Khì tài nhìn đêm trên xe tăng Việt Nam bắt kịp công nghệ các nước
Trong chiến tranh hiện đại, tác chiến ban đêm đang dần trở thành hình thức tác chiến phổ biến, điều này cũng đặt ra yêu cầu cho các khí tài phương tiện chiến tranh cũng phải thích ứng với hình thức tác chiến mới. Trong đó có thể nói đến xe tăng, phương tiện chiến đấu bọc thép chính của mọi đội quân.
Đối với dòng xe tăng T-54B/55 mặc dù ngay trong thiết kế ban đầu của xe đã được tích hợp các khí tài nhìn đêm cho cả kíp xe, thế nhưng với giới hạn công nghệ vào thời điểm đó, các khí tài này trên T-54B/55 vẫn chưa thực sự tối ưu và tiện lợi.
Đứng trước yêu cầu này trong những năm gần đây một số quốc gia đã có chương trình nâng cấp cải tiến hiện đại hóa khí tài nhìn đêm cho dòng xe tăng T-54B/55, trong đó có cả Việt Nam.
Cận cảnh bộ kính ngắm hỗn hợp ngày đêm HN.TRX-T54B của trưởng xe T-54/55 do Viện Vật lý Kỹ thuật nghiên cứu chế tạo. Ảnh: QPVN.
Điều này được thể hiện qua phóng sự "Kính ngày đêm cho xe tăng" trên QPVN, giới thiệu về mẫu kính ngắm hỗn hợp ngày đêm sử dụng bộ biến đổi quang điện thế hệ thứ 3 cho trưởng xe của xe tăng T-54/55 do Viện Vật lý Kỹ thuật – Viện Khoa học và Công nghệ quân sự nghiên cứu chế tạo.
Cụ thể Viện Vật lý Kỹ thuật đã vận dụng các giải pháp khoa học, tính toán, thiết kế ra mẫu kính trưởng xe hỗn hợp ngày đêm mới có tên mã HN.TRX-T54B, một trong những mẫu kính ngắm đầu tiên cho xe tăng thiết giáp theo nguyên lý khuếch đại ánh sáng mờ ở Việt Nam trên cơ sở công nghệ có sẵn trong nước.
Với HN.TRX-T54B, Viện Vật lý Kỹ thuật đã giải được bài toán sử dụng khí tài nhìn đêm cho trưởng xe T-54/55, bởi theo nguyên bản dòng xe tăng này được trang bị đồng thời hai kính ngắm gồm kính TPKU-2B cho ban ngày và kính TKN-1C dùng cho tác chiến ban đêm.
Cả hai kính này được lắp chung trên cùng bộ gá trên tháp pháo, do sử dụng hai kính riêng lẻ nên việc chuyển trạng thái từ ngày sang đêm tỏ ra rất bất tiện vì mất thời gian thao tác.
Chính vì vậy các mẫu xe tăng thế hệ mới sau này của Nga hai mẫu kính trên đã được hợp nhất cho phép quan sát đồng thời ngày/đêm.
Trước đó vào năm 2016 Cục Kỹ thuật Binh chủng – Tổng cục Kỹ thuật phối hợp cùng Nhà máy Z199 Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng cũng đã chế tạo thành công bộ khí tài nhìn đêm cho kíp xe T-54/55 sử dụng bộ biến đổi quang điện thế hệ thứ 2 gồm: kính TKN-1CT cho trưởng xe và kính TVN-2CT cho lái xe.
Bộ đội kính TKN-1CT cho trưởng xe và kính TVN-2CT cho lái xe do Cục Kỹ thuật Binh chủng – Tổng cục Kỹ thuật phối hợp cùng Nhà máy Z199 chế tạo. Ảnh: QPVN
Khả năng ưu việt của kính ngắm đêm "made in Việt Nam"
Khác với mẫu kính ngắm đêm TKN-1C trên xe tăng T-54/55 trước đây hoạt động theo nguyên lý chủ động, tức là chỉ quan sát được khi có đèn chiếu hồng ngoại dẫn đến dễ bị phát hiện thì kính HN.TRX-T54B hoạt động mà không cần chiếu hồng ngoại nên giảm thiểu khả năng bị đối phương phát hiện trong chiến đấu.
Ưu điểm khác của HN.TRX-T54B có thể kể đến là nó có thể quan sát được mục tiêu trong điều kiện ánh sáng hạn chế nhờ bộ khếch đại, chất lượng hình ảnh cho ra cũng trung thực sắc nét hơn và có tầm nhìn cũng xa hơn.
Ảnh: QPVN.
Chất lượng hình ảnh cũng như tầm quan sát của kính ngắm HN.TRX-T54B so với các mẫu kính cũ vượt trội hơn rất nhiều. Ảnh: QPVN.
Trong khi đó đối với chế độ ban ngày, HN.TRX-T54B giữa nguyên các tính năng cơ bản như trên mẫu kính TPKU-2B nhưng có một số cải tiến cho phép trưởng xe quan sát xa hơn và chi tiết hơn.
Trong quá trình phát triển bộ kính ngắm hỗn hợp cho T-54/55, Viện Vật lý Kỹ thuật cũng đã giải được bài toán về không gian gá lắp cho khí tài mới, bởi bên trong tháp pháo xe tăng nhất là vị trí trưởng xe có không gian khá hạn chế nên việc sử dụng một kính ngắm mới có kích thước lớn sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của kíp lái.
Theo Thượng tá Nguyễn Thu Cầm, Viện trưởng Viện Vật lý Kỹ thuật cho biết, nếu sử dụng 2 kính ngắm riêng lẻ thì không gian để gá lắp không lớn, nhưng khi ghép hai kính lại thì việc bố trí bộ kính ngắm mới nằm gọn trong một khoảng không gian cố định là điều không hề dễ.
Không gian bên trong tháp pháo xe tăng T-54/55 khá bé do đó việc bố trí một kính ngắm mới có kích thước lớn là điều không hề dễ dàng. Ảnh: QPVN.
Dù khó khắn là vậy vấn đề này đã được Viện Vật lý Kỹ thuật giải quyết bằng cách tận dụng tối đa không gian bên trong xe, thiết kế các cơ cấu chuyển đổi ngày đêm phù hợp và chính xác đồng thời đảm bảo tính đứng vững của kính khi đưa vào sử dụng thực tế trên xe tăng.
Trước khi được thử nghiệm trên thực địa, kính HN.TRX-T54B đã được Viện Vật lý Kỹ thuật thử nghiệm hàng trăm lần trong phòng thí nghiệm như kiểm tra độ rung, va đập, độ ẩm đều đảm bảo các yêu cầu cần thiết.
Kết quả thử nghiệm trên thực địa, kính HN.TRX-T54B được đánh giá có chất lượng quan sát tốt với các chỉ tiêu kỹ chiến thuật bằng hoặc hơn các kính ngắm hỗn hợp ngày đêm cho các loại xe tăng thiết giáp trên thế giới
Sau quá trình thử nghiệm kính hoàn toàn có khả năng sản xuất loạt nhằm trang bị cho bộ đội tăng thiết giáp, tăng cường khả năng huấn luyện thực hành, cũng như chiến đấu trong điều kiện ban ngày cũng như ban đêm.
Kính ngày đêm cho xe tăng