‘Hình phạt’ nào cho người ép cô giáo quỳ gối?

TS PHAN ANH TUẤN, Trưởng bộ môn Luật hình sự, ĐH Luật TP.HCM |

Sự kiện cô giáo N. ở Trường Tiểu học Bình Chánh, huyện Bến Lức, Long An phải quỳ gối xin lỗi phụ huynh đã xảy ra nhiều ngày, song vẫn còn xôn xao dư luận, thậm chí gây bức xúc, phẫn nộ cho nhiều người.

Hành vi này đáng lên án, bởi nghề giáo luôn được xã hội tôn vinh là một nghề cao quý và bởi truyền thống tôn sư trọng đạo lâu đời của dân tộc.

Xét về khía cạnh pháp lý, nhiều ý kiến cho rằng phải xử lý hình sự ông Võ Hòa Thuận (một trong bốn phụ huynh liên quan đến vụ việc) đã ép buộc cô giáo quỳ suốt 40 phút, về tội làm nhục người khác.

Việc có xử lý hình sự hay không sẽ do các cơ quan tố tụng xem xét, cân nhắc. Riêng theo quan điểm cá nhân, đối chiếu với các quy định của pháp luật, tôi cho rằng việc xử lý hình sự là khiên cưỡng.

Trong tội làm nhục người khác (Điều 155 BLHS 2015), đặc trưng của hành vi thường là diễn ra trực tiếp, công khai và trước nhiều người. Trong khi ở đây, việc bắt cô giáo quỳ gối chỉ ở phạm vi một phòng nhỏ và chỉ có bốn người chứng kiến.

Ngoài ra, người phạm tội phải thể hiện những hành vi bỉ ổi hoặc những lời nói sỉ nhục, thóa mạ, chửi bới một cách thô bỉ, tục tĩu nhằm hạ thấp nhân cách, danh dự của người bị hại, làm cho họ cảm thấy nhục nhã trước người khác...

BLHS quy định những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác (khoản 2 Điều 8 BLHS).

Vì vậy hành vi ép cô giáo quỳ có thể bị xử lý hành chính và như thế cũng đủ đảm bảo răn đe và bảo vệ danh dự của nhà giáo nói chung. Tùy mức độ tham gia của mỗi người trong vụ việc thì các cơ quan chức năng xử sẽ có mức xử phạt tương xứng.

Cạnh đó, những người liên quan trong vụ việc này sẽ bị xử lý kỷ luật do vi phạm đạo đức theo các quy định của tổ chức mà họ tham gia.

Riêng ông Thuận với tư cách là đảng viên thì tổ chức đảng nơi ông sinh hoạt sẽ xử lý kỷ luật đảng theo quy định. Thông tin mới nhất là chiều 9-3 chi bộ ấp nơi ông Thuận sinh hoạt đảng đã bỏ phiếu và thống nhất đề xuất hình thức kỷ luật cảnh cáo với ông để trình lên đảng ủy xã xem xét.

Với tư cách là luật sư tập sự thì tổ chức nơi ông này đăng ký hành nghề cũng cần có hình thức xử lý kỷ luật phù hợp với những quy tắc nội bộ.

‘Hình phạt’ nào cho người ép cô giáo quỳ gối? - Ảnh 1.

Trường Tiểu học Bình Chánh, Bến Lức, Long An. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Cũng có ý kiến cho rằng phải xử lý cả việc cô giáo N. bắt một số em học sinh trong lớp quỳ trước đó. Nhưng cần hiểu rằng mục đích của việc bắt học trò quỳ khác với việc phụ huynh ép buộc cô N. phải quỳ. Đây giống như một “hình phạt” để tăng cường kỷ cương lớp học chứ không nhằm hạ nhục học sinh.

Tất nhiên cần thấy rằng đây là việc làm thiếu cân nhắc, suy xét, non về nghiệp vụ sư phạm của cô N. và là cách “dạy dỗ” học trò không còn phù hợp với xã hội ngày nay. Cần nói thêm khi bốn phụ huynh này tới trường lớn tiếng phản ánh việc cách giáo dục này vượt quá chuẩn mực sư phạm thì cô N. đã nhận lỗi và hứa khắc phục sai sót.

Một điều dễ thấy qua vụ việc này là sự đóng góp của xã hội đối với việc lên án các hành vi vi phạm đạo đức và pháp luật đối với các thầy cô giáo.

Đó là việc dư luận đã có những phản ứng tích cực lên án những người có hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự của cô giáo N. Trong nhiều trường hợp, sự lên án mạnh mẽ mới chính là hình phạt nặng nề với người vi phạm chứ không phải biện pháp xử lý của pháp luật.

Rõ ràng là người ta không thể chấp nhận hình ảnh một giáo viên là biểu tượng của tri thức phải quỳ gối trước thái độ hung hăng, quá khích của phụ huynh mà nguyên nhân bắt nguồn từ chuyện nhỏ.

Việc lên tiếng tích cực bảo vệ các giá trị đạo đức xã hội, nhân phẩm, danh dự của các thầy cô giáo cũng là nguồn động viên hàng triệu thầy cô tiếp tục đứng lớp để tiếp tục sự nghiệp trồng người.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại