Hình phạt "sám hối Đại Tăng" với Đại đức Thích Trúc Thái Minh là gì?

Hoàng Đan |

Theo Hòa thượng Thích Thanh Điện, khi Ban Thường trực HĐTS TƯ Giáo hội Phật giáo Việt Nam họp, Đại đức Thích Trúc Thái Minh sẽ phải lên quỳ sám hối Đại Tăng về lỗi của mình.

Trao đổi với PV, Hòa thượng Thích Thanh Điện, Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng 1 Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, ngoài việc bị đề nghị tạm đình chỉ các chức vụ trong Giáo hội, Đại đức Thích Trúc Thái Minh, trụ trì chùa Ba Vàng còn phải sám hối Đại tăng.

Thường trực HĐTS Giáo hội Phật giáo Việt Nam giao Thượng tọa Thích Thanh Quyết, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Giáo dục Phật giáo Trung ương, Trưởng Ban Trị sự PG Quảng Ninh làm thầy giáo giới cho Đại đức Thích Trúc Thái Minh.

Cụ thể, Hòa thượng Thích Thanh Điện giải thích, trong hình phạt này, trước hết giao cho Thượng tọa Quyết gọi, yêu cầu Đại đức Minh lên để dạy bảo, giáo dục giúp nhận ra lỗi lầm của mình và phải sám hối.

Về việc sám hối Đại tăng, lãnh đạo Văn phòng GHPGVN lý giải, đây là hình phạt nặng, yêu cầu vị Tăng này phải sám hối hay nói cách khác sau khi nhận ra lỗi lầm phải xin lỗi toàn bộ Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

"Ví dụ khi Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam họp, Đại đức Thích Trúc Thái Minh sẽ phải lên quỳ sám hối về lỗi của mình", Hòa thượng Thích Thanh Điện nói.

Hòa thượng Thích Thanh Điện cho biết thêm, nếu Đại đức Thích Trúc Thái Minh chưa nhận ra lỗi của mình, vẫn cố tình thực hiện hành vi sai trái thì phía Giáo hội sẽ có cách khác để xử lý.

Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đánh giá, việc xử lý đối với Đại đức Thích Trúc Thái Minh thể hiện sự nghiêm minh của Giáo hội. Tuy nhiên, điều mong muốn hơn cả của Giáo hội là vị trụ trì chùa Ba Vàng cần nhìn nhận thấy lỗi lầm của mình và sửa đổi, để không mắc phải trong tương lai.

Đại đức Thích Thanh Hùng, Ủy viên Thường trực Ban trị sự GHPGVN tỉnh Nam Định cho hay, trong quy định của Luật Phật và Giáo hội, nếu vị Tăng nào trong Tăng đoàn có việc làm, lời nói chưa tốt, chưa đúng giới luật sẽ phải sám hối để sửa đổi các hành vi đó.

Khi sám hối, vị Tăng này, sẽ phải quỳ trước Đại Tăng gồm 4 vị trở lên hoặc tổ chức Tăng đoàn và được nghe rõ các tội, lỗi của mình mắc phải.

Việc sám hối này diễn ra trong nhiều giờ và vị Tăng mắc lỗi khi vào phải làm lễ bái lậy các vị Tăng. Sau đó, vị Tăng này quỳ, gần như không nói gì trong suốt thời gian đó. Khi kết thúc lễ, vị Tăng này phải bái lậy để cảm ơn các vị Tăng.

Sau khi vị Tăng tiến hành sám hối, tùy vào tội lỗi mắc phải mà Tăng đoàn có hình thức xử lý phù hợp như răn đe, cho ở riêng để suy ngẫm lại việc làm của mình, còn nếu vi phạm nghiêm trọng sẽ tẩn xuất ra khỏi Tăng đoàn.

"Trong luật Phật không phân định cụ thể nặng thứ nhất hay thứ hai, nhưng nếu ai sống ở trong Tăng đoàn tại một tập thể nào đó như chùa, tổ đình... có những hành vi việc làm chưa đúng, sai tinh thần giới luật sẽ phải ra trước Đại Tăng ở nơi đó sám hối.

Còn đối với chùa Ba Vàng, thầy trụ trì đã làm ảnh hưởng đến thanh danh của Giáo hội, Tăng đoàn nên phải sám hối với toàn thể Tăng đoàn. Cụ thể, ngoài sám hối với Đại Tăng nơi mình sinh hoạt, sẽ phải sám hối với các vị lãnh đạo Trung ương Giáo hội", Đại đức Thích Thanh Hùng nói.

Vị này chia sẻ thêm, việc xử phạt với hình thức sám hối Đại Tăng đối với vị Tăng mắc lỗi cũng thể hiện sư bao dung độ lượng của lãnh đạo Giáo hội Phật Giáo Việt Nam theo tinh thần của đức Phật.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại