện, giáo dục học sinh chậm tiến nhiều nơi còn buông lỏng.

Đáng lưu ý là tình trạng học sinh bỏ học có chiều hướng gia tăng là nguy cơ, điều kiện để tội phạm lợi dụng xâm hại hoặc dụ dỗ lôi kéo các em vào con đường phạm tội (số liệu của Bộ GD-ĐT cho thấy hiện nay có gần 255.000 học sinh, sinh viên bỏ học). Ngoài ra, công tác phối hợp đấu tranh, phòng ngừa hành vi vi phạm pháp luật của các cơ quan chức năng, ban ngành, đoàn thể vẫn chưa chặt chẽ, chưa hiệu quả, mới chỉ chú trọng xử lý các vụ việc đã xảy ra mà chưa coi trọng công tác phòng ngừa.

Dự báo trong thời gian tới các vụ vi phạm pháp luật và số người vị thành niên vi phạm pháp luật sẽ có xu hướng tiếp tục gia tăng với tính chất, mức độ nghiêm trọng hơn. Các hành vi phạm tội chủ yếu tập trung vào các nhóm tội phạm xâm phạm sở hữu, xâm phạm sức khỏe danh dự nhân phẩm của con người, xâm phạm an toàn, trật tự công cộng, các tội phạm về ma túy...

Do vậy, để đảm bảo ANTT và sự phát triển lành mạnh của thế hệ trẻ, thế hệ tương lai của đất nước, các cấp, các ngành cần khẩn thiết đẩy mạnh công tác phòng ngừa, đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật trong người chưa thành niên, trong đó đặc biệt chú trọng công tác phòng ngừa.

Theo Anninhthudo.vn

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại