Theo Stars&Stripes, hệ thống HIMARS đã 6 lần khai hỏa nhằm vào chiếc tàu hải quân đã ngừng hoạt động neo đậu cách xa hàng chục km nhưng đều trượt, sau đó một loạt đạn từ pháo và máy bay của Mỹ và Philippines mới đánh chìm con tàu.
Vụ tấn công 'mất điểm' của HIMARS nằm trong khuôn khổ cuộc tập trận chung mang tên Balikatan 2023, có quy mô lớn nhất trong vòng 30 năm qua giữa Mỹ và Philippines.
“Việc bắn từ bờ biển nhằm vào một con tàu là cực kỳ khó khăn không chỉ với HIMARS", Trung tá Nick Mannweiler, phát ngôn viên của Lực lượng Thủy quân lục chiến Thái Bình Dương của Mỹ nói.
Chính vì vậy, Trung tá Mannweiler vẫn cho rằng, việc HIMARS không bắn trúng tàu trên biển không phải là vấn đề lớn. Cuộc tập trận đã kiểm tra khả năng của các binh sĩ trong việc thực hiện các kỹ năng ngắm bắn vào một con tàu và chuyển thông tin nhắm mục tiêu đến các loại vũ khí Mỹ và Philippines đang vận hành.
"Cuộc tập trận tạo điều kiện cho những khóa huấn luyện hiệu quả hơn như thế này trong tương lai. Trong chiến đấu thực, các lực lượng Mỹ có thể sẽ sử dụng ngư lôi hoặc tên lửa Harpoon để tiêu diệt một tàu chiến thay vì HIMARS", ông Mannweiler cho biết.
Cùng với việc thất bại trong tấn công biển, nguồn tin của Stars&Stripes cũng cho biết, HIMARS đã giảm đáng kể hiệu quả chiến đấu trong cuộc xung đột Ukraine Nga kể từ cuối tháng 8/2022 khi Kiev sử dụng HIMARS trong cuộc phản công vào thành phố Kherson.
"Ukraine đã mất hơn hai tháng để chiếm lại toàn bộ hữu ngạn Kherson sau khi bắt đầu cuộc tấn công. Kherson cho thấy hiệu quả chung của HIMARS bị cường điệu hóa và tác động của vũ khí này chững lại sau hai tháng đầu tiên được sử dụng trên chiến trường", ông Michael Kofman, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Nga tại CNA cho biết.
Theo chuyên gia này, các điều chỉnh mà Nga thực hiện để đối phó với HIMARS gồm di chuyển các trung tâm hậu cần ra khỏi tầm bắn, củng cố các sở chỉ huy và triển khai đạn mồi nhử để khiến Ukraine khó nhắm mục tiêu hơn.
Không những vậy, các lực lượng Nga đã phá hủy số lượng đáng kể HIMARS cũng như đánh chặn cả chục quả đạn do HIMARS của Ukraine phóng đi mỗi ngày.
"Để đối phó với hệ thống HIMARS, Nga đã triển khai các thiết bị radar phản xạ hình chóp nhằm chuyển hướng tín hiệu radar.
Mặc dù các binh sỹ Ukraine có thể phát hiện mục tiêu bằng mắt thường nhưng hệ thống HIMARS tích hợp radar và thiết bị thu nhận hình ảnh vệ tinh trong thiết kế của nó lại không thể xác định rõ mục tiêu nếu bị đánh lạc hướng theo cách này.
Hệ thống coi toàn bộ phần cong là một mặt phẳng. Người Nga đã khai thác một lỗ hổng kỹ thuật trong cách HIMARS vận hành để bảo vệ tuyến đường tiếp tế và lực lượng của họ", ông Michael Kofman cho biết thêm.
Mục đích của các thiết bị phản xạ radar hoặc các vật thể kim loại thô đôi khi gọi là bộ phản xạ góc là để đánh lừa các radar vệ tinh, khiến chúng cung cấp thông tin sai cho HIMARS, dẫn đến việc xác định nhầm và bắn trượt mục tiêu.
"Tên lửa dẫn đường phóng loạt của HIMARS sử dụng tọa độ GPS của mục tiêu và hệ thống dẫn đường quán tính của nó. Tọa độ GPS được cung cấp từ nhiều nguồn khác nhau, chẳng hạn như vệ tinh. Các vệ tinh sử dụng radar để chọn tọa độ GPS.
HIMARS không sử dụng tên lửa dẫn đường bằng radar, nhưng các hệ thống cung cấp tọa độ GPS cho nó lại sử dụng radar để dò tìm mục tiêu", chuyên gia này giải thích thêm.
Trong khi nhiều người đã đặt câu hỏi liệu biện pháp đơn giản như sử dụng thiết bị phản xạ radar có thực sự hiệu quả trong việc chống lại những vũ khí tinh vi như HIMARS hay không, thì các chuyên gia quân sự cho biết, hiệu quả từ quyết định của Nga đã được chứng minh và HIMARS không còn là 'cơn ác mộng' với lực lượng Nga trong chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.