Theo Mekong Review, tác giả John Ramsden của cuốn Hanoi After the War, cho hay, ông là một trong nhóm những người ngoại quốc sống ở Hà Nội trong những năm 1980-1982.
John Ramsden cho hay, ông từng nghĩ Hà Nội giống như Bình Nhưỡng, Triều Tiên song thực tế là đó là một thành phố cổ khá đẹp. Cuộc sống ở Hà Nội khi đó với dân địa phương cực kỳ vất vả nhưng mọi người đều đương đầu với nó một cách dũng cảm và khéo léo.
Thực tế khác xa so với những hình ảnh kiểu Xô viết trên biểu ngữ. Người dân làm đủ mọi việc có thể để sinh sống: những nghề thủ công truyền thống nở rộ, người bán hàng rong đầy trên phố, ngoại ô thành phố là một mê cung những chợ vườn nhỏ. Các ngôi chùa đổ nát nhưng rất sống động.
Hà Nội khi đó là một thành phố tĩnh lặng. Không có xe ô tô riêng, xe máy cũng khá hiếm. Người dân thường đi bộ hoặc đi xe đạp. Đường phố không có đèn nê ông, hàng hoá nhập hay dấu hiệu nào của sự toàn cầu hoá.
Đường Tô Tịch ở trung tâm thành phố, gần Hồ Hoàn Kiếm, vẫn là nơi chuyên về làm đồ gỗ. Các ngôi nhà ở trung tâm thành phố, không thay đổi chút nào từ trước thời đại thuộc địa, vẫn là chủ đề ưa thích trong tranh của hoạ sĩ Bùi Xuân Phái.
Toàn bộ nền kinh tế phát triển quanh xe đạp, người dân thích ứng với hoàn cảnh bằng mọi cách. John Ramsden cho biết: “Trong cuốn sách của tôi, nhà văn Nguyễn Quang Thiều giải thích tại sao một số người lại nói bánh xe đạp là một món quà quý giá. Ông Dương Trung Quốc cũng nói về các cửa hàng sửa chữa lốp. Theo đó, nếu bạn may mắn được phân một chiếc lốp xe nhưng lại không đúng kích cỡ, vì thế bạn phải đem nó tới một chuyên gia để sửa chữa”. Trong ảnh dưới đây, một người đàn ông lớn tuổi hy vọng kiếm được vài đồng bằng việc bơm xe.