Mực nước sông Trường Giang thấp kỷ lục. Ảnh: Reuters
Hơn 260 trạm thời tiết ghi nhận mức nhiệt cao nhất từ trước đến nay trong đợt nắng nóng kéo dài. Trong đó có 8 trạm ghi nhận mức nhiệt hơn 44 độ C. Ít nhất 18/31 tỉnh thành có nền nhiệt từ 35 độ C trở lên, trong đó có 9 tỉnh thành nhiệt độ trên 40 độ C.
Trung tâm dự báo thời tiết cảnh báo nắng nóng và nền nhiệt cao sẽ duy trì tới ngày 26-8 ở lưu vực Tứ Xuyên và các khu vực rộng lớn ở miền Trung Trung Quốc . Trước đó, cảnh báo hạn hán màu cam cũng được đưa ra ngày thứ 2 liên tiếp vào ngày 21-8.
Đây là cảnh báo hạn hán màu cam cấp quốc gia đầu tiên do Đài Khí tượng Trung ương Trung Quốc đưa ra kể từ khi thiết lập cơ chế cảnh báo, cho thấy cường độ hiếm thấy trong lịch sử của đợt nắng nóng và hạn hán trong mùa hè năm nay ở nước này.
Người đàn ông đánh bắt ở một khúc Trường Giang khô hạn. Ảnh: Reuters
Người dân đi bộ dưới gầm cầu khi dòng nước đã khô cạn. Ảnh: Reuters
Đợt hạn hán kỷ lục khiến một số sông hồ của Trung Quốc cạn kiệt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thủy điện, nguồn nước sinh hoạt, tưới tiêu và hệ thống vận chuyển đường thủy phải ngừng hoạt động.
Tứ Xuyên, một tỉnh 84 triệu dân, trải qua nắng nóng và hạn hán khắc nghiệt từ tháng 7. Tình hình này khiến chính quyền cắt điện ở các trung tâm công nghiệp quan trọng của Tứ Xuyên và kích hoạt ứng phó khẩn cấp cao nhất, làm tăng thêm nguy cơ cho các nhà sản xuất khi phải đóng cửa nhà máy trong khu vực.
Giữa tuần trước, chính quyền Tứ Xuyên ra lệnh đóng cửa các nhà máy trong vòng 1 tuần để giảm bớt tình trạng thiếu điện do nắng nóng.
Hạn hán làm lộ các cột đo mực nước trong một hồ chứa ở Chiết Giang. Ảnh: Reuters
Lính cứu hỏa dập đám cháy rừng ở tỉnh Tứ Xuyên. Ảnh: Reuters
Thời tiết khắc nghiệt ở Trung Quốc đang làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng điện và siết chặt nguồn cung hàng hóa vào thời điểm nước này đang vật lộn ứng phó với biến động do tác động từ giao tranh Nga – Ukraine.
Theo nhà khí tượng học Etienne Kapikian của viện nghiên cứu France-Meteo, TP Giản Dương và Tự Cống thuộc tỉnh Tứ Xuyên ghi nhận mức nhiệt 43,4°C vào ngày 21-8. Trong khi ở TP Miên Dương, cũng thuộc tỉnh Tứ Xuyên, ngày hôm đó là 41°C.
Người đàn ông tránh nóng trên đường phố Hàng châu. Ảnh: Reuters
Trang Axios cho biết đợt nắng nóng này cũng đã lập kỷ lục về phạm vi địa lý, với hơn 1,3 triệu km vuông ở Trung Quốc hứng chịu nhiệt độ cao vượt quá 40 ° C. Diện tích này tương đương với các bang Texas, Colorado và California ở Mỹ cộng lại.
Nhà khí tượng học Bob Henson nói với Axios rằng ông không nghĩ ra bất cứ điều gì có thể so sánh với đợt nắng nóng mùa hè năm 2022 của Trung Quốc khi chứng kiến mức nhiệt, thời gian, phạm vi địa lý và số người bị ảnh hưởng.
Nhiều người dân ở Trùng Khánh chụp ảnh tại lòng sông khô cạn. Ảnh: Reuters
Con suối cạn nước trong khu du lịch ở Chiết Giang. Ảnh: Reuters
Mực nước sông Dương Tử xuống mức thấp nhất trong 70 năm. Ảnh: Reuters
Mực nước thấp làm lộ đáy đoạn Trường Giang chảy qua thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô. Ảnh: VCG
Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết do ảnh hưởng của đợt nắng nóng tại nhiều nơi, giá rau xanh tăng 12,9% so với năm trước, cao hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Bộ quản lý tình trạng khẩn cấp Trung Quốc, nhiệt độ cao trong tháng 7 đã gây ra thiệt hại kinh tế trực tiếp lên tới 2,73 tỉ nhân dân tệ (hơn 400 triệu USD), ảnh hưởng đến 5,5 triệu người.